Ngày Khí tượng thế giới 23/3: Kết nối đại dương, khí hậu và thời tiết

Thanh Tùng| 17/03/2021 11:17

(TN&MT) - Bên cạnh tổ chức Chương trình Toạ đàm quốc tế: “Giám sát Đại dương - Dự báo - Cảnh báo thiên tai phục vụ cuộc sống sinh kế trên biển và vùng ven biển”, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị tổ chức hưởng ứng Ngày Khí tượng thế giới bằng cách treo pano, băng rôn, áp phích tại các khu vực công cộng, đường phố, trụ sở cơ quan; khởi công, xây dựng và bàn giao các công trình, dự án thuộc lĩnh vực khí tượng thủy văn, phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu...

Ngày 23/3/1950, Tổ chức Khí tượng thế giới (World Meteorological Organization - WMO) với tiền thân là Tổ chức Khí tượng Quốc tế (International Meteorological Organization – IMO, được thành lập năm 1873) đã lấy ngày 23/3 hằng năm là Ngày Khí tượng thế giới.

Mỗi năm Liên Hợp Quốc chọn một chủ đề cho Ngày Khí tượng thế giới nhằm khẳng định vai trò, vị thế và trách nhiệm của ngành Khí tượng thủy văn (KTTV) trong việc chủ động giám sát thời tiết khí hậu: dự báo, cảnh báo sớm kịp thời về các loại hình thiên tai; kích hoạt sớm nhất hệ thống phòng, chống thiên tai ở các cấp, các ngành để đảm bảo sự bình yên cho cuộc sống người dân các vùng miền trong cả nước.

Chủ đề Ngày Khí tượng thế giới năm nay là: “Đại dương - thời tiết và khí hậu của chúng ta”

Chủ đề Ngày Khí tượng thế giới năm 2021 là: “Đại dương - thời tiết và khí hậu của chúng ta” tôn vinh trọng tâm của WMO trong việc kết nối đại dương, khí hậu và thời tiết trong Hệ thống Trái đất. Khoa học dự báo cảnh báo KTTV đặc biệt là quan trắc đại dương đã được nghiên cứu, ứng dụng và triển khai rất mạnh mẽ ở các quốc gia nhằm tăng cường bảo vệ tính mạng và tài sản trên biển cũng như quản lý vùng ven biển.

Chủ đề tập trung chủ yếu vào những vấn đề chính như: Đai dương tác động đến Khí hậu và Thời tiết; Đảm bảo an toàn trên biển và đất liền; Quan trắc đại dương; Dự báo thay đổi khí hậu; Đại dương và biến đổi khí hậu; Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) và các sáng kiến khác. WMO thực hiện các hoạt động để cải thiện tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn và phó khẩn cấp với các hiểm hoạ môi trường như sự cố tràn dầu và hoá chất cũng như chất phóng xạ.

Làm rõ vai trò kết nối tổng thể của việc giám sát, dự báo KTTV, cũng như các dịch vụ cảnh báo sớm về lũ lụt và hạn hán là vấn đề vô cùng cần thiết nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản trên biển, thúc đẩy giao thông đường biển. Đặc biệt, dưới tác động của biến đổi khí hậu đang diễn ra và tác động đến các điều kiện tự nhiên làm cho các loại thiên tai ngày càng “dị thường hơn, cực đoan hơn” cả về tần suất lẫn cường độ, nhất là các thiên tai liên quan biển và đại dương, do đố vấn đề đảm bảo an toàn trên biển và đất liền đang là vấn đề toàn cầu của Việt Nam.

Bên cạnh đó, chúng ta cần có sự phối hợp mạnh mẽ giữa các nước để đảm bảo việc quan trắc được diễn ra thường xuyên và bền vững. Ngoài việc ảnh hưởng đến địa lý của các khu vực khí hậu trên hành tinh, đại dương còn khiến khí hậu thay đổi trong khoảng thời gian hàng tuần đến hàng thập kỷ thông qua các dao động thường xuyên. Với việc nâng cao chất lượng giám sát đại dương, bầu khí quyển và các hiểu biết khoa học, các nhà khoa học ngày càng có thể xác định và dự báo những dao động này cũng như sự thay đổi của khí hậu và thời tiết.

Bên cạnh việc phòng chống dịch COVID-19, việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Khí tượng thế giới thông qua việc đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, trên mạng xã hội và tính chất chuyên cảnh, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, có sức lan tỏa cao.

Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Chương trình Tọa đàm Quốc tế trực tuyến với Chủ đề “Giám sát Đại dương - Dự báo - Cảnh báo thiên tai phục vụ cuộc sống sinh kế trên biển và vùng ven biển” tập trung nhấn mạnh chủ đề Ngày Khí tượng thế giới 2021. Những định hướng của WMO và nỗ lực của quốc gia thành viên trong việc đề xuất, cam kết thực hiện những định hướng nhằm xây dựng WMO hiệu quả với sự chủ động của các quốc gia thành viên trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật; giám sát đại dương, khí hậu và thời tiết và những tác động của bến đổi khí hậu. Đặc biệt, nêu rõ vai trò chủ động của Việt Nam trong những đề xuất nhằm chung tay bảo vệ đời sống và sinh kế cho người dân trên biển và vùng ven biển gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và giảm thiểu rủi ro thiên tai.

Đại dương, khí hậu và thời tiết có mối quan hệ chặt chẽ lẫn nhau. Trong bối cảnh dân số toàn cầu tăng lên nhanh chóng, nhu cầu về an toàn sinh mạng trển biển và hỗ trợ quản lý vùng ven biển ngày càng tăng. Biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng nghiêm trọng, các hiện tượng thời tiết cực đoan có tần suất và cường độ nhiều hơn, dẫn đến việc thay đổi chế độ KTTV dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra ngày càng thường xuyên và khó dự đoán làm ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn tài nguyên nước mặt và nước ngầm. Hậu quả là hàng loạt các ngành kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đe dọa đến kinh tế, đời sống và sức khỏe của người dân.

Ngày 8/3, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Công văn số 1046/BTNM-TĐKTTT hướng dẫn, đề nghị các cơ quan, đơn vị tổ chức các hoạt động hưởng ứng như: Treo pano, băng rôn, áp phích tại các khu vực công cộng, đường phố, trụ sở cơ quan và các địa điểm thích hợp để truyền tải thông điệp Ngày Khí tượng thế giới và ý nghĩa, vai trò của khí tượng thủy văn đối với con người và đời sống.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và phương thức trực tuyến; phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí, phát thanh, truyền hình của Trung ương và địa phương tăng thời lượng phát sóng các nội dung về giá trị của nước; đại dương gắn với thời tiết, khí hậu; phòng chống thiên tai; giảm thiểu phát thải khí nhà kính; tiết kiệm năng lượng; bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường.

Tổ chức các buổi tọa đàm, giao lưu trực tuyến và các hoạt động tuyên truyền, truyền thông khác để truyền tải rộng rãi thông điệp, chủ đề Ngày Khí tượng Khí tượng thế giới.

Thiết lập các Nhóm hành động, Nhóm tình nguyện…, để tìm hiểu, trao đổi, chia sẻ các trailer, phóng sự, pano, áp phích, khẩu hiệu, hình ảnh, các chương trình trực tuyến, tài liệu hoặc tổ chức các cuộc thi, diễn đàn trên các nền tảng mạng xã hội như facebook, instagram và các webtise có nội dung liên quan chủ đề Ngày Khí tượng thế giới, nhằm tăng sự quan tâm, thu hút lượng tương tác của cộng đồng.

Khởi công, xây dựng và bàn giao các công trình, dự án thuộc lĩnh vực khí tượng thủy văn, phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu nhằm phục vụ tốt hơn các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh, đặc biệt là những đối tượng đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng biển, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số.

Phát hiện, biểu dương, động viên và khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong việc áp dụng các sáng kiến, giải pháp công nghệ để quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu.

Thông qua các thông điệp của Ngày Khí tượng thế giới năm 2021 nhằm kêu gọi sự quan tâm, hành động của cộng đồng, các nhà hoạch định chính sách về đại dương, khí hậu và thời tiết, phải tăng cường công tác quản lý, giám sát và dự báo các kịp thời sự thay đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Cùng chung tay với WMO thúc đẩy nhiều hoạt động bảo vệ đời sống, sinh kế cho người dân trên biển và vùng ven biển gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và giảm thiểu rủi ro thiên tai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngày Khí tượng thế giới 23/3: Kết nối đại dương, khí hậu và thời tiết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO