Nâng cao hiệu quả phòng chống lũ quét, sạt lở đất ở miền núi

Thanh Tùng | 15/07/2021, 16:42

(TN&MT) - Lũ quét, sạt lở đất đang là một trong những loại hình thiên tai nguy hiểm đe dọa trực tiếp tới tính mạng và tài sản người dân đồng bào khu vực miền núi. Chính vì vậy, tìm giải pháp nâng cao hiệu quả dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất trở thành yêu cầu bức thiết khi mùa mưa bão đang đến.

Bất thường, khó dự báo

Theo các chuyên gia khí tượng thủy văn, tính chất bất thường, khó dự báo, cảnh báo cũng như tập quán sinh sống ven bờ sông, bờ suối và sườn đồi của một bộ phận đồng bào khu vực miền núi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến nhiều vụ lũ quét, sạt lở đất.

Nhiều vụ lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng những năm gần đây có thể kể đến như: Vụ lở đất tại bản Sáng Tùng (xã Tà Ngảo, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu) vào 2 giờ sáng 27/6/2018; vụ lũ ống, lũ quét tại bản Sa Ná (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa) rạng sáng 3/8/2019; vụ sạt lở đất thảm khốc ở nóc (thôn) ông Đề, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam chiều ngày 28/10/2020; hay gần đây nhất, lũ quét trên suối Nậm Liệp, thôn Minh Hạ 1, xã Minh Lương (H.Văn Bàn, Lào Cai) vào 3 giờ sáng ngày 17/4/2021... Những vụ lũ quét, sạt lở đất này đều gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản của người dân.

Hiện trường vụ sạt lở đất tại Thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên - Huế). Ảnh: TTXVN

Các số liệu thống kê cho thấy, riêng trên địa bàn 15 tỉnh miền núi phía Bắc hiện có 116 huyện, 730 xã có nguy cơ cao lũ quét; 136 huyện, 1.226 xã có nguy cơ cao sạt lở đất; 123 huyện, 559 xã có nguy cơ cao sạt lở bờ sông, bờ suối. Năm 2020, lũ quét, sạt lở đất đã cho thấy sức tàn phá khủng khiếp. Trong thời gian ngắn, từ chiều 28/10 đến đầu tháng 11, hàng loạt vụ sạt lở đất gây hậu quả nghiêm trọng đã xảy ra ở miền Trung. Tính từ đầu năm đến ngày 18/11/2020, có 132 người chết và mất tích do sạt lở đất, lũ quét.

Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), có hai nguyên nhân chính gây ra loại hình thiên tai này. Nguyên nhân khách quan là do đặc điểm địa chất yếu, kết hợp với mưa lớn kéo dài, làm cho đất bị bão hòa nước gây sạt lở. Điều tra của Viện Khoa học địa chất và khoáng sản - Bộ TN&MT cho thấy, hiện có trên 10.000 điểm có nguy cơ cao sạt lở ở khu vực miền núi. Nguyên nhân chủ quan là do tác động của hoạt động phát triển kinh tế-xã hội mà không tính đến các yếu tố rủi ro thiên tai như xây dựng công trình làm tăng độ dốc sườn đồi núi khi thi công tác tuyến giao thông, đào xẻ núi lấy mặt bằng để xây dựng công trình, nhà ở…

Mặc dù là loại hình thiên tai nguy hiểm, nhưng hiện nay công tác dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất còn những khó khăn nhất định. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái, Việt Nam hiện chưa có khả năng dự báo được lũ quét, sạt lở đất (mới cảnh báo nguy cơ có khả năng xảy ra lũ quét tại một vùng hoặc khu vực rộng) do các mô hình dự báo quá trình mưa, lũ còn hạn chế. Mặt khác, do thiếu dữ liệu về quan trắc, địa hình, thiếu thông tin số liệu về cấu trúc thảm phủ, lớp đất, tính chất cơ lý của đất. Sự thay đổi về sử dụng đất, phá rừng, khai thác khoáng sản, làm đường… cũng là những nhân tố gây khó khăn trong công tác dự báo lũ quét, sạt lở đất.

Tăng cường phát triển hệ thống quan trắc mưa, lưu lượng tự động giúp cảnh báo sớm lũ quét, sạt lở đất. Ảnh: Thanh Tùng

Tăng cường chất lượng bản tin cảnh báo

Để từng bước nâng cao hiệu quả công tác cảnh báo lũ quét, sặt lở đất, Tổng cục KTTV cho biết đang tăng cường chất lượng bản tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất như: tăng cường độ phân giải trong bản đồ dự báo mưa định lượng lên 1-3 km, sử dụng đồng hoá nhiều nguồn dữ liệu tạo bản đồ mưa như dữ liệu quan trắc, ra đa, mô hình số. Bản đồ cảnh báo nguy cơ lũ quét được xử lý kết hợp bổ sung các lớp thông tin về nguy cơ lũ quét, sạt lở đất kết hợp với phân ngưỡng mưa để tạo ra bản đồ cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất thời gian thực.

Cùng với đó, Tổng cục KTTV sẽ tập trung tăng cường phát triển hệ thống quan trắc mưa, lưu lượng tự động, tăng cường cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ bùn đá, lũ quét thông qua việc xây dựng công nghệ đồng hóa dữ liệu cảnh báo mưa, dông, hạn cực ngắn cho khu vực miền núi; xác định ngưỡng mưa gây sạt lở, lũ quét cho khu vực miền núi, khu vực trọng điểm xảy ra sạt lở, lũ quét; cùng với đó là nghiên cứu ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, xây dựng hệ thống cảnh báo tác động và cảnh báo rủi ro do sạt lở đất.

Về lâu dài, chúng ta sẽ triển khai các nghiên cứu, điều tra về trượt lở đất đá, lũ ống, lũ quét trên diện rộng ở tỷ lệ lớn và đi cùng với phân vùng cảnh báo nguy cơ để giúp Chính phủ cũng như các địa phương có thể nắm bắt, hiểu biết về hiện trạng và nguy cơ trượt lở đất đá, lũ ống, lũ quét và có định hướng quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, đồng thời có giải pháp phòng tránh và giảm thiểu thiệt hại về tính mạng và tài sản cho nhân dân.

Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, trong Chiến lược quốc gia Phòng, chống thiên tai đến năm 2030 mới được Thủ tướng Chính phủ ban hành cũng đã xác định các giải pháp hạn chế thiệt hại do sạt lở đất cho khu vực miền núi. Cụ thể, nâng cao chất lượng công tác dự báo mưa định lượng, mưa, lũ cục bộ; xây dựng, củng cố hệ thống theo dõi, giám sát và cảnh báo sạt lở đất. Phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai nhất là khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất chi tiết đến cấp xã; xây dựng công trình phòng, chống sạt lở đất tại các khu vực trọng điểm, xung yếu.

Đồng thời, chủ động di dời dân cư sinh sống tại khu vực không bảo đảm an toàn ven sông, suối, sườn đồi núi có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất. Tổ chức xây dựng, diễn tập, triển khai phương án sơ tán dân cư khẩn cấp và khắc phục hậu quả khi xảy ra tình huống nguy hiểm tại những khu vực chưa thể di dời theo phương châm 4 tại chỗ. Quản lý chặt chẽ việc xây dựng nhà ở, cơ sở hạ tầng, nhất là khu dân cư, công trình giao thông, khắc phục tình trạng xây dựng nhà ở, công trình tại khu vực có nguy cơ sạt lở, bạt sườn dốc để xây dựng công trình.

Tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao chất lượng rừng, nhất là rừng tự nhiên, phòng hộ. Hướng dẫn, hỗ trợ người dân xây dựng nhà ở đảm bảo phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai. Ảnh: Thanh Tùng

Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, Tổng cục Phòng, chống thiên tai đang xây dựng Dự án di dời dân cư khẩn cấp vùng thiên tai, trong đó có di dời dân khu vực nguy cơ cao sạt lở đất đến nơi an toàn; đồng thời đang triển khai chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dự vào cộng đồng đến năm 2020 (Quyết định số 553/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Trước mắt, tập trung vào giải pháp nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động sơ tán người dân tại vùng nguy cơ cao sạt lở đến nơi an toàn”.

Ông Nguyễn Văn Tiến

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai.

 

Bài liên quan
  • Điện Biên: Vùng đồng bào DTTS sử dụng tài nguyên đất hiệu quả
    (TN&MT) - Nếu trước đây, đồng bào các dân tộc huyện Mường Ảng (Điện Biên) chỉ có lối canh tác phá rừng làm nương, tra ngô, trỉa hạt theo thói quen canh tác hái lượm thô sơ. Thì giờ đây, người dân huyện Mường Ảng đã có trái cây xuất khẩu ra thị trường lớn, tình trạng chặt phá rừng làm nương không còn, tỷ lệ che phủ rừng cao nhất tỉnh Điện Biên đạt 52% năm 2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
Vietjet được đạtTop 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024
Giải thưởng Top 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024 vừa được công bố với các tên tuổi hàng đầu như FPT, Masan Group, Vinamilk, Vietjet...
Đừng bỏ lỡ
  • Yên Bái: Hơn 50% diện tích có nguy cơ trượt lở đất đá nguy hiểm
    Hơn 70% số xã với hơn 50% tổng diện tích tỉnh Yên Báo có nguy cơ trượt lở đất đá ở mức cao và rất cao. Việc đánh giá hiện trạng và xây dựng được bộ bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá có vai trò quan trọng trong phòng chống thiên tai.
  • Triển khai phân loại rác thải tại nguồn tới từng thôn, bản
    (TN&MT) - Triển khai phân loại rác thải tại nguồn nhằm tiến tới xử lý rác theo hướng tuần hoàn, giảm chôn lấp, tăng tỷ lệ tái chế là định hướng quản lý chất thải rắn vùng nông thôn ở huyện miền núi Yên Bình (Yên Bái).
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO