(TN&MT) - Những năm qua và đặc biệt là năm nay, tại lễ hội Điện Hòn Chén (TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế) đã không còn xuất hiện tình trạng xả rác hay đốt vàng mã xung quanh và xuống sông Hương từ các thuyền tham gia. Ý thức người dân đã được nâng cao, môi trường được đảm bảo.
Hòn Chén nằm ở xã Hương Thọ (TP. Huế), là ngôi điện rất quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân Cố đô và cũng là ngôi điện duy nhất ở xứ Huế có sự kết hợp giữa nghi thức cung đình và tín ngưỡng dân gian. Lễ hội điện Hòn Chén hay còn gọi là điện Huệ Nam là một trong những hoạt động tín ngưỡng dân gian của những tín đồ suy tôn Thánh mẫu Thiên Y A Na - vị thần sáng tạo ra đất đai, cây cối, rừng gỗ quý, lúa, bắp và dạy dân cách trồng trọt. Lễ hội diễn ra vào tháng 3 và tháng 7 âm lịch thường niên, với quy mô khá lớn, đây được xem như một Festival văn hóa dân gian trên sông Hương.
Nét đẹp truyền thống của lễ hội điện Hòn Chén không còn là vấn đề phải bàn nhiều, nhất là khi “Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt” chính thức được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2016. Điều đáng nói, từ sau năm 1971, các kỳ lễ hội đều tổ chức đoàn rước trên đường sông Hương, từ Thánh đường Thiên Tiên Thánh Giáo (số 352 Chi Lăng, TP. Huế) đến Điện Huệ Nam, nơi thờ Thiên Y A Na Thánh mẫu, và những hành vi thả vàng mã trực tiếp xuống sông được phản ánh nhiều, gây ô nhiễm môi trường và phản cảm, bức xúc cho du khách. Thế nhưng, những năm gần đây, tình trạng này hầu như không còn, văn minh hơn, sạch sẽ hơn.
Ghi nhận của PV ở đợt tổ chức gần nhất trong năm nay (23-25/8/2023, nhằm 8-10/7 âm lịch), đoàn thuyền rước trên sông Hương được trang trí cờ hoa, hương án nghiêm trang, và quá trình di chuyển đến Điện Hòn Chén không còn cảnh rải vàng mã xuống sông Hương.
Ngay tại bến thuyền trước điện, các thuyền dự lễ được đậu đỗ ngay ngắn, không lộn xộn. Lực lượng chức năng cũng cắt cử người trực, kiểm tra và tuyên truyền để người dân không tụ tập đốt, rải vàng mã ở đoạn cạnh bờ sông. Rác thải cũng không còn xuất hiện trên sông Hương, thay vào đó được bỏ ở các thùng.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, trước khi diễn ra lễ hội, Ban tổ chức đã họp để tuyên truyền và quán triệt kỹ đến đông đảo bà con dự lễ về việc nghiêm cấm rải vàng mã xuống sông Hương, hạn chế tối đa việc đốt vàng mã khi đến hành lễ ở Điện Hòn Chén, và nếu đốt thì phải đúng nơi quy định mà đơn vị quản lý di tích đã bố trí, đặt biển.
“Những mùa lễ hội Điện Hòn Chén gần đây, tình trạng đốt vàng mã được hạn chế tối đa, là một tín hiệu tích cực trong xây dựng lễ hội văn hóa, văn minh. Ban tổ chức sẽ tiếp tục duy trì và làm kỹ hơn cho các kỳ lễ hội sau này”, ông Hải nói.
Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, đơn vị đã đặt nhiều thùng rác ở khu vực di tích Điện Hòn Chén và thông báo đến cộng đồng du khách để tránh xả rác bừa bãi. Đơn vị đã đưa vào vận hành lò đốt vàng mã khép kín, đảm bảo vệ sinh môi trường trong năm ngoái. Lò đốt này được một người dân tài trợ với kinh phí hơn 700 triệu đồng để xây dựng, lắp ráp. Hiện khu vực di tích Điện Hòn Chén có 2 lò đốt vàng mã, song đơn vị đã vận động và thông báo rộng rãi để người dân đến đốt ở lò đốt khép kín mới này.
“Những kỳ lễ hội các năm trước, lò đốt vàng mã có khi 2-3 ngày mới cháy hết. Chúng tôi phải cắt cử người thường xuyên theo dõi, kiểm tra để đảm bảo an toàn khu vực di tích và cảnh quan xung quanh. Nhưng trong kỳ lễ hội năm ngoái và năm nay, khối lượng vàng mã đốt chỉ tập trung ở lò đốt khép kín, và lò cũng chưa vận hành hết công suất thiết kế. Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở để người dân đến dự lễ không xả rác làm ảnh hưởng môi trường, cũng như hạn chế việc đốt vàng mã…”, ông Hoàng Việt Trung – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thông tin.
Được biết, trước và sau mỗi khi lễ hội diễn ra, Ban tổ chức và chính quyền địa phương cũng hưởng ứng phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” của tỉnh Thừa Thiên – Huế bằng những việc làm cụ thể khi cùng nhau thu gom rác thải ở quanh điện Hòn Chén, cả trên bờ lẫn dưới nước.
Huế được xem là vùng đất có nhiều lễ hội truyền thống. Có thể thấy, việc bảo vệ được môi trường, cảnh quan sẽ giúp cho các hoạt động lễ hội tại Cố đô phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc, tạo được ấn tượng tốt cho người dân và du khách. Đặc biệt qua đó cũng góp phần thực hiện tốt “Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống” mà Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch vừa ban hành.