(TN&MT) - Giữa núi rừng sâu thẳm, tiếng cồng chiêng vang vọng với những âm thanh đầy khí thế trong không gian một lớp học giữa buôn làng người Cơ Tu. Những nghệ nhân lớn tuổi say sưa “truyền lửa” cho lớp trẻ. Những người trẻ cũng đón nhận tình yêu với cồng chiêng cũng như trách nhiệm giữ gìn bảo tồn văn hóa truyền thống của cha ông
Đến huyện Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên – Huế) vào một ngày mùa hạ, chiều muộn, chúng tôi bất ngờ được chứng kiến lớp dạy học cồng chiêng nơi đây. Tại xã Thượng Nhật, những nghệ nhân người dân tộc Cơ Tu say sưa truyền dạy cồng chiêng cho con cháu. Do nhà văn hóa xã đang được xây dựng nên lớp học diễn ra giữa sân. Dưới ánh đèn, không khí vui tươi, rộn rã và hào hứng được lan tỏa khắp nơi.
Lớp học có hơn 50 học viên chủ yếu là người đồng bào trong xã, chia ra thành 2 nhóm, một nhóm học thứ 2, 4, 6 và nhóm còn lại học thứ 3, 5,7. Cứ mỗi cuối chiều, dù bận bịu với công việc nương rẫy, đồng áng hay gia đình..., bà con vẫn giành thời gian đến lớp sớm, tập trung, cùng nhau sẻ chia nhiều câu chuyện và chờ đợi sự hướng dẫn của các nghệ nhân.
Lớp học chúng tôi gặp hôm ấy do nghệ nhân Nguyễn Ngọc Nam đứng lớp. Ông Nam năm nay gần 50 tuổi và đã gắn bó với cồng chiêng từ lâu và quý cái cồng, cái chiêng như chính bản thân mình.
“Xã có 7 thôn, hơn 90% là đồng bào dân tộc thiểu số người Cơ Tu. Cái cồng, cái chiêng là nhạc cụ có từ lâu đời, nó đã gắn bó với bao chuyện vui buồn của người đồng bào Cơ Tu chúng tôi. Tôi mong muốn truyền lại cho con cháu, lớp trẻ ngày nay biết bảo tồn văn hóa, biết truyền thống của dân tộc”, ông Nam bộc bạch trước khi tiết học bắt đầu.
Trong khoảng 3 tiếng đồng hồ, lớp học thật sự rất vui và ấm cúng. Các nghệ nhân truyền dạy cho thế hệ trẻ về cách diễn tấu các điệu thức cồng chiêng, cách biểu diễn cồng chiêng kết hợp với trống và một số nhạc cụ. Dạy cho các học viên có thể đánh được cồng chiêng trong tiết tấu đón khách; ăn cơm mới, vào nhà mới; tiết tấu trong săn bắt thú, người qua đời, trong đám cưới… và các hoạt động văn hóa văn nghệ khác, dựa trên nền tảng từ các bài chiêng, trống của người đồng bào dân tộc Cơ Tu, kết hợp với nét văn hóa đặc sắc của địa phương như: Za Zã, Ba booch, Co Lêng, Cơ Lau…
Ngồi nghỉ và uống cốc nước sau khi học xong được một giờ đồng hồ, anh Hồ Văn Cay (thôn A Tin) hào hứng, đây là lần đầu tiên anh được học một lớp cồng chiêng ý nghĩa như thế này.
“Lâu nay đi đâu cũng chỉ ngồi nghe tiếng mà thôi, nay được các nghệ nhân hướng dẫn tận tình khiến mình rất vui. Mới học thì đôi tay mỏi và đau lắm, tưởng chừng sẽ bỏ cuộc, nhưng những khó khăn ban đầu rồi cũng qua đi. Khi tập thuần thục được bài chiêng đầu tiên, mình càng thêm mê chiêng và hăng say luyện tập hơn, mình sắp đánh được nhuần nhuyễn nhiều bài, nhiều điệu rồi…”, anh Cay tâm sự.
Với người dân Cơ Tu trên đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, cồng chiêng là nét đẹp văn hóa truyền thống, độc đáo đã xuất hiện trong đời sống sinh hoạt từ bao đời nay, nhưng hiện tại đang đứng trước nguy cơ mai một và thất truyền. Nguyên nhân bắt nguồn từ những biến đổi trong đời sống vật chất tinh thần của cư dân, sự thay đổi trong phương thức canh tác, mối quan hệ giữa con người với môi trường tự nhiên, sự bùng nổ công nghệ thông tin…
Trước thực trạng này, huyện Nam Đông đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông qua các nghệ nhân mở lớp dạy cách sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống của người Cơ Tu, qua đó người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ phần nào ý thức hơn công tác bảo tồn và phát huy giá trị của loại nhạc khí này.
“Tham gia lớp học, trước hết là trách nhiệm, sau nữa là để nối tiếp truyền thống của cha ông mình. Đây là việc làm ý nghĩa, bổ ích giúp thế hệ trẻ hiểu thêm và gìn giữ nét đẹp truyền thống, tinh hoa của dân tộc mình. Sau này, mình lại tiếp tục truyền lại cho con cháu của mình”, anh Hồ Văn Tơn (thôn La Vân) bộc bạch.
Trao đổi với PV, ông Lê Nhữ Sửu – Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Nam Đông cho biết, Nam Đông là huyện miền núi của tỉnh Thừa Thiên – Huế với 21 dân tộc thiểu số đang sinh sống, chiếm 46,4% dân số toàn huyện, chủ yếu là người Cơ Tu. Trong những năm qua, Huyện ủy và UBND huyện đã có nhiều giải pháp hỗ trợ nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về văn hóa nói chung và văn hóa dân tộc thiểu số nói riêng được nâng lên. Công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy tinh hoa văn hóa dân tộc, đặc biệt là văn hóa dân tộc thiểu số được quan tâm thực hiện; các thiết chế văn hóa được xây dựng đi vào hoạt động; nhiều chương trình, kế hoạch về sưu tầm văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào được thực hiện. Tất cả đã góp phần vào việc bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc thiểu số trên địa bàn.
“Những lớp học cồng chiên được tổ chức hằng năm ở nhiều xã trên địa bàn huyện, thu hút hằng trăm người tham gia, mỗi lớp được tổ chức từ 20 đến 25 ngày. Đây là một chủ trương rất đúng đắn và kịp thời, nhất là đối với các thế hệ trẻ. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tham gia gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa đặc trưng dân tộc Cơ Tu. Trong đó, hằng năm, tiếp tục mở lớp truyền dạy cách đánh cồng chiên cho bà con các xã, các khu dân cư trên địa bàn huyện. Đặc biệt, sẽ hướng tới việc đưa cồng chiêng vào trong những lớp học…”, ông Sửu nói.
Trăng đêm tròn và sáng. Rời miền núi Nam Đông, tiếng cồng, tiếng chiêng vẫn ngân vang từ lớp học. Dư âm của những thanh âm ấy còn vang vọng, nối dài như tình yêu của người Cơ Tu với nhạc cụ truyền thống này...