Nén hương tri ân dâng về nguồn cội

26/07/2019 23:35

(TN&MT) - Trong những ngày tháng Bảy, ở nơi đã từng được mệnh danh là “địa ngục trần gian” Côn Đảo mỗi ngày có đến cả ngàn người đến Nghĩa trang Hàng Dương thắp...

 

(TN&MT) - Trong những ngày tháng Bảy, ở nơi đã từng được mệnh danh là “địa ngục trần gian” Côn Đảo mỗi ngày có đến cả ngàn người đến Nghĩa trang Hàng Dương thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Mỗi người có một cung bậc cảm xúc khác nhau, song tất cả đều bày tỏ lòng thành kính tri ân và biết ơn sâu nặng với thế hệ cha anh đã kiên cường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trong cuộc trường chinh của dân tộc ở thế kỷ 20.

anh 1,
Bộ đội hải quân Vùng 2 viếng mộ nữ liệt sĩ Anh hùng Võ Thị Sáu


Những trận đòn thù chuyện giờ mới kể

Để rõ hơn về những trận đòn roi mà bọn cai tù Côn Đảo đã tra tấn các nữ tù chính trị 44 năm trước, tôi “vượt” 127 km từ Vũng Tàu đến Quận Phú Nhuận, TP.HCM xin gặp nữ cựu tù quê gốc Phú Yên kiên cường gan dạ. Ngôi nhà chung ngõ nằm sâu hút ở cuối chợ Lê Tự Tài phường 4. Dáng cụ bà mảnh khảnh ra mở cánh cổng sắt. Bà hỏi “Ai đây? Có chuyện chi không cháu?”. “Thưa dì, cháu là nhà báo Quân đội, cháu từ Vũng Tàu lên đây xin thỉnh chuyện dì. Dì phải là Mười Đào, thương binh nữ cựu tù Côn Đảo không ạ?”. Bà cụ nhìn tôi rồi bảo “phải”. Cánh cửa mở hé rộng thêm, tôi theo bà vào căn nhà nằm sâu cuối hẻm.

Trong căn nhà đơn sơ chừng 20 mét vuông nhưng có đến 2/3 diện tích trên các mảng tường giành để treo, trưng bày giấy khen, bằng khen và các di vật đem về từ Côn Đảo có liên quan đến những trận tra tấn man rợ. “Con nhìn đi, tất cả tuổi trẻ và cuộc đời của dì đọng lại là những tấm ảnh và ký ức này. 9 năm bị bắt tù đầy ngoài Côn Lôn (tên Côn Đảo trước năm 1975-PV), dì không nhớ bao lần bị chúng đánh đập dã man, nhưng lần nào cũng tra tấn chỗ hiểm, ác, nhưng dì nhất khoát không khai”- bà Mười bắt đầu hồi tưởng lại. 

Đầu năm 1962, bà Mười lúc đó là nữ biệt động Thành Sài Gòn hoạt động trong “Cánh 159”. Trong một lần cùng sinh viên xuống đường biểu tình chống chế độ Mỹ Ngụy Sài Gòn, bà bị địch bắt đem bỏ tù ở Khám Chí Hòa. Tại đây, địch dùng cực hình tra tấn dã man như đổ nước xà phòng vào bụng, dùng điện dí vào vùng kín…hòng moi thông tin song bà một mực không khai. Sau gần 3 năm không “moi” được gì từ “cái con Việt cộng cứng cổ”, bọn địch đưa bà ra Côn Đảo tù đầy. “Trước khi nó giục dì xuống tàu, nó trói gì vào cây cột trên boong tàu và bảo “mày phải hát quốc ca Mỹ. Tao nói thế nào, mày hát thế ấy”. Dì bảo “Tao chỉ hát Quốc ca Việt Nam. Tao người Việt Nam, tao đấu tranh cho dân tộc tao thì làm gì có tội. Dì vừa nói dứt lời, một thằng cầm cái dùi cui đập vào đầu dì. Vậy là dì không biết gì nữa. Khi tỉnh dậy thì biết mình đã ở nhà tù Côn Đảo”, bà Mười kể lại.

Nghi ngờ bà Mười là cán bộ lãnh đạo thuộc “Cánh 159” Biệt động thành, bọn cai ngục Côn Đảo đã giam ở Chuồng cọp. Đây là một nơi biệt giam “độc địa” nhất trong hệ thống nhà tù mà suốt 30 năm sau mới bị phát hiện. Tại nơi này, chúng nhốt bà Mười giam ở phòng số 9 - căn phòng giành riêng cho nữ tù chính trị. Không giường, màn, không hố vệ sinh. Gọi là “phòng” nhưng thực chất là một khoảnh nhỏ vừa đủ chỗ nằm và đứng dậy. Nhiệt độ ban ngày lên 45 độ C, ban đêm lạnh thấu xương bởi gió lạnh từ biển Côn Đảo thổi vào. Mặc dù bị còng chân 24/24h, song phía ngoài song sắt những con mắt “cú vọ” của bọn cai ngụ luôn “canh chừng”. Phía trên đầu bọn cai ngục cầm lao sẵn sàng “xiên” vào đùi, vào vai người tù bất cứ lúc nào chúng thích.

anh 4,
Nữ tù chính trị Mười Đào kể chuyện với phóng viên

Trong nhiều trận đòn tra tấn dã man, có một trận luôn ám ảnh bà cho đến bây giờ. Đó là lần bọn cai tù kéo bà ra khỏi chuồng cọp trước mặt nhiều phạm tù. Bọn chúng lột hết quần áo rồi dùng diện dí vào cơ thể. Bà ngất đi, chúng dội nước, bà tỉnh lại chúng lại dí điện. “Vòng quay tra tấn ấy” suốt gần 4 giờ đồng hồ nhưng bà một mực không khai. “Lúc đó một thằng Mỹ hỏi gì thế này: “Nếu không nhầm thì mày đã qua một lớp huấn luyện công an thì phải? Dì trả lời: “Mày nói đúng, tao đã kinh qua một lớp huấn luyện công an. Dì trừng mắt nhìn nó. Biết không khai thác được, chúng tra tấn nhiều lần khác nữa nhưng gì nghĩ, làm cách mạng, thà chết cho cách mạng chứ không thể ly khai”- bà Mười kể lại.

Bà Mười chỉ cho tôi xem hàng trăm vết thương tích - “sản phẩm” của những trận tra tấn cực hình. Bà bảo “Có những vết thương hiểm ác không nói được. Đa phần các nữ tù sau giam cầm ngoài Côn Đảo trở về không lập gia đình, hoặc có lập gia đình cũng không có con, hoặc bệnh tật mà chết. Dì may mắn có một đứa con gái. Ngày nào cũng bị vết thương hành hạ. Nhưng dì biết, dì được sống như ngày nay, hàng ngàn hàng vạn người đã ngã xuống”.

anh 2,
Chuồng cọp

Những bí ẩn chuồng cọp

Sau hơn 44 năm kể từ ngày Côn Đảo giải phóng, quá khứ không thể ngủ yên bởi những mất mát quá lớn. Hàng loạt công trình kiến trúc ở Côn Đảo vẫn còn đó như minh chứng thời kỳ lịch sử đau thương. Nếu Cầu Tàu lịch sử 914 là nơi vùi 914 thân xác chiến sĩ cộng sản và những người yêu nước đã chết vì tai nạn, khổ sai trong quá trình xây cầu dưới bàn tay tàn độc hà khắc của chúa Rác Ty - chế độ thực dân Pháp; thì cầu Ma Thiên Lãnh mới chỉ nghe thôi cũng thấy ghê rợn đã “nuốt” hơn 300 mạng người yêu nước. Còn Trại giam Banh I (trại Phú Hải), Banh II (trại Phú Sơn), Banh III (trại Phú Thọ), Trại Phú Phong, Phú Bình là nơi giam cùm, tra tấn dã man hàng vạn chiến sĩ cộng sản.

 “Chuồng cọp” xây dựng năm 1940. Trước khi đưa đến chuồng cọp, cai ngục dẫn người tù đến cửa Trại Phú Tường rồi bịt mắt. Người tù hoàn toàn “vô định” không biết phương hướng và bị giam ở đâu. Trong suốt 30 năm (1940-1970), chúng nhốt bằng cách đưa người tù vào “chuồng cọp” bằng các đường khác nhau. Tức là khi đưa vào đường này, thì khi đưa ra đường khác, hoặc liên tục thay đổi đường đi. Giữa các lối đi là những bức tường cao kín nhỏ hẹp và hình vòng, vuông “bát quái”. Bởi vậy tất cả những người tù trong suốt 30 năm bị tra tấn dã man ở đây mà không hề bị báo chí phát hiện.

“Chuồng cọp” chỉ được phát hiện ngày 30/6/1970. Trước đó, một đoàn nghị sĩ Mỹ tới Việt Nam nghi ngờ chính quyền Sài Gòn và quân đội Mỹ dấu tù nhân một nơi bí ẩn ở Côn Đảo và tra tấn man rợ. Song làm cách nào để biết được “chuồng cọp” trong khi hệ thống canh tù cẩn mật bí hiểm?...

Sau khi được ba sinh viên Sài Gòn kể lại việc họ nghi ngờ có một nơi bí mật giam cầm người tù 30 năm mà không ai biết sau một lần “mục sở thị” “đạ ngục trần gian”. Ba sinh viên đã vẽ lại “bản đồ” đường vào “chuồng cọp” và tố cáo trên báo chí Mỹ. Ngay lập tức, ông Harkin và ông Luce (Trưởng đoàn Nghị sĩ Mỹ) đã ra Côn Đảo để tìm hiểu. Tại đây được chúa đảo lúc đó là Nguyễn Văn Vệ đón tiếp rất nhiệt tình. Hắn khoe khoang việc đối đãi tử tế với những người tù và tặng đoàn “những thực phẩm của người tù làm ra”. Đoàn Nghị sĩ Mỹ yêu cầu “chúa đảo” Vệ dẫn đoàn thăm hệ thống giam cầm tù nhân, nhưng đi mãi vẫn chưa thấy “chuồng cọp”. Đúng lúc đó, chúa đảo Vệ nói “Gần hết giờ, xin mời đoàn về sớm nghỉ  ngơi”, song ông Tom Harkin gạt đi “chúng ta thăm một trại giam nữa”.

Bị “ép”, buộc chúa đảo Vệ phải đưa đoàn nghị sĩ đến Trại giam Phú Tường. Cánh cổng trại giam Phú Tường mở ra, nhưng đi lối nào khi trước mặt là bức tường cao chót vót, giữa là hai lối rẽ. Bỗng nhiên một người trong đoàn nói “chúa đảo bảo tù nhân trồng rau, vậy vườn rau chỗ nào”? chúa đảo Vệ khoe khoang “tù nhân trồng rất tốt” và “bất đắc dĩ” dẫn đoàn đến thăm. Đó là một khoảng trống với những luống rau mới trồng. Tom Harkin hỏi “đây là rau gì”? “đây là muống”- chúa đảo trả lời. Ai ngờ một thành viên trong đoàn nói ngay “đây là rau lang” (ngọn khoai lang).  Người này cúi xuống hái thử, thì đó là những ngọn rau khoai lang vừa được cắm xuống để đánh lừa đoàn nghị sĩ.

Vẫn chưa thấy “chuồng cọp”, ông Tom Harkin chỉ vào cánh cửa sắt im ỉm đóng  hỏi “cánh cửa này đi đâu”? lúc này chúa đảo Vệ bắt đầu lo sợ nhưng hắn vẫn trấn tĩnh: “Trong này không có gì, từ lâu không ai mở và không có chìa khóa”. Nghi ngờ đây là “chồng cọp”, Tom Harkin yêu cầu mở cửa, song chúa đảo Vệ cứ dối quanh. Lúc sau Vệ “nổi khùng”: “Đã nói là sau cánh cửa đó không có gì, nó cũng chỉ là vườn rau”. Trong lúc “dồn ép” hành động,  ông ta cầm đầu gậy ba toong đập mạnh vào cánh cửa quát lớn “không có gì trong đó hết”. Ai dè đó chính là “tín hiệu mở cửa” hàng ngày của ông ta mỗi lần kiểm tra và tra tấn các người tù. “kẹt.. kẹt”- cánh cửa sắt được mở ra từ một cai tù. Trước đoàn nghị sĩ là một dãy “chồng cọp” với những người tù bị cùm kẹp, đánh đập dã man trong các “chuồng cọp nhỏ”.  

anh 3,
Hệ thống “chuồng cọp”

Người dẫn chương trình tham quan nói:  “Chuồng cọp không có cọp nhưng ghê rợn nhất, được xây dựng từ năm 1940. Với diện tích các phòng giam tổng cộng hơn 5000 m2, được chia thành 120 phòng biệt giam có chắn song sắt phía trên, là nơi dùng để tra tấn các tù nhân với các hình phạt man rợ nhất lịch sử. Trong những phòng giam chật chội này, người tù phải nằm chen chúc chồng lên nhau dưới nền xi măng ẩm thấp. Cái lạnh thấu xương cộng với sự hôi hám dơ bẩn của nhà tù làm cho hàng nghìn chiến sĩ cộng sản và người yêu nước bỏ mạng tại đây bởi những vết thương lở loét nhiễm trùng”.

Tại sao lại gọi là “chuồng cọp”? mắt người dẫn chương trình rưng rưng xúc động “bởi chính ngay dưới chân các anh chị đang đứng đây là xương cốt, là máu thịt của những người tù”.

anh 6,
Đài tưởng niệm liệt sĩ Nghĩa trang Hàng Dương

Nén hương tri ân những người nằm lại

Những ngày tháng Bảy lịch sử này có hàng trăm ngàn người đến với Côn Đảo, nhưng có lẽ không ai không đến thăm “địa ngục trần gian”. Một mặt để tìm đến nguồn cội của đức hi sinh vì Tổ quốc, một mặt để tri ân các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập tự do của dân tộc trong cuộc chiến tranh vệ quốc ở thế kỷ 20. Chúng tôi hòa vào dòng người đến địa danh đã từng được coi là “Địa ngục trần gian” trong niềm tâm linh xúc động ấy.

Như một lẽ tự nhiên, ai đến Côn Đảo lần đầu hay nhiều lần khác nữa, việc đầu tiên là đến nghĩa trang Hàng Dương thắp nén hương tưởng niệm viếng các anh hùng liệt sĩ. Có một điều đặc biệt khi viếng nghĩa trang Hàng Dương thường viếng khi trời tối hoặc về khuya, vì đó là lúc đất trời giao hòa, là sự quyện hòa giao linh giữa người đang sống và người đã khuất. Giữa màn đêm tĩnh mịch mờ sương, hàng ngàn ngọn nến hồng lung linh quyện với mùi hương trầm ngan ngát... Chúng tôi viếng nghĩa trang trong sự thành kính nghiêm trang. Không một tiếng động, chỉ có tiếng nấc nghẹn ngào xúc động cảm phục cảm phục các liệt sĩ...

Trước mộ nữ anh hùng Võ Thị Sáu, chúng tôi nghiêng mình kính cẩn trước anh linh của người con gái Đất Đỏ đã hiến dâng tuổi thanh xuân của mình cho lý tưởng cách mạng. Khi rơi vào tay giặc, chị đã hiên ngang trước họng súng quân thù không hề khuất phục. Chị dõng dạc tuyên bố: “Tôi không có tội. Yêu đất nước mình, chống lại thực dân xâm lược không phải là một tội”. Ngày 23-1-1952, chị Võ Thị Sáu bị thực dân Pháp tử hình tại Côn Đảo. Sự hi sinh của chị Võ Thị Sáu đã trở thành huyền thoại bất tử.

Không ai bảo ai, nhưng bàn chân tất cả đều nhẹ nhõm. Giữa Hàng Dương bạt ngàn sương khói, lời thơ “Núi Côn Lôn được pha bằng máu/ Đất Côn Lôn năm, sáu lớp xương người/ Mỗi bước chân che lấp một cuộc đời/ Mỗi tảng đá là một trời đau khổ” cứ như văng vẳng đâu đó như nhắc nhở thế hệ chúng tôi đời đời tri ân và biết ơn những người ngã xuống vì "sông núi nước Nam".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nén hương tri ân dâng về nguồn cội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO