Nâng cao hiệu quả hoạt động của Quy trình vận hành liên hồ chứa

Thanh Tùng| 19/05/2022 19:36

Trong những năm qua, việc vận hành các hồ chứa theo quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa đã đạt được những kết quả quan trọng, giúp cắt, giảm lũ cho hạ du vào mùa lũ và điều tiết nước cho sản xuất và sinh hoạt vào mùa cạn. Tuy nhiên, quá trình vận hành cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế nhất định, hiện đang được Bộ TN&MT tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh.

Các hồ chứa đã tham gia cắt, giảm lũ,điều tiết nước hiệu quả

Báo cáo tham luận tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021 và nhiệm vụ năm 2022 của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ TN&MT, chiều 18/5, ông Ngô Mạnh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, Cục đã thành lập Tổ theo dõi, giám sát việc vận hành các hồ chứa theo quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông theo Quyết định số 256/QĐ-TNN ngày 20/10/2021.

12(3).jpg
Ông Ngô Mạnh Hà phát biểu tham luận tại Hội nghị

Theo ông Ngô Mạnh Hà, kể từ khi 11 Quy trình vận hành liên hồ chứa được ban hành, ngoài việc thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất việc thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa, Bộ TN&MT đã chỉ đạo đơn vị chức năng xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu vận hành hồ, thực hiện theo dõi, giám sát thường xuyên, liên tục việc vận hành của các hồ chứa để kịp thời đôn đốc, hướng dẫn các chủ hồ thực hiện nghiêm túc việc vận hành theo quy trình thông qua hình thức văn bản, điện thoại, email,...

Với việc vận hành theo quy trình các liên hồ chứa, các hồ trong quy trình đã tham gia cắt, giảm lũ cho hạ du rất hiệu quả, giảm ngập lụt đáng kể cho hạ du các lưu vực sông. Cụ thể, cắt giảm đỉnh lũ từ 30-98% tùy từng cơn lũ, cắt giảm tổng lượng lũ từ 30-80% tổng lượng lũ (một số cơn lũ cắt được 85-92%).

Ngoài ra, vào mùa cạn, các hồ đã giúp điều tiết, bổ sung một lượng nước tương đối lớn cho hạ du, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm nguồn nước cấp nước cho các ngành sử dụng nước, giảm thiểu khá lớn thiệt hại do hạn hán gây ra.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về tình hình cung ứng điện và vấn đề cấp than, khí cho sản xuất điện, Cục Quản lý tài nguyên nước đã báo cáo Bộ báo cáo xin ý kiến chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh tạm thời chế độ vận hành các nhà máy thủy điện từ nay đến hết hết tháng 10/2022, vận hành linh hoạt các hồ chứa thủy điện trong điều kiện thiếu hụt điện than và phù hợp với việc huy động các nhà máy điện mặt trời nhằm đáp ứng an ninh năng lượng và đảm bảo nhu cầu nước cho sản xuất và dân sinh hạ du.

66.jpg
Hoạt động theo Quy trình vận hành liên hồ chứa đã giúp điều tiết hiệu quả nguồn nước

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện Quy trình

Mặc dù đã đạt được những kết quả to lớn, tuy nhiên ông Ngô Mạnh Hà cũng thừa nhận, quá trình vận hành quy trình liên hồ chứa cũng còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Đó là hiệu quả trong công tác phối hợp còn chưa cao, một số địa phương còn lúng túng trong công tác chỉ đạo, điều hành các hồ chứa. Vấn đề chia sẽ thông tin, dữ liệu vận hành, KTTV, phối hợp giữa các địa phương còn chưa hiệu quả.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương còn thiếu các công cụ hỗ trợ trong việc ra quyết định điều hành vận hành hồ chứa. Năng lực các hồ khu vực miền Trung-Tây Nguyên hạn chế, chỉ có thể cắt, giảm lũ cho các địa phương ở khu vực hạ du chịu ảnh hưởng bởi sự điều tiết của các hồ mà không thể giải quyết được toàn bộ các vấn đề lũ lụt phía hạ du trên toàn bộ lưu vực sông. Mặt khác, trên các lưu vực hiện nay còn có hàng nghìn công trình hồ chứa thủy lợi đơn mục tiêu khác, tuy nhiên các công trình này chủ yếu là tràn toàn tuyến, rất ít công trình có cửa van điều tiết nên khả năng điều tiết lũ là rất hạn chế so với tổng lượng lũ trên lưu vực.

Tại cuộc họp về khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên tháng 12/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Bộ TN&MT đánh giá việc vận hành xả lũ của các hồ chứa trong thời gian mưa lũ vừa qua, tổ chức rà soát các quy trình vận hành liên hồ chứa để kịp thời điều chỉnh, đảm bảo vận hành phù hợp, hiệu quả, khắc phục những bất cập trong vận hành liên hồ.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ TN&MT đã có Văn bản số 100/BTNMT-TNN gửi Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, các chủ hồ báo cáo cụ thể các nội dung về công tác chỉ đạo, ban hành lệnh đối với các hồ chứa và các kiến nghị liên quan đến sửa đổi, bổ sung các Quy trình. Đồng thời, chỉ đạo, tổ chức các đoàn công tác thực địa và tổ chức cuộc họp tại địa phương với các Cơ quan và đơn vị quản lý vận hành hồ chứa về khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Quy trình vận hành liên hồ và đề xuất, kiến nghị điều chỉnh, bổ sung quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn (vào ngày 4/4/2022) và lưu vực sông Ba (vào ngày 18/4/2022) và dự kiến sắp tới là lưu vực sông Kôn, Trà Khúc.

Trên cơ sở tổng hợp, ý kiến của 10 Ban Chỉ huy, 41 chủ hồ và ý kiến của các cơ quan, đơn vị liên quan, thấy rằng các ý kiến đề xuất kiến nghị về nội dung điều chỉnh Quy trình vận hành chủ yếu tập trung vào các nhóm vấn đề: thẩm quyền vận hành các hồ chứa, công tác phối hợp vận hành giữa các cơ quan, đơn vị quản lý vận hành hồ chứa, công tác cung cấp, chia sẻ và trao đổi thông tin, dữ liệu vận hành hồ chứa, đặc biệt là trong mùa lũ.

Theo ông Ngô Mạnh Hà, Cục Quản lý tài nguyên nước đang tiếp tục rà soát, dự kiến trước mắt sẽ báo cáo Bộ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành một Quyết định điều chỉnh chung, trong đó kiến nghị sửa đổi một số điều của các Quy trình vận hành liên hồ chứa trên một số lưu vực sông để giải quyết một số vấn đề còn tồn tại, bất cập chung của các quy trình, đặc biệt là bổ sung cơ chế phối hợp vận hành, cung cấp thông tin, dữ liệu,…Đồng thời, nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung theo hướng linh hoạt để thích nghi với biến đổi khí hậu, bảo đảm hài hòa trong tích nước phục vụ sản xuất điện và cấp nước hạ du,…

Cục Quản lý tài nguyên cũng kiến nghị các địa phương, các chủ hồ cần xây dựng quy chế phối hợp chặt chẽ để tổ chức thực thi Quy trình đảm bảo an toàn hiệu quả cao. Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương trong thời gian trước mắt thành lập các Trung tâm điều hành vận hành liên hồ chứa (theo hướng xã hội hóa các nguồn nước, huy động đóng góp của các chủ hồ,…) có đầy đủ, năng lực, công cụ để vận hành, điều tiết, giám sát vận hành.

Nội dung trích dẫn...

 Bộ TN&MT đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 11 Quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông lớn, quan trọng gồm sông: Hồng, Mã, Cả, Hương, Vu Gia - Thu Bồn, Trà Khúc, Kôn - Hà Thành, Sê San, Srepok và Đồng Nai. Khoảng 134 hồ chứa, đập dâng trên 11 lưu vực sông đã được điều tiết, vận hành theo cơ chế liên hồ với nguyên tắc ưu tiên hàng đầu là đảm bảo an toàn công trình, cắt, giảm lũ cho hạ du trong mùa lũ, ưu tiên duy trì dòng chảy tối thiểu, cấp nước hạ du phục vụ hoạt động sản xuất và dân sinh trong mùa cạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao hiệu quả hoạt động của Quy trình vận hành liên hồ chứa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO