Ngày Quốc tế hành động vì các dòng sông (14/3): Nỗ lực bảo vệ, hồi sinh “mạch sống” của Trái Đất

Thủy Nguyễn| 14/03/2023 14:19

(TN&MT) - Ngày Quốc tế Hành động vì các dòng sông (14/3) là dịp để các quốc gia trên thế giới cùng chung tiếng nói bảo vệ các dòng sông - mạch sống của các hệ sinh thái; đề ra những chính sách quản lý công bằng, phát triển bền vững; tìm những giải pháp tốt hơn liên quan đến nước và năng lượng; hợp tác trong xử lý ô nhiễm môi trường, đảm bảo an ninh nguồn nước.

Ngày quốc tế hành động vì các dòng sông năm nay nêu bật tầm quan trọng của các dòng sông đối với đa dạng sinh học bởi các con sông là "chìa khóa" để khôi phục và duy trì đa dạng sinh học của thế giới. Các hệ thống sông là khu vực có sự đa dạng sinh học cao nhất trên Trái Đất và cũng là nơi có hoạt động mạnh nhất của con người.

Nhiều tác động tiêu cực đến nguồn nước các lưu vực sông

Việt Nam có 3.450 sông, suối với chiều dài từ 10km trở lên, trong đó có 13 lưu vực sông lớn và quan trọng gồm: lưu vực sông Hồng-Thái Bình; Bằng Giang-Kỳ Cùng; Mã; Cả; Hương; Vu Gia-Thu Bồn; Trà Khúc; Kôn-Hà Thanh; Ba; Sê San; Srêpôk; Đồng Nai; Mekong nhưng chỉ có khoảng 37% tổng lượng nước sinh ra trên phần lãnh thổ Việt Nam. Lưu lượng nước trên các lưu vực sông có sự biến động theo mùa, theo vùng miền (khoảng 80% lượng nước tập trung mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 1 năm sau và giảm mạnh, thậm chí khô kiệt vào mùa hè).

o-nhiem-nuoc-song-to-lich.png
Ô nhiễm nguồn nước tại các con sông đang ở mức báo động

Bên cạnh đó, phần lớn các đô thị ở Việt Nam tập trung dọc theo các sông lớn, nhưng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội của đô thị còn chưa đồng bộ, quá tải làm nảy sinh nhiều áp lực đối với môi trường. Sự phát triển dân số và quá trình đô thị hóa tại các đô thị trong thời gian qua đã và đang gây sức ép đến sử dụng tài nguyên nước và môi trường các lưu vực sông. Sự phát triển các ngành kinh tế làm gia tăng nhu cầu sử dụng nước, tuy là động lực phát triển song cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước trên các lưu vực sông trong thời gian qua.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam đứng trong nhóm 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ những hiện tượng thời tiết cực đoan. Vì vậy, môi trường nước trên các lưu vực sông đang chịu tác động mạnh bởi diễn biến, xu thế của biến đổi khí hậu toàn cầu. Tại Đồng bằng Bắc Bộ và ven biển miền Trung, mùa khô có xu hướng đến sớm và kéo dài hoặc mưa tập trung với cường suất lớn, dẫn tới hạn hán và lũ lụt, ngập mặn và sạt lở bờ biển ngày một gia tăng. Nam Bộ đang đối diện với tình trạng ngập lụt và xâm nhập mặn. Còn Đồng bằng sông Cửu Long, cùng với vấn đề xâm nhập mặn, hiện tượng xói lở bờ sông, bờ biển cũng xảy ra tại hầu hết các địa phương trong vùng.

Theo đánh giá của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, chính quyền các cấp cũng như cộng đồng, xã hội đã có nhiều nỗ lực bảo vệ môi trường trên các lưu vực sông. Nhưng nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất và dân sinh ngày càng tăng do quá trình phát triển kinh tế-xã hội, áp lực của sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa mạnh mẽ trong những năm qua, đã tạo ra nhiều tác động tiêu cực đến chất lượng và trữ lượng nguồn nước các lưu vực sông.

Nỗ lực bảo vệ “mạch sống của Trái đất”

Nhiều năm qua, Việt Nam đã đưa ra những quyết sách quan trọng về quy hoạch khai thác, bảo vệ nguồn nước, tăng cường quản lý nguồn nước theo lưu vực sông; tăng cường kiểm soát các nguồn thải gây ô nhiễm nguồn nước, kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác và sử dụng nước bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và bền vững... để nỗ lực bảo vệ và hồi sinh các dòng sông, vì tương lai xanh của đất nước.

Để củng cố và tăng cường hiệu quả quản lý của công tác bảo vệ môi trường nói chung và lưu vực sông nói riêng, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định nhiều nội dung mới về công tác bảo vệ môi trường nước lưu vực sông, đặc biệt là việc đánh giá sức chịu tải của sông, hạn ngạch xả nước thải vào lưu vực sông, công bố các đoạn sông không còn khả năng tiếp nhận chất thải...

Triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, thời gian qua, các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực phối hợp trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách bảo vệ môi trường lưu vực sông; tiến hành quan trắc môi trường, điều tra, thống kê nguồn thải; xác định các điểm nóng về môi trường; tiến hành phân vùng môi trường; xây dựng hệ thống thông tin môi trường; tuyên truyền, phổ biến về bảo vệ môi trường lưu vực sông; triển khai nghiên cứu, xây dựng và chuyển giao công nghệ một số mô hình xử lý nước thải sinh hoạt chi phí thấp cho cụm dân cư đô thị thuộc các lưu vực sông.

5606-image001.jpeg
Một nhánh sông Hồng 

Cùng với đó, mới đây nhất, Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia được Chính phủ phê duyệt lần đầu tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ tạo ra những đột phá trong công tác cải tạo, phục hồi các dòng sông ô nhiễm giúp hồi sinh các dòng chết.

Một mục tiêu quan trọng của Quy hoạch này là phấn đấu đến năm 2030 thu gom, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường đạt từ 30% tổng lượng nước thải tại đô thị loại II trở lên và 10% từ đô thị từ loại V trở lên. Qua đó giúp nhiều dòng sông bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm sẽ được phục hồi.

Cùng với việc phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia,  trong tháng 2 và tháng 3/2023, Chính phủ cũng ban hành Quy hoạch tổng hợp các lưu vực sông Hồng – Thái Bình và Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các Quy hoạch nhằm mục tiêu bảo đảm an ninh nguồn nước trên lưu vực sông, tích trữ, điều hòa, phân bổ tài nguyên nước một cách công bằng, hợp lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả gắn với bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước nhằm đáp ứng nhu cầu nước cho dân sinh, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường.

Đây chính là căn cứ, định hướng để Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ ngành, địa phương trên lưu vực sông tổ chức thực hiện quy hoạch nhanh chóng và hiệu quả trong thời gian tới.

Hy vọng với những quyết sách mới được ban hành, thời gian tới, những mạch nguồn sống sẽ tiếp tục được hồi sinh và luôn chảy, "mạch sống của Trái Đất" sẽ tiếp tục được bảo vệ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngày Quốc tế hành động vì các dòng sông (14/3): Nỗ lực bảo vệ, hồi sinh “mạch sống” của Trái Đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO