Nâng cao năng lực truyền thông về Phòng chống tác hại của thuốc lá

Phạm Yến| 19/11/2020 18:21

(TN&MT) - Ngày 19/11, tại Đà Nẵng, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Qũy Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) tổ chức Hội nghị tập huấn Nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại (PCTH) của thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên báo, đài; các cán bộ, công chức, viên chức của một số Sở Thông tin và Truyền thông, Phòng Văn hóa, thông tin.

Quang cảnh Hội nghị tập huấn Nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại của thuốc lá

Hội nghị gồm 3 nội dung: tình hình ban hành và triển khai tổ chức thực hiện Luật PCTH của thuốc lá và các văn bản hướng dẫn thi hành, đặc biệt là Kết quả hoạt động công tác PCTH của thuốc lá tại Việt Nam giai đoạn 2013 -2019; các quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong PCTH của thuốc lá tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP; Cung cấp các thông tin nhằm làm rõ “Chiến lược mới của ngành công nghiệp thuốc lá về thuốc lá điện tử và nung nóng” trong giai đoạn hiện nay.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Hồ Hồng Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Thông tin và Truyền thông) hy vọng, với những thông tin tại hội nghị sẽ giúp tăng cường hơn nữa sự hiểu biết của các phóng viên, nhà báo về công tác PCTH của thuốc lá, đồng thời tăng cường sự phối hợp và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan báo chí, từ đó ngày càng nâng cao hiệu quả công tác truyền thông pháp luật về PCTH của thuốc lá.

Ông Hồ Hồng Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Thông tin và Truyền thông) phát biểu tại Hội nghị

Theo kết quả điều tra GATS 2015 và điều tra GYTS 2014 tỷ lệ nam giới hút thuốc lá giảm 2,1%, tỷ lệ hút thuốc chung ở nam giới khu vực thành thị giảm 5%, giảm sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên Việt Nam từ 3,3% năm 2007 xuống 2,5% năm 2014. Tỷ lệ hút thuốc thụ động giảm đáng kể so với năm 2010  tại hầu hết các địa điểm: nơi làm việc, trường học, phương tiện giao thông công cộng, gia đình. Tỷ lệ người hút thuốc được tư vấn bỏ thuốc tăng từ 29,7% lên 40,5%; Nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá tăng từ 55,5% lên 61,2%.

Công tác giám sát, kiểm tra thực hiện hoạt động PCTH của thuốc lá ngày càng có nhiều chuyển biến với sự tham gia tích cực của: Thanh tra Bộ Y tế; Công an các tỉnh, thành phố; UBND các tỉnh, thành… Qũy PCTH của thuốc lá cũng đã thực hiện một số các nghiên cứu nhằm giảm việc sử dụng thuốc lá như: nghiên cứu về cây trồng thuốc lá làm cơ sở đề xuất các giải pháp chuyển đổi ngành nghề cho người trồng cây thuốc lá; nghiên cứu theo dõi về sức khỏe, kinh tế và tác động của giá thuốc lá ở Việt Nam giai đoạn 2018 – 2019.

Sau 5 năm hoạt động công tác PCTH của thuốc lá đã đạt được những kết quả tích cực: việc thực hiện môi trường không khói thuốc có nhiều chuyển biến tích cực; hành vi hút thuốc nơi công cộng ngày càng không được cộng đồng chấp nhận như trước đây. Nhận thức và hành vi hút thuốc được thay đổi tích cực với 84% người hút thuốc lá nói rằng việc tiếp nhận các thông tin trong chiến dịch truyền thông khiến họ lo lắng hơn về tác hại của thuốc lá lên sức khỏe bản thân; 50% số người hút thuốc được hỏi đã nhận được lời mời khuyên bỏ thuốc lá từ gia đình trong vòng 6 tháng trở lại đây so với 44% năm 2017; 61% người không hút thuốc nói rằng họ đã khuyến khích người hút thuốc bỏ thuốc khi được tiếp nhận các thông tin từ chiến dịch truyền thông.

Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nam giới trưởng thành của Việt Nam vẫn ở mức cao 45%, thuốc lá được bày bán khắp nơi với giá rẻ, gần 90% điểm bán lẻ thuốc lá vi phạm quy định trưng bày thuốc lá, nhiều cơ quan, đơn vị chưa có quy định cấm hút thuốc trong quy chế nội bộ. Bên cạnh đó, Thuế thuốc lá của Việt Nam còn rất thấp (hiện nay, thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá là 70% gia xuất xưởng, tính trên giá bán lẻ là 42%). Việt Nam là nước có mức Thuế TTĐB đối với thuốc lá thấp gần nhất trong khu vực ASEAN và rất thấp so với các nước phát triển điều này dẫn đến việc sử dụng thuốc lá nhiều.

Ths. Đào Thế Sơn - Liên minh Quốc tế phòng chống lao và bệnh phổi cho biết, trên thị trường xuất hiện các sản phẩm thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, shisha…), các tập đoàn thuốc lá đa quốc gia quảng bá gây nhầm lẫn nhằm mở rộng việc tiêu thụ các sản phẩm mới này tại các nước trong đó có Việt Nam. Thật ra, các sản phẩm thuốc lá mới vẫn có tác hại như thuốc lá điếu thông thường và không có công dụng cai nghiện như các tập đoàn thuốc lá quảng cáo.

TS. Võ Thanh Lâm – Chánh Thanh tra Bộ thông tin và Truyền thông cho biết, theo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Điều 16 - Hoạt động tài trợ “Tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc lá chỉ được tài trợ nhân đạo cho chương trình xóa đói, giảm nghèo; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, thảm họa; phòng, chống buôn lậu thuốc lá và không được thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng về việc tài trợ đó”. Tuy nhiên, vẫn có nhiều đon vị vi phạm khi thông báo trên các phương tiện thông tin và khi được hỏi thì các đơn vị truyền thông lại nói rằng đó là do các công ty thuốc lá tuyên truyền quảng cáo. Chính vì vậy, gây nhập nhằng trong việc xử phạt.

Theo ông Lâm, cần làm rõ hơn trách nhiệm của các bên để không còn các hình thức quảng cáo trá hình. Ông cũng đề nghị các đại biểu sau khi tham gia lớp tập huấn về PCTH của thuốc lá cần trở thành một nhân tố tuyên truyền, phổ biến đến cộng đồng một cách liên tục và lâu dài chứ không chỉ đưa tin khi có sự kiện về PCTH của thuốc lá.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao năng lực truyền thông về Phòng chống tác hại của thuốc lá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO