Nâng cao khả năng phòng, tránh, thích nghi với thiên tai của các tỉnh miền Trung

Thanh Tùng| 18/11/2021 19:26

(TN&MT) - Do điều kiện tự nhiên, các tỉnh duyên hải miền Trung là nơi chịu ảnh hưởng của hầu hết các loại thiên tai thường xảy ra ở Việt Nam nhưng với tần suất cao hơn và mức độ ác liệt hơn. Trước thách thức đó, Chiến lược Quốc gia về phòng chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành đã đưa ra nhiều giải pháp giúp các tỉnh miền Trung chủ động ứng phó, thích nghi.

Nơi chịu ảnh hưởng của hầu hết các loại thiên tai

Ngày 17/11, mặc dù tại tỉnh Bình Định hết mưa, nhưng ảnh hưởng của triều cường, nước lũ rút chậm, nhiều xã vùng thấp trũng vẫn bị lũ chia cắt, nhất là xã Cát Chánh, huyện Phù Cát và các xã Phước Hòa, Phước Thắng, huyện Tuy Phước.

Một trường mầm non ở xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước còn ngập sâu. Ảnh: VOV

Nước lũ chia cắt khiến 19.000 học sinh ở các xã phía đông của các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ không thể đến trường phải ở nhà học trực tuyến. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định đã yêu cầu các trường trong vùng ngập lụt đã rút nước, khẩn trương dọn dẹp trường lớp để đưa học sinh trở lại học trực tiếp. Trong khi đó, chiều 17/11, hàng chục hộ dân khu vực núi Cấm, thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định huy động toàn lực nạo vét bùn đất, khơi thông dòng chảy đã bị đất đá từ trên đỉnh núi tràn vào nhà cửa sau 2 đợt sạt lở vừa qua.

Còn tại tỉnh Quảng Nam, từ tối 17/11, mưa lớn khiến tuyến đường nối Quốc lộ 40B dẫn vào xã Trà Leng, huyện Nam Trà My bị sạt lở nặng, mặt đường đứt gãy làm cô lập toàn xã Trà Leng, nơi từng xảy ra vụ đất đá vùi lấp cả ngôi làng với nhiều người chết vào tháng 10/2020.

“Từ sáng 18/11, toàn xã bị cô lập hoàn toàn do đường sá hư hỏng. Khoảng 5 điểm trên đường dẫn vào Trà Leng thuộc diện sạt lở nghiêm trọng. Riêng trường mẫu giáo Trà Leng phải tạm thời đóng cửa do nằm trong khu vực nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở núi. Ngoài ra, chính quyền địa phương đã sơ tán khoảng 60 hộ dân ở những nơi nguy cao xảy ra sạt lở đất đá đến địa điểm khác an toàn”, ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch UBND xã Trà Leng cho biết.

Đường ĐH 1 vào xã Trà Leng bị sạt lở hư hỏng nặng. Ảnh: daidoanket

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, ngày và đêm 17/11, khu vực từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to đến đặc biệt to. Lượng mưa đo được từ 7h ngày 17/11 đến 7h ngày 18/11 ở một số nơi như: Trà Leng (Quảng Nam) 436.6mm, Sông Hinh (Phú Yên) 335.2mm, Phước Chanh (Quảng Nam) 276.6mm, Sơn Tây (Quảng Ngãi) 200.6mm,… Mưa to liên tục khiến nhiều địa phương ở miền Trung bị ngập úng cục bộ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống.

Phân tích của Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai cho biết, do điều kiện tự nhiên, duyên hải miền Trung là nơi chịu ảnh hưởng của hầu hết các loại thiên tai thường xảy ra ở Việt Nam nhưng với tần suất cao hơn và mức độ ác liệt hơn như bão, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn, lũ quét, sạt lở đất, lốc tố, dông sét, cát lấn đồng ruộng, cát bay cát lấp, rét hại rét đậm,... trong đó phổ biến nhất là bão, lũ, lũ quét, hạn hán và sạt lở đất.

Thống kê cho thấy, khu vực miền Trung thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão lớn. Trên toàn lãnh thổ Việt Nam trong vòng 100 năm trở lại đây đã thống kê được 469 cơn bão nhưng chỉ có 144 cơn bão đổ bộ vào Bắc bộ còn 325 cơn thì đổ bộ vào khu vực miền Trung (chiếm trên 69% cả nước, trong đó từ 60-65% số cơn bão có sức gió mạnh từ cấp 8 đến cấp 12). Bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ nhiều nhất vào tháng 9-11 (chiếm 70%), ảnh hưởng sớm nhất vào cuối tháng 3, muộn nhất là tháng 1 năm sau. Một số cơn bão điển hình: Chanchu (2006), Xangxene (2006), Sơn Tinh (2012), Damrey (2017),…

Cùng với bão, áp thấp nhiệt đới là mưa, lũ. Mùa lũ ở miền Trung thường bắt đầu từ tháng 8 và kết thúc vào tháng 12, muộn dần từ Bắc vào Nam. Qua các trận lũ năm 1996,1998, 1999, 2003, 2007, 2009, 2010, 2013, 2016, 2017 cho thấy, mức độ ngập lụt ngày càng tăng, độ sâu ngập lụt tăng mạnh, có nơi ngập sâu tới 4-5m, trong nhiều ngày ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống.

Ngoài ra, các tỉnh miền Trung còn thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của hạn hán, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ biển. Tùy mức độ khác nhau, sạt lở bờ sông, bờ biển đã và đang ảnh hưởng trực tiếp tới các hoạt động kinh tế, sản xuất và đời sống xã hội. Miền Trung còn có nguy cơ cao về nước dâng do bão mạnh, siêu bão; nước dâng do biến đổi khí hậu trong tương lai; động đất; sóng thần…

Nâng cao chất lượng dự báo thiên tai

Nhằm chủ động phòng, tránh, thích nghi với thiên tai, trọng tâm là chủ động phòng, chống bão, lũ, ngập lụt, hạn hán, sạt lở đất và sạt lở bờ sông, bờ biển, Chiến lược Quốc gia về phòng chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề ra nhiều giải pháp mạnh mẽ.

Theo đó, tập trung nâng cao chất lượng dự báo thiên tai, đặc biệt là dự báo sớm để chủ động ứng phó, nhất là đối với bão, mưa, lũ, ngập lụt, hạn hán. Xây dựng, củng cố hệ thống cảnh báo đa thiên tai, theo dõi và giám sát mưa, lũ, sạt lở đất, ngập lụt kết hợp với hệ thống cơ sở hạ tầng hiện có, trong đó ưu tiên hệ thống quan trắc kết hợp cảnh báo mưa, bao gồm cả đo mưa nhân dân và hệ thống theo dõi, giám sát tại các khu vực trọng điểm ngập lụt, ngầm, tràn.

Nâng cao chất lượng dự báo thiên tai, đặc biệt là dự báo sớm để chủ động ứng phó, nhất là đối với bão, mưa, lũ, ngập lụt, hạn hán là giải pháp quan trọng để ứng phó với thiên tai tại miền Trung (Trong ảnh: trạm Khí tượng trên đảo Hòn Ngư)

Hướng dẫn xây dựng nhà ở, công trình kết hợp sơ tán dân đảm bảo an toàn trước thiên tai, nhất là bão, lũ, ngập lụt; thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo, gia đình chính sách xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lụt.

Củng cố, nâng cấp bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước, đê biển, đê cửa sông, công trình thuỷ lợi, phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Vận hành hiệu quả hồ chứa nước đảm bảo an toàn công trình, vùng hạ du, đồng thời phục vụ phòng, chống lũ, hạn hán, xâm nhập mặn, nhất là các hồ Tả Trạch, Định Bình, Ba Hạ,…

Phân vùng rủi ro, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, nhất là khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất chi tiết đến cấp xã, cập nhật bản đồ ngập lụt hạ du các hồ chứa ứng với các kịch bản xả lũ và vỡ đập, bản đồ ngập lụt do bão mạnh, siêu bão, bản đồ ngập lụt các lưu vực sông; xây dựng công trình phòng, chống lũ quét, sạt lở đất tại các khu vực trọng điểm, xung yếu. Chủ động di dời dân cư sinh sống tại khu vực ven sông, suối, sườn đồi núi, ven biển có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở, cản trở dòng chảy, khu vực thấp trũng bị ngập sâu.

Quản lý chặt chẽ việc xây dựng nhà ở, cơ sở hạ tầng, nhất là khu dân cư, khu du lịch, khu nghỉ dưỡng ven sông, ven biển, công trình giao thông, khắc phục tình trạng xây dựng nhà ở, công trình tại khu vực nguy cơ sạt lở, cản trở dòng chảy, lấn chiếm lòng sông, suối, bạt sườn dốc để xây dựng công trình, nhà ở làm gia tăng rủi ro thiên tai. Mở rộng khẩu độ thoát lũ đối với các công trình giao thông, khắc phục bồi lấp cửa sông, cải tạo lòng dẫn, kết hợp khơi thông luồng lạch đảm bảo không gian thoát lũ, tránh làm gia tăng ngập lụt.

Xây dựng, nâng cấp các khu neo đậu tàu, thuyền kết hợp hậu cần nghề cá theo quy hoạch. Đồng thời, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với đặc thù thiên tai, nhất là khu vực thường xuyên bị ngập lụt, hạn hán.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao khả năng phòng, tránh, thích nghi với thiên tai của các tỉnh miền Trung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO