Tại cuộc họp, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ Phạm Thúc Thủy đã báo cáo tổng hợp về Dự thảo Tờ trình Chính phủ, Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 13/2017/NĐ-CP ngày 10/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban. Đến nay, Vụ đã nhận được 21 ý kiến của các Vụ, đơn vị, Vụ đã giải trình và tiếp thu các ý kiến đóng góp. Theo đó, Vụ đề nghị bổ sung 1 nhiệm vụ (Khoản 11) và sửa đổi, bổ sung 4 Khoản (3, 10, 15, 19).
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh chủ trì cuộc họp. Ảnh: ubdt.gov.vn |
Các đại biểu cơ bản nhất trí với Dự thảo Tờ trình Chính phủ, Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 13/2017/NĐ-CP ngày 10/2/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Dân tộc do Vụ Tổ chức Cán bộ báo cáo.
Có nhiều đại biểu đã góp ý thêm về cơ cấu tổ chức, bộ máy của cơ quan Ủy ban như đề xuất thành lập Cục Công tác Dân tộc phía Nam; công tác xây dựng Viện Chiến lược Công tác Dân tộc; cần có dự báo về việc đổi tên Vụ, đơn vị khi nhận các nhiệm vụ mới; nâng tầm của công tác dân tộc trong việc bảo vệ quyền lợi của đồng bào DTTS;
Đề xuất xây dựng Dự thảo Nghị định theo hướng mở; bổ sung Nghị quyết 88/2019/QH14 về phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và Nghị quyết 120/2020/QH14 về phê duyệt Chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 vào Dự thảo Nghị định…
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: ubdt.gov.vn |
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho rằng, Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 13 phải thiết kế được cơ chế để vận hành, thực hiện, phát huy tốt nhất chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Dân tộc trên cơ sở xác định công tác dân tộc là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.
Theo đó, Bộ trưởng đề nghị tập trung nhiệm vụ nghiên cứu các chính sách của Chính phủ đang triển khai ở vùng đồng bào DTTS, từ đó tham mưu hiệu quả cho Chính phủ trong thực hiện các chính sách dân tộc; chủ trì các đề án, chương trình, kế hoạch có liên quan đến đời sống đồng bào DTTS. Tham gia ý kiến hoặc có ý kiến thẩm định khi Chính phủ giao đối với các đề án của Bộ, ngành khi được xin ý kiến. Đề xuất Chính phủ quy định các nhiệm vụ cụ thể đối với cơ quan dân tộc các cấp, triển khai nhiệm vụ được giao về công tác dân tộc trong tình hình mới.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm yêu cầu Ban soạn thảo Tờ trình, Dự thảo Nghị định đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ. Xây dựng bố cục Dự thảo phải đầy đủ, hợp lý, đúng thể thức. Nội dung của Nghị định phải theo nguyên tắc kế thừa tối đa những hiệu quả của Nghị định 13 còn hiệu lực pháp lý. Cần cập nhật, bổ sung tất cả những nội dung mới có liên quan đến chức năng của công tác và chính sách dân tộc trong Nghị quyết Đại hội Đảng XIII; bám sát Kết luận 65 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 88, Nghị quyết 120 của Quốc hội, cập nhật các Nghị quyết, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Đồng thời, nghiên cứu các chủ trương mới về tổ chức bộ máy để Nghị định mới thể hiện rõ chủ trương, quan điểm về công tác dân tộc.
“Dự thảo Nghị định cần thiết kế thành từng nhóm cụ thể (nhóm trình Chính phủ, nhóm trình Thủ tướng Chính phủ, nhóm chủ trì, nhóm phối hợp). Chú trọng sắp xếp, bổ sung, cập nhật các nội dung liên quan đến tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ để đưa vào Dự thảo Nghị định; dành thời gian tối đa để triển khai các nội dung công việc được sớm nhất” - Bộ trưởng Hầu A Lềnh nhấn mạnh.
Cuối giờ họp buổi sáng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh đã nghe Vụ Tuyên truyền trình bày Đề xuất danh mục các nhiệm vụ thực hiện “Đề án Hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo” năm 2022 theo Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 21/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ.