Ngăn ngừa vi phạm hành chính về đất đai: Phạt nặng !

14/05/2014 00:00

(TN&MT) - Nhiều quy định chưa cụ thể, mức phạt còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe dẫn tới gia tăng các vi phạm về đất đai.

(TN&MT) - Nhiều quy định chưa cụ thể, mức phạt còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe dẫn tới gia tăng các vi phạm về đất đai . Vì vậy, Dự thảo Nghị định về xử lý vi phạm hành chính về đất đai do Bộ TN&MT xây dựng dự kiến nâng mức phạt cao gấp từ 2 - 4 lần hiện nay để hạn chế những vi phạm này.
   
  Theo phản ánh của một số địa phương, vướng mắc trong kiểm tra xử lý các dự án vi phạm Luật Đất đai của các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án sản xuất kinh doanh là do các đơn vị này không sử dụng đất đúng mục đích. Thậm chí, có nhiều tổ chức tại thời điểm thanh tra không có hoạt động sản xuất kinh doanh. Nguyên nhân chủ yếu là do các tổ chức này không đủ năng lực thực hiện dự án hoặc có thay đổi phương án sản xuất kinh doanh nhưng không kịp thời bố trí vốn. Một số tổ chức sử dụng đất là đối tượng điều chỉnh của chính sách kinh tế vĩ mô về tín dụng, đặc biệt thị trường bất động sản đóng băng khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản không huy động được vốn nên tiến độ thực hiện chậm. Đối với các tổ chức sử dụng đất trước đây là doanh nghiệp Nhà nước, sau khi các doanh nghiệp này cổ phần hóa và thay đổi mô hình doanh nghiệp, thay đổi pháp nhân nhưng không thực hiện việc lập hồ sơ xin thuê đất và cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai, không thực hiện nghĩa vụ nộp tiền thuê đất.
   
Dự kiến nâng mức xử lý vi phạm hành chính về đất đai từ 2 - 4 lần. Ảnh: H. Minh
    
   
  Tuy nhiên, khi xử lý gặp rất nhiều khó khăn do các đối tượng bị thanh tra không hợp tác khi Đoàn thanh tra thực hiện nhiệm vụ. Trong khi đó, quy định tại Nghị định số 105/2009/NĐ-CP của Chính phủ về xử vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai không rõ, thiếu cụ thể gây khó khăn cho việc áp dụng để xử lý vi phạm. Mặt khác, khung phạt các lỗi vi phạm về đất đai còn thấp, không có tác dụng răn đe; việc quy định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính còn nhiều bất cập, không rõ ràng gây vướng mắc trong việc xác định thời điểm vi phạm để xử phạt.
   
  Để tháo gỡ những vướng mắc về việc xác định rõ hành vi vi phạm, Dự thảo Nghị định về xử lý vi phạm hành chính về đất đai đã được Bộ TN&MT xây dựng. Theo đó, có 17 hành vi được quy định tại Nghị định 105/2009 thì Dự thảo bổ xung thêm 2 hành vi bị xử phạt bao gồm: Chậm làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sải khác gắn liền với đất cho người mua nhà ở; Nhận chuyển quyền vượt hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân.
   
  Đồng thời, để nâng cao tính răn đe, mức xử phạt bằng tiền áp dụng cho tổ chức, cá nhân tăng 02 - 04 lần so với quy định của Nghị định 105; cụ thể với cá nhân cao nhất là 500 triệu đồng, tổ chức là 1 tỷ đồng và khoảng cách giữa mức tốt thiểu và tối đa của các hình thức phạt tiền là 03 – 05 lần. Việc xác định mức độ hậu quả của hành vi được xác định trên nguyên tắc quy đổi giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích bị vi phạm thành tiền theo Bảng giá đất của tỉnh, thành phố tại thời điểm lập biên bản vi phạm.
   
  Theo đó, với vi phạm sử dụng đất không đúng mục đích sẽ bị phạt từ 500 nghìn – 150 triệu; hành vi chuyển đất trồng rừng, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất trồng cây hàng năm khác mà không được UBND cấp có thẩm quyền cho phép sẽ bị phạt tiền từ 5 – 500 triêu, tùy theo mức độ từng hành vi. Đối với hành vi diễn ra phổ biến là lấn, chiếm đất sẽ bị phạt từ 2 – 400 triệu đồng… Đặc biệt, đối với chủ đầu tư chậm làm thủ tục cấp sổ đỏ cho người mua nhà ở sẽ bị phạt từ 50 – 1 tỷ đồng.
   
  Bên cạnh đó, về thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính về đất đai thì Chủ tịch UBND cấp xã, huyện được quy định tăng so với Nghị định 105 như: Chủ tịch xã có quyền phạt tiền đến 5 triệu đồng (mức cũ là 2 triệu đồng); Chủ tịch UBND huyện được phạt đến 50 triệu (mức cũ là 30 triệu). Đồng thời, bãi bỏ quy định thẩm quyền xử phạt của Chánh Thanh tra Tổng cục Quản lý đất đai để phù hợp với Luật Thanh tra 2010; bổ xung thẩm quyền xử phạt cho Trưởng đoàn thanh tra cấp Sở, Tổng cục, Bộ TN&MT.
   
  Tại Hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định này, đại diện Thanh tra một số Sở TN&MT cơ bản nhất trí với các hành vi vi phạm và mức độ xử phạt được quy định trong Dự thảo. Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị cần quy định chi tiết, cụ thể hơn các mức xử phạt để tránh tình trạng “mặc cả” giữa đơn vị thanh tra với các tổ chức, cá nhân sai phạm do khoảng cách giữa mức tốt thiểu và tối đa lớn.
   
Trường Giang
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngăn ngừa vi phạm hành chính về đất đai: Phạt nặng !
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO