Nền hành chính phục vụ

Ngọc Lý| 28/11/2019 10:57

(TN&MT) - Thủ tục hành chính hiện là một trong ba “điểm nghẽn” cản trở sự phát triển kinh tế. Các chuyên gia cho rằng, nếu nền hành chính cứ vận hành như thời gian qua mà không chuyển dần sang nền hành chính “phục vụ”, khi đó, điểm nghẽn sẽ càng “phình to”.

Thực tiễn cho thấy, chế độ cam kết phục vụ cộng đồng của Chính phủ và chính quyền các cấp là một việc mới trong lĩnh vực quản lý công cộng, được hình thành từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước.

Thời gian qua, nhiều địa phương, nhiều ngành đã bắt đầu quan tâm đến sự hài lòng của nhân dân, nên đã tiến hành lấy phiếu điều tra sự hài lòng của khách hàng (công dân) đối với hoạt động cung cấp dịch vụ hành chính công của cơ quan công quyền, xem sự hài lòng của công dân là thước đo kết quả của cải cách hành chính.

Nhưng, với yêu cầu ngày càng cao và gấp gáp của nền kinh tế, đã đến lúc việc thực hiện “cam kết phục vụ xã hội, phục vụ cộng đồng” của các cơ quan công quyền phải đặt thành “chế độ”, được quy định bằng một văn bản có giá trị pháp lý cao hoặc được luật hóa, chứ không chỉ dừng lại ở mức độ đơn giản là xây dựng các “chỉ số” hài lòng, hợp lòng dân.

Theo đó, cam kết trách nhiệm phải đặt ra cụ thể. Nếu tổ chức không thực hiện đúng cam kết, phải xin lỗi dân hoặc bồi thường thiệt hại cho dân. Cơ chế thực hiện cam kết bao gồm cơ chế giám sát từ bên ngoài, cơ chế quản lý nội bộ, sự bảo đảm về mặt kỹ thuật. Cơ sở để chế độ cam kết phục vụ phát huy tác dụng là sự giám sát của xã hội. Chủ thể giám sát bao gồm công chúng, phương tiện thông tin đại chúng, dư luận xã hội, mạng lưới giám sát xã hội.

Ngay trong lĩnh vực quản lý các doanh nghiệp Nhà nước, thời gian qua, các hiện tượng lợi dụng quản lý doanh nghiệp Nhà nước để thu vén lợi ích cá nhân và gia đình đã không còn là cá biệt. Điều đó cho thấy, sự yếu kém trong hệ thống quản trị doanh nghiệp.

Hiện đại hóa nền hành chính phục vụ nhân dân

Không ít doanh nghiệp trong các cuộc đối thoại đều cho rằng, trước hết, những chính sách kinh tế (trong đó, có các chính sách thuế) cần phải thông thoáng hơn nữa, phải làm sao để mọi người có đầu óc kinh doanh đều có thể dễ dàng mở doanh nghiệp, theo đuổi mộng ước làm ăn của mình, trong khuôn khổ pháp luật cho phép. Điều này chúng ta cũng đang làm. Nhưng, về mặt xã hội, cũng cần làm sao để khuyến khích óc kinh doanh, hình thành dần trong xã hội tinh thần trọng thị người thành đạt dù ở cấp độ nào. Một người đầu bếp giỏi cũng là một người tài, nhất là khi người ấy biết quản lý hoặc biết làm việc với một người quản lý giỏi để danh tiếng của nhà hàng, sản phẩm của mình lan xa, kể cả vượt qua biên giới.

Đặc biệt, với đội ngũ trí thức, cần tạo tạo điều kiện cho họ phát huy hết tài năng của mình. Những doanh nhân giỏi khi đặt một họa sĩ vẽ quảng cáo cho hàng của mình thường biết chấp nhận những ý tưởng mình không bao giờ nghĩ tới trước đó, thậm chí, những ý tưởng đi ngược lại những xác tín của mình.

Nói ngắn và rộng hơn: Quyền độc lập suy nghĩ, tự do sáng tạo là những tiền đề xã hội mà những nhà chính trị có trách nhiệm tạo ra, để nảy nở những nhân tài cho doanh nghiệp mình, cho quốc gia, dân tộc... Hơn thế, trong khuôn khổ luật pháp, các quyền đó phải được bảo đảm, công khai, dân chủ. Cộng thêm, trong tuyển dụng, với một nền hành chính minh bạch, không để những người vô tâm và bất tài len chân vào những vị trí quản lý có tầm quan trọng đối với người dân cả nước(?) Khi đó, chúng ta sẽ có một bộ máy hành chính thực sự hiệu quả, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp làm giàu chính đáng, “người tài” tự biết cách đầu quân ở cơ sở nào thích hợp với mình nhất và biết quên mình làm việc để phát huy tối đa sở trường.

Rõ ràng, nếu một căn bệnh đã được nhận thức đúng, có mong muốn nghiêm túc để giải quyết, nhưng sau nhiều năm ít có tiến bộ, căn bệnh đó nằm ở hệ thống vận hành và đòi hỏi có những liều thuốc mạnh hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nền hành chính phục vụ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO