Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng Hải là “nạn nhân”lớn của “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như

07/01/2014 00:00

(TN&MT) - Sáng 7/1, phiên tòa sẽ bắt đầu vào lúc 8 giờ với phần thẩm vấn các bị cáo.

   
(TN&MT) - Sáng nay 7/1/2014, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ Huỳnh Thị Huyền Như và các đồng phạm trong vụ án "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức", "cho vay nặng lãi", "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” bước vào phần thẩm vấn các bị cáo.
   
   
  Chiều qua 6/1, tòa dành phần lớn thời gian đọc cáo trạng. Cáo trạng 72 trang mà các thành viên Hội đồng xét xử thay nhau đọc tại tòa cho thấy:
   
  Huỳnh Thị Huyền Như là người cầm đầu vụ án, chủ mưu, Huyền Như được cáo trạng cho rằng là người có thân nhân tốt, chưa có tiền án, tiền sự và đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi. Về sai phạm của Huyền Như, cáo trạng cho rằng từ tháng 3/2010 đến tháng 9/2011, để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của các đơn vị và cá nhân, Huyền Như đã thuê làm giả 8 con dấu rồi sử dụng các con dấu này làm giả các giấy tờ, chứng từ hợp đồng và trả lải suất cao để huy động tiền và chiếm đoạt của 4 ngân hàng, 9 công ty và 3 cá nhân với tổng số tiền gần 4 ngàn tỷ đồng. Hành vi Huyền Như cáo trạng cho rằng đủ căn cứ kết luận phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu tổ, tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo khoản 4, điều 139 và khoản 3 điều 267 của Bộ Luật Hình sự.
   
   
  Với các ngân hàng liên quan tới vụ án. Kết quả điều tra cũng xác định, Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) thông qua 3 công ty là TNHH Đầu tư Phúc Vinh; Thịnh Phát và Công ty TM&ĐT Hưng Yên để gởi tổng số tiền 2.501 tỷ đồng vào Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và đã bị Nguyễn Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt 1.598 tỷ đồng. Với Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), cáo trạng cho rằng Huyền như đã lừa đảo chiếm đoạt trên 718 tỷ đồng. 550 tỷ đồng cũng là số tiền mà Huyền Như chiếm đoạt của Ngân hàng Tiên Phong (TPB). Ngoài 3 ngân hàng này, Ngân hàng Nam Việt cũng bị Huyền Như chiếm đoạt 200 tỷ đồng. Hành vi của các đối tượng ở 4 ngân hàng này cáo trạng khẳng định là vi phạm pháp luật. Trong quá trình điều tra vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 6 bị can là lãnh đạo ngân hàng ACB đã được tách ra xử lý trong vụ Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên). Cáo trạng cũng cho hay các đối tượng còn lại đang được xem xét để có biện pháp xử lý.
   
   
  Ngoài Huỳnh Thị Huyền Như, cáo trạng đã truy tố Võ Anh Tuấn; Huỳnh Mỹ Hạnh; Trần Thị Tố Quyên; Đào Thị Tuyết Nhung; Nguyễn Thị Lành về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Các bị can Huỳnh Hữu Danh; Trần Thanh Thanh; Tống Nguyên Dũng; Đoàn Lê Du; Huỳnh Trung Chí; Bùi Ngọc Quyên; Hoàng Hương Giang; Vũ Nguyễn Xuân Tiên; Nguyễn Thị Phúc Ngân; Phạm Thị Tuyết Anh tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Phạm Anh Tuấn bị truy tố tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ”; Các bị can Lương Thị Việt Yên, Hồ Hải Sỹ, Lê thị Ngọc Lợi bị đề nghị truy tố tội “Thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Đào Thị Tuyết Dung, Nguyễn Thị Lành, Nguyễn Thiên Lý, Hùng Mỹ Phương và Phạm Văn Chí tội “Cho vay nặng lãi”.
   
  Bài & ảnh: Tân Châu
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng Hải là “nạn nhân”lớn của “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO