Nâng cao nhận thức và kỹ năng về an toàn thông tin cho các cơ quan báo chí

Phạm Yến – Anh Dũng| 19/12/2019 14:27

(TN&MT) - Ngày 19/12, tại TP Đà Nẵng, Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao nhận thức và kỹ năng về an toàn thông tin” cho các cơ quan báo chí.

Tập huấn “Nâng cao nhận thức và kỹ năng về an toàn thông tin” cho các cơ quan báo chí

Dự hội nghị có ông Đặng Khắc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Báo chí cùng đại diện các cơ quan báo chí, các Sở Thông tin và Truyền thông tại miền Trung và Tây Nguyên; các cơ quan đại diện, Văn phòng thường trú, Văn phòng đại diện các cơ quan báo chí tại Đà Nẵng.

Hội nghị tập huấn nhằm đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến, nâng cao nhận thức và kỹ năng cho các cơ quan quản lý báo chí và các cơ quan báo chí tại Đà Nẵng và khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã một lần nữa khẳng định, chuyển đổi số là tất yếu để phát triển kinh tế số - xã hội số. Trên thực tế, internet cũng như các công nghệ hiện đại trên đang ngày càng đi sâu vào mọi mặt cuộc sống, tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội, nhưng đồng thời tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro về mất an toàn, an ninh mạng.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Đặng Khắc Lợi - Phó Cục trưởng Cục Báo chí cho biết: Trong lĩnh vực báo chí, truyền thông, công nghệ tạo cuộc chơi mới, tạo mô hình kinh doanh mới. Vì thế, quá trình tìm tòi lời giải về công nghệ phải song song với việc tìm ra các mô hình kinh tế mới cho báo chí, vấn đề an ninh, an toàn trên không gian mạng trong bối cảnh hệ sinh thái truyền thông số trên toàn thế giới đang có những biến động mạnh, đặt tất cả chúng ta trước bài toán khốc liệt để tồn tại và phát triển.

Ông Đặng Khắc Lợi - Phó Cục trưởng Cục Báo chí phát biểu tại hội nghị tập huấn

Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 đã đặt ra một yêu cầu mới đối với các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, các cơ quan báo chí và các nhà báo, yêu cầu các cơ quan quản lý báo chí, cơ quan báo chí và nhà báo phải trang bị thêm kiến thức và kỹ năng tuyên truyền, phổ biến về an toàn thông tin và kỹ năng tự đảm bảo an toàn thông tin cho cá nhân cũng như cơ quan.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được tìm hiểu về không gian mạng với các vấn đề như xu hướng phát triển và nguy cơ mất an toàn thông tin; hành lang pháp lý về an toàn thông tin, các hoạt động đảm bảo an toàn thông tin; kỹ năng tuyên truyền, phổ biến an toàn thông tin; kỹ năng tự bảo đảm an toàn thông tin cho cá nhân…

Theo ông Vũ Việt Hùng - Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) thì vấn đề mất an toàn thông tin mạng chủ yếu là do người dùng. Nếu như mỗi cá nhân không biết cách bảo vệ thông tin mạng thì rất dễ bị đánh cắp để nhằm vào mục đích truy cập trái phép và lạm dụng thông tin cá nhân, chiếm quyền điều khiển, lợi dụng để tấn công mạng.

Theo tờ Washinton Post, cơ quan An ninh quốc gia Mỹ đã triển khai hệ thống PRISM và chương trình thông tin không biên giới cho phép kiểm soát cả thoại, SMS, nội dung internet, thư điện tử bắt đầu từ năm 2001 và triển khai vào năm 2007. PRISM có thể chặn và lưu trữ 1,7 tỷ email, cuộc gọi điện thoại và những liên lạc khác mỗi ngày; thu thập 20 ngàn tỷ giao dịch điện tử trên toàn thế giới.

Ông Vũ Việt Hùng - Cục An toàn thông tin - Bộ TT&TT trình bày tại Hội nghị

Vài năm trở lại đây, tình hình an toàn thông tin mạng ở Việt Nam đã có diễn biến phức tạp, trong khi người dùng lại thiếu kiến thức về an toàn thông tin. Để đảm bảo an toàn thông tin, Cục An toàn thông tin khuyến nghị người dùng mạng: không chia sẻ quá nhiều các thông tin cá nhân lên mạng; không chia sẻ mật khẩu với bất kì ai và cân nhắc khi có thư yêu cầu đổi mật khẩu, cung cấp mật khẩu; chỉ nên sử dụng các thiết bị riêng để làm việc; cẩn trọng khi bấm vào các liên kết, tải file đính kèm chưa rõ nguồn gốc…; mã hóa các dữ liệu quan trọng trước khi truyền.

Ngoài ra, Cục An toàn thông tin cũng khuyên người dùng nên sử dụng các chương trình Antivirus, anti-spyware… để bảo vệ máy tính, thiết bị di động. Nên sử dụng các tính năng bảo mật được cung cấp sẵn trên các thiết bị, dịch vụ. Sao lưu các dữ liệu quan trọng theo nhiều cách khác nhau. Cảnh giác và cẩn thận với những thứ đến quá dễ dàng, hấp dẫn như tin nhắn trúng thưởng.

Theo ông Đặng Khắc Lợi, giải pháp để đảm bảo an toàn thông tin bắt đầu từ vấn đề nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cơ quan quản lý báo chí và các cơ quan báo chí là rất quan trọng. Từ nhận thức đúng sẽ có hành động đúng và từ hành động đúng sẽ có thói quen an toàn, lành mạnh trên không gian mạng. Và điều này cần sự chung tay của toàn xã hội, mỗi cá nhân trong cộng đồng mạng nhằm duy trì, phát triển an toàn thông tin mạng, bảo đảm an toàn thông tin mạng là bảo vệ chính chúng ta nhằm góp phần xây dựng không gian mạng an toàn, lành mạnh.

Ông cũng mong muốn sau hội nghị này, nhận thức về an toàn thông tin của cộng đồng và xã hội ngày càng được cải thiện và khi áp dụng thường xuyên, hình thành những kỹ năng để mỗi người tự bảo vệ bản thân, bảo vệ gia đình từ đó tiến tới bảo vệ cơ quan, tổ chức và quốc gia trên không gian mạng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao nhận thức và kỹ năng về an toàn thông tin cho các cơ quan báo chí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO