Nâng tầm quản lý Nhà nước về viễn thám

28/12/2016 00:00

(TN&MT) - Ngày 28/12, Cục Viễn thám Quốc gia tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai kế hoạch năm 2017. Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa đã đến dự và chỉ đạo tại Hội nghị.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Quốc Khánh, Quyền Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia cho biết: Qua hơn ba năm hoạt động theo mô hình quản lý nhà nước, nhận thức của các cấp lãnh đạo, quản lý của Cục đã có sự chuyển biến tích cực, đã đề ra các nhiệm vụ ưu tiên, tập trung nguồn lực trong xây dựng định hướng phát triển viễn thám, tăng cường hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước về viễn thám.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa phát biểu
Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa phát biểu

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được rà soát và sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới và đẩy nhanh quá trình xây dựng, các văn bản về quy trình kỹ thuật, định mức kinh tế đã xây dựng hặc đưa vào chương trình xây dựng. Công tác điều tra, thu thập, tổng hợp thông tin ban đầu được triển khai phục vụ cho việc xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển viễn thám, chuẩn bị cho xây dựng Nghị định của Chính phủ và tiến tới xây dựng Luật Viễn thám. 

Cụ thể: Trong năm 2016, Cục Viễn thám quốc gia đã tiến hành kiểm tra, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nhiệm vụ quản lý nhà nước về viễn thám, đồng thời thực hiện công tác kiểm tra, rà soát toàn bộ các văn bản bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động viễn thám và các văn bản có liên quan. Kết quả rà soát cho thấy, nhiều nội dung của các văn bản quy phạm pháp luật về viễn thám cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp và thống nhất. Cục đã đề xuất đưa vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật các năm tiếp theo một số văn bản điều chỉnh các nội dung còn thiếu so với yêu cầu thực tiễn.

Quyền Cục trưởng Cục Viễn thám Quốc gia báo cáo tại Hội nghị
Quyền Cục trưởng Cục Viễn thám Quốc gia Nguyễn Quốc Khánh báo cáo tại Hội nghị

Về quy hoạch, kế hoạch phát triển viễn thám, theo ông Nguyễn Quốc Khánh, mặc dù chưa có chiến lược viễn thám nhưng trong thời gian vừa qua Cục đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan trong và ngoài Bộ triển khai các hoạt động ban đầu làm cơ sở xây dựng kế hoạch phát triển viễn thám giai đoạn 2015-2025, từ các kết quả ban đầu để có định hướng cho hoạt động viễn thám cho các năm tiếp theo. Đến nay Bộ đã phê duyệt dự án “Xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển lĩnh vực viễn thám giai đoạn 2015-2025”  và dự án đang được thực hiện theo đúng tiến độ.

Trong năm 2016, Cục đã tổ chức một số đoàn khảo sát tại các Bộ, ngành, địa phương phục vụ cho việc thực hiện đề tài xây dựng quy hoạch mạng lưới trạm thu ảnh viễn thám. “Đây là cơ sở quan trọng cho việc trình Bộ phương án quy hoạch mạng lưới trạm thu ảnh viễn thám trong quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường”- ông Nguyễn Quốc Khánh nói.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Cục đã xây dựng các báo cáo giám sát theo các đề án, dự án chuyên môn như: Đề án “Theo dõi biến động nguồn nước, các hoạt động khai thác, sử dụng nước ở ngoài biên giới thượng nguồn lưu vực sông Hồng, sông Mê Công”; Dự án “Giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai bằng công nghệ viễn thám”.

Ngoài ra bằng các đề án, dự án cụ thể Cục tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ giám sát một số vùng biển, đảo trọng điểm xa bờ bằng công nghệ viễn thám phục vụ phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng, giám sát diễn biến vùng ô nhiễm nước thải khu công nghệp, khu đô thị vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, giám sát xói lở bờ biển tại một số khu vực trọng điểm miền Trung bằng công nghệ viễn thám.

Đến thời điểm này, ứng dụng công nghệ viễn thám đã và đang được ứng dụng trong quản lý tài nguyên thiên nhiên trước hết là tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên rừng, giám sát môi trường và trở thành một trong các hướng đi chủ đạo của ứng dụng và phát triển công nghệ viễn thám của Bộ Tài nguyên và Môi trường, từng bước đẩy mạnh ứng dụng rộng rãi công nghệ viễn thám phục vụ quản lý tài nguyên thiên nhiên và giám sát môi trường thống nhất trên phạm vi toàn quốc. Cụ thể, Cục đang triển khai Dự án: “Sử dụng công nghệ Viễn thám và GIS xây dựng cơ sở dữ liệu thành lập bản đồ diễn biến vùng ô nhiễm, vùng nước thải từ các khu công nghiệp, đô thị nhằm đưa ra cảnh báo các vùng có nguy cơ ô nhiễm vùng kinh tế trọng điểm miền Trung”; Dự án: “Giám sát một số vùng biển, đảo trọng điểm xa bờ bằng công nghệ viễn thám phục vụ phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng”; Dự án mở mới năm 2016: “Giám sát xói lở bờ biển tại một số khu vực trọng điểm miền Trung bằng công nghệ viễn thám”;

Tập thể, cá nhân xuất sắc vinh dự nhận bằng khen
Tập thể, cá nhân xuất sắc vinh dự nhận bằng khen

Để đạt được nhiệm vụ trên, Cục Viễn thám quốc gia đã và đang chú trọng việc xây dựng và ban hành các quy trình ứng dụng công nghệ mới phù hợp với điều kiện Việt Nam nhằm có được hệ thống đồng bộ thu nhận, xử lý dữ liệu và sử dụng tư liệu ảnh viễn đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ viễn thám phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan trong và ngoài Bộ, giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với các Bộ, ngành và địa phương.

Bên cạnh đó, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định kỹ thuật về phát triển và ứng dụng công nghệ viễn thám, nhằm đảm bảo đầu tư đồng bộ, thống nhất, an toàn an ninh công nghệ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về hoạt động ứng dụng công nghệ viễn thám; tiếp tục đề xuất đầu tư xây dựng hoàn thiện đồng bộ hạ tầng, đẩy mạnh ứng dụng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công nghệ viễn thám. Tạo điều kiện thuận lợi phát triển công nghệ viễn thám, kinh tế tri thức và tăng cường hợp tác trong và ngoài nước; liên kết, xã hội hóa về công nghệ viễn thám.

Trong kế hoạch năm 2017, Cục sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ, mở mới, lên kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ như: Dự án “Sử dụng công nghệ viễn thám để đánh giá hiện trạng, diễn biến đến khô hạn, xâm nhập mặn và tìm kiếm các nguồn nước khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên”; Dự án Xây dựng hệ thống giám sát bán tự động xâm nhập mặn khu vực ĐBSCL bằng công nghệ viễn thám và GIS; Dự án “Xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo một số yếu tố môi trường nước và không khí dải ven biển Việt Nam bằng công nghệ viễn thám”...để có thể mở rộng hơn nữa các ứng dụng viễn thám trong tất cả các lĩnh vực hiện nay Bộ đang quản lý. 

Cũng tại Hội nghị, Quyền Cục trưởng Nguyễn Quốc Khánh đã kiến nghị Bộ TN&MT xem xét phê duyệt một số dự án, nhiệm vụ chuyên môn đã trình Bộ để đưa vào kế hoạch triển khai năm 2017; hướng dẫn và tạo điều kiện để Cục triển khai một số dự án đầu tư công, trước mắt là dự án nâng cấp trạm thu ảnh viễn thám, dự án "Thiết lập trạm dò tìm và tiếp nhận dữ liệu và trung tâm xử lý dữ liệu vệ tinh" hợp tác với Ấn Độ;

Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, nguồn cung cấp dữ liệu viễn thám của vệ tinh viễn thám VNREDSat-1 hiện chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu, trong khi nhu cầu dữ liệu viễn thám phục vụ các nhiệm vụ của Bộ ngày càng tăng. Vì vậy, Cục đề nghị Bộ cho phép tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đặc thù thu nhận và xử lý dữ liệu viễn thám mua của nước ngoài.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa ghi nhận và biểu dương thành tích mà Cục Viễn thám quốc gia đã đạt được trong năm 2016. Phát huy những thành tích ấy, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa đề nghị trong năm 2017, Cục Viễn thám cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm. Trong đó cần tập trung xây dựng, hoàn thiện Kế hoạch phát triển viễn thám giai đoạn 2015-2025 tầm nhìn đến năm 2030, làm tiền đề và định hướng cho sự phát triển trong dài hạn của lĩnh vực viễn thám; tiếp tục rà soát và hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật đã có hiệu lực; xây dựng kế hoạch và tổ chức tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật về viễn thám tới các tổ chức và cá nhân có liên quan thông qua các đề án, dự án nhiệm vụ chuyên môn.

Tích cực triển khai thực hiện dự án Xây dựng cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia bảo đảm đồng bộ và thống nhất với cơ sử dữ liệu TN&MT, tạo cơ sở cho việc công bố siêu dữ liệu viễn thám quốc gia, tạo thuận lợi cho việc khai thác và sử dụng dữ liệu viễn thám phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu và đẩy mạnh ứng dụng viễn thám phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội; hoàn thiện quy trình giám sát, giám sát nhanh bằng viễn thám và xây dựng kế hoạch định kỳ báo cáo Bộ kết quả giám sát các khu vực nhạy cảm, thực hiện việc giám sát các biến động khu vực biên giới quốc gia, các đảo xa bờ, các khu vực ô nhiễm, biến động nguồn nước.

Theo Thứ trưởng, Cục cần tiếp tục rà soát việc thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị để kịp thời đề xuất điều chỉnh, hoàn thiện; bảo đảm phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước của Cục và đáp ứng yêu cầu quản lý về TN&MT của Bộ; tập trung rà soát đánh giá cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Cục để xuất bộ sửa đổi Quyết định 1166/QĐ-BTNMT ngày 17/7/2013 của Bộ trưởng Bộ TN&MT phù hợp với nhiệm vụ mới của Bộ tại nhiệm kỳ chính phủ khóa XIV.

"Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ khoa học đầu ngành để khai thác tốt hệ thống hạ tầng, công nghệ hiện có; tiến tới làm chủ các công nghệ tiên tiến của thế giới trong lĩnh vực viễn thám và vũ trụ, phục vụ tốt cho quản lý, khai thác tài nguyên của quốc gia" - Thứ trưởng nói.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực viễn thám, chú trọng vào các chương trình hợp tác phát triển hợp tác khoa học vũ trụ, viễn thám với các chuyên gia, tổ chức quốc tế, trong đó đặt trọng tâm vào các đề án xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, các hoạt động nhằm tăng cường năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực viễn thám.

Thúy Hằng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng tầm quản lý Nhà nước về viễn thám
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO