Nâng cao vai trò phụ nữ người dân tộc trong quản lý và sử dụng tài nguyên rừng

Tuyết Chinh| 29/05/2015 14:08

(TN&MT) - Đó là mục tiêu của dự án “Nâng cao vai trò của phụ nữ người dân tộc trong quản lý rừng và khả năng tiếp cận công bằng tới tài nguyên rừng ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Nha, tỉnh Sơn La” do Trung tâm Con người và Thiên nhiên PanNature) thực hiện.

Dự án được triển khai từ tháng 2 đến hết tháng 8/2015 với sự tài trợ của Quỹ Thách thức xanh GreenMekong. Các hoạt động của dự án nhằm thay đổi cách nhìn cách nghĩ của mọi người và chính phụ nữ người dân tộc về vai trò của phụ nữ trong công tác quản lý tài nguyên rừng. Từ đó, khẳng định sự tham gia trong các hoạt động quản lý bảo vệ rừng, phát triển kinh tế cũng như các hoạt động xã hội khác của địa phương. Thông qua dự án này PanNature còn mong muốn xây dựng cơ chế đồng quản lý trong rừng đặc dụng với sự tham gia của phụ nữ.

pn-trong-rung.jpg

Ông Nguyễn Đức Tố Lưu - Trưởng phòng Quản trị Tài nguyên (PanNature) cho biết: Trong thời gian thực hiện dự án, PanNature phối hợp với Hội Phụ nữ địa phương, BQL KBTTN triển khai nhiều hoạt động cụ thể gồm tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho phụ nữ Mông trong bảo vệ và phát triển rừng; tổ chức hội thảo, diễn đàn, Hội phụ nữ kết hợp cùng BQL KBTTN thực hiện các hoạt động tuyên truyền về quản lý và bảo vệ rừng tại cộng đồng, tạo lập quỹ “Phụ nữ phát triển và bảo vệ rừng”...

Theo thông tin từ PanNature, tháng 3/2015, nhóm cán bộ dự án Trung tâm đã triển khai những hoạt động đầu tiên. Nhóm đã trao đổi với Ban Quản lý Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Nha; UBND xã Chiềng Xuân và xã Xuân Nha (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) về mục đích cũng như kế hoạch phối hợp thực hiện Dự án. Kết quả làm việc nhận được sự đồng thuận tích cực từ phía địa phương.

r2_1.jpg

Tháng 4/2015, nhóm thực hiện đánh giá nhu cầu và vai trò của phụ nữ người dân tộc trong quản lý và sử dụng lâm sản ngoài gỗ tại hai xã Chiềng Xuân và Xuân Nha. Nhờ sự phối hợp tích cực của các cán bộ kiểm lâm KBTTN Xuân Nha và cán bộ Hội Phụ nữ hai xã, PanNature đã tiến hành họp nhóm với sự tham gia tích cực của gần 30 chị em phụ nữ đến từ các chi bộ thôn. Đồng thời, nhóm cũng phỏng vấn thêm 30 chị em phụ nữ khác nhằm thu thập các thông tin phong phú về tình hình khai thác, sử dụng và các vấn đề liên quan đến lâm sản ngoài gỗ của các hộ. Tiếp nối các hoạt động khảo sát, đánh giá nêu trên, PanNature dự kiến tổ chức đối thoại cởi mở giữa các chị em phụ nữ hai xã cùng lãnh đạo KBTTN Xuân Nha về hoạt động khai thác, sử dụng và quản lý tài nguyên rừng.

Song song với đó, PanNature hỗ trợ, thúc đẩy việc lồng ghép mục tiêu, nhiệm vụ quản lý, sử dụng tài nguyên rừng vào các sự kiện văn hóa của địa phương.

Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình triển khai các dự án, ông Nguyễn Đức Tố Lưu nói: “Khó khăn lớn nhất khi thực hiện dự án này đó là vấn đề đối tượng phụ nữ người dân tộc vô cùng khó tiếp cận cộng thêm những cản trở trong tiếp xúc, ngôn ngữ. Ngoài ra, việc thay đổi nhận thức của BQL KBTTN, thay đổi cơ chế chính sách quản lý và BQL đang áp dụng từ trước đến nay là vô cùng khó”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao vai trò phụ nữ người dân tộc trong quản lý và sử dụng tài nguyên rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO