Nâng cao hiệu quả quy hoạch và điều tra tài nguyên nước

03/08/2017 00:00

(TN&MT) - Được thành lập từ năm 2008, gần 10 năm qua, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chuyên môn, ngày càng vững mạnh trong công tác điều tra, đánh giá, quy hoạch, quan trắc, cảnh báo và dự báo tài nguyên nước, góp phần phục vụ hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên nước.

Xây dựng Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia vào năm 2020

Phấn đấu đến năm 2020 sẽ có quy hoạch tài nguyên nước quốc gia và quy hoạch tài nguyên nước các lưu vực sông lớn, Bộ TN&MT đề ra nhiệm vụ trọng tâm đẩy mạnh công tác quy hoạch tài nguyên nước.

Trên cơ sở đó, Bộ TN&MT chỉ đạo Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia triển khai kế hoạch trong năm 2017 phải tập trung nguồn lực thực hiện lập Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình; lập quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng, sông Srêpốk; lập nhiệm vụ Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Cửu Long; Dự án “Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long.”

Đây là nhiệm vụ cấp thiết, đòi hỏi cần được triển khai thực hiện hiệu quả công tác điều tra cơ bản cả về nước ngầm và nước mặt, kế hoạch điều tra cơ bản mang tính lâu dài, đặc biệt, có sự gắn kết chặt chẽ giữa công tác điều tra, đánh giá tài nguyên nước với công tác quy hoạch tài nguyên nước. Cần củng cố kiện toàn tổ chức bộ máy; tăng cường đội ngũ cán bộ có phẩm chất và năng lực; rà soát kiện toàn, nâng cao năng lực cán bộ lãnh đạo, quản lý các đơn vị trực thuộc đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Công tác hợp tác quốc tế được chú trọng, đặc biệt, hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ phục vụ cho khai thác, xử lý nguồn nước.

Trong năm 2016, Trung tâm đã thực hiện triển khai lập Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; thi công phục vụ chống hạn và xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên, điển hình như Dự án “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại các vùng cao, vùng khan hiếm nước”; Dự án “Điều tra, đánh giá tổng thể nguồn nước, cảnh báo, dự báo phòng chống khô hạn, xâm nhập mặn ứng phó với biến đổi khí hậu khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên”; Dự án “Đầu tư xây dựng mới và nâng cấp mạng quan trắc nước dưới đất Đồng bằng sông Cửu Long”. Đây cũng là những nhiệm vụ quan trọng nhằm giải quyết triệt để tình trạng thiếu nước sinh hoạt luôn thường trực mỗi khi mùa khô đến, cũng như bảo đảm an ninh nguồn nước cho vùng khô hạn Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Ngoài các nhiệm vụ Bộ giao, Trung tâm đã phối hợp lập quy hoạch tài nguyên nước cho hơn 30 tỉnh, thành phố. Kết quả quy hoạch đã giúp các địa phương định hướng khai thác, sử dụng nước, bảo vệ nguồn nước.

Đẩy mạnh điều tra cơ bản tài nguyên nước

Công tác điều tra cơ bản tài nguyên nước của Trung tâm được xem là nhiệm vụ trọng tâm, được triển khai thực hiện tương đối sâu rộng và đồng bộ. Trung tâm đã hoàn thành công tác biên hội, thành lập bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1:200.000 và tổng hợp, xây dựng hồ sơ, sản phẩm kết quả điều tra, đánh giá cho 52 tỉnh, thành phố. Các kết quả của dự án giúp định hướng quy hoạch tài nguyên nước, xây dựng các kế hoạch dài hạn về điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất và phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên nước.

Điều tra, đánh giá tài nguyên nước tỷ lệ 1:100.000 và 1:50.000 trên một số lưu vực sông lớn, liên tỉnh và các vùng kinh tế trọng điểm. Trung tâm đã hoàn thành đánh giá tổng quan tài nguyên nước dưới đất trên diện tích 15 tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ, vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long, lưu vực các sông biên giới Việt Nam - Lào thuộc lưu vực sông Mã, sông Cả; lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn; vùng Thủ đô Hà Nội, vùng vành đai kinh tế biển ven vịnh Bắc Bộ, lưu vực sông Lô - Gâm, Bắc Sông Tiền...

Công tác điều tra, đánh giá phục vụ cung cấp nước cho vùng núi cao, vùng khan hiếm nước, phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn và ứng phó với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và một số khu vực phía Bắc. Điều tra, đánh giá nguồn nước tại các vùng đặc biệt thiếu nước sinh hoạt thuộc các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, vùng cao nguyên đá thị trấn Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang; 5 đảo và cụm đảo Thanh Lân, Trà Bản, tỉnh Quảng Ninh; đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi; đảo Hòn Tre, Hòn Chuối, tỉnh Kiên Giang và 40 vùng sâu thuộc 10 tỉnh Nam Bộ để phục vụ trực tiếp nhu cầu cấp nước của cộng đồng dân cư tại nhiều vùng lãnh thổ, góp phần ổn định chính trị xã hội, giữ vững an ninh và phát triển kinh tế.

Trung tâm đã và đang triển khai thực hiện Dự án số 1 “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại các vùng cao, vùng khan hiếm nước” để phòng, chống hạn, xâm nhập mặn ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long. Kết quả năm 2016, Trung tâm đã hoàn thành thi công 31/31 vùng với 100% lỗ khoan có nước với trữ lượng, chất lượng đảm bảo và đã kết cấu thành giếng khoan khai thác lâu dài, có thể xây dựng được 32 trạm cấp nước tập trung với công suất từ 300 - 1.300 m3/ngày đêm, nguồn nước đủ đáp ứng nhu cầu cấp nước sinh hoạt cho 325.745 người với mức 60 lít/ngày/người. Đồng thời, Trung tâm đã chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng để triển khai thực hiện dự án Điều tra, đánh giá tổng thể nguồn nước, cảnh báo, dự báo phòng chống khô hạn, xâm nhập mặn ứng phó với biến đổi khí hậu khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.

Chương trình “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước” là chương trình toàn diện, tổng thể, đồng thời, góp phần thu hẹp khoảng cách vùng, miền và nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo quốc phòng, an ninh và giữ vững độc lập chủ quyền quốc gia. Trong đó, việc thực hiện thành công Dự án số 1 “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt ở vùng núi cao, vùng khan hiếm nước” sẽ có vai trò quyết định đến thành công của toàn bộ Chương trình.

Siết chặt bảo vệ tài nguyên nước

Thực hiện Chiến lược Quốc gia về tài nguyên nước tới năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 81/2006/QĐ-TTg ngày 14/4/2006, hiện nay, Trung tâm đang triển khai Đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn” (giai đoạn I gồm 9 đô thị là: Hà Nội, Hải Dương, Thái Nguyên, Buôn Mê Thuật, Quy Nhơn, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ và Mỹ Tho). Đến nay, công tác thu thập, điều tra, phân tích tổng hợp dữ liệu để phục vụ xây dựng các phương án cũng như giải pháp bảo vệ nguồn tài nguyên nước dưới đất cơ bản đã hoàn thành ở các đô thị Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Buôn Mê Thuột và Hải Dương.

Ngoài ra, Trung tâm đang thực hiện điều tra xác định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất tầng Neogen từ Đà Nẵng đến Bình Thuận; Điều tra, đánh giá khả năng tự bảo vệ các tầng chứa nước vùng duyên hải đồng bằng Bắc Bộ (các tỉnh Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình).

Trung tâm đã hợp tác với Cộng hòa Liên bang Đức thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật nguồn vốn ODA về Tăng cường năng lực quy hoạch và điều tra nước ngầm ở các khu đô thị tại Việt Nam (thực hiện ở một số tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ và Nam Trung Bộ) và Tăng cường bảo vệ nước ngầm tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (khu vực bán đảo Cà Mau).

Trung tâm cũng đã đặc biệt quan tâm công tác hợp tác quốc tế và ngày càng mở rộng. Cho đến thời điểm này, Trung tâm đã chủ trì tổ chức được 26 Hội thảo khoa học trong nước, 6 Hội thảo quốc tế. Trung tâm đã và đang thực hiện 8 Dự án hợp tác quốc tế, tiêu biểu như: Ký thỏa thuận thực hiện Dự án “Tăng cường bảo vệ nước ngầm” do Đức tài trợ; Hội thảo tổng kết dự án IGPVN do Đức tài trợ; Hội thảo quốc tế pha 2 trong khuôn khổ Dự án “Quản lý tổng hợp tài nguyên nước ở Việt Nam, dự án thí điểm tại lưu vực sông Đồng Nai” do Pháp tài trợ…

Xuất phát từ thực tế, cần có tài liệu hướng dẫn chuyên môn và sự thống nhất về nội dung, phương pháp, kỹ thuật thực hiện các nhiệm vụ điều tra, đánh giá, quan trắc, quy hoạch tài nguyên nước, Trung tâm QH&ĐTTNN đã tích cực tham gia, chủ trì xây dựng các Thông tư về lĩnh vực tài nguyên nước. Từ năm 2012 đến năm 2015, Trung tâm đã chủ trì xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ TN&MT ký ban hành 14 Thông tư về lĩnh vực tài nguyên nước. Đặc biệt, việc ban hành Thông tư số 42/2015/TT-BTNMT ngày 29/9/2015 của Bộ TN&MT quy định kỹ thuật quy hoạch tài nguyên nước có ý nghĩa quan trọng đối với công tác lập quy hoạch tài nguyên nước, một trong những nhiệm vụ cơ bản của Trung tâm. Theo đó, kể từ thời điểm Thông tư có hiệu lực, các dự án Quy hoạch tài nguyên nước được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam đều phải tuân thủ các quy trình kỹ thuật mà Thông tư đã quy định.

Bài và ảnh: Minh Trang – Hồng Nhung

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao hiệu quả quy hoạch và điều tra tài nguyên nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO