Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai

Trường Giang| 04/12/2020 16:12

(TN&MT) - Nhằm kiện toàn, nâng cao năng lực, hiệu quả của hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai, hệ thống thông tin đất đai, hỗ trợ cho công tác quản lý Nhà nước về đất đai, ngày 3-4/12, tại Quảng Bình, Bộ TN&MT đã tổ chức Hội nghị Văn phòng đăng ký đất đai và hệ thống thông tin đất đai năm 2020. Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân chủ trì Hội nghị.

59/63 tỉnh đã thành lập Văn phòng đăng ký đất đai

Đánh giá hoạt động của hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai, ông Phạm Ngô Hiếu, Cục trưởng Cục Đăng ký đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai) cho biết, thực hiện pháp luật đất đai năm 2013, Chính phủ cùng các Bộ, ngành, UBND các cấp đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý nhà nước về đất  đai. Việc quản lý, sử dụng đất ngày càng chặt chẽ và đi vào nề nếp, đến nay việc cấp GCN đã cơ bản hoàn thành, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường bất  động sản, tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế -xã hội. Trong đó, việc hình thành, hoàn thiện hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai là tổ chức dịch vụ sự nghiệp công lập đóng  vai trò quan trọng đối với các kết quả này.

Ông Phạm Ngô Hiếu, Cục trưởng Cục Đăng ký đất đai đánh giá về hoạt động của hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai

Đến nay, cả nước đã có 59/63 tỉnh đã thành lập Văn phòng đăng ký đất đai trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường với 656 Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai trên phạm vi 667 đơn vị hành chính cấp huyện; còn lại 4 tỉnh chưa thành lập bao gồm các tỉnh: Quảng Ninh, Phú Thọ, Hải Dương, Điện Biên.

Về cơ bản mỗi đơn vị hành chính cấp huyện đều có một Chi nhánh Văn  phòng đăng ký đất đai; riêng thành phố Hà Nội có một chi nhánh thành lập và hoạt động theo khu vực (quản lý 3 quận nội thành: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình), Hà Tĩnh có 6/7 chi nhánh hoạt động theo mô hình liên huyện; huyện đảo Cồn Cỏ của tỉnh Quảng Trị  không có Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai; thành phố Lai Châu không thành lập Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai, các nhiệm vụ tại thành phố Lai Châu do Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Lai Châu thực hiện.

Theo kết quả tổng hợp của 56 tỉnh, thành phố (một số tỉnh, thành phố báo cáo không đầy đủ) thì số lượng giao dịch đã giải quyết (đăng ký giao dịch  bảo đảm, chuyển quyền, cấp mới, cấp đổi, cấp lại...) trong 2 năm 2018 – 2019 là khoảng 7,7 triệu hồ sơ trong đó, năm 2018 đã giải quyết được 3,4 triệu hồ sơ/56 tỉnh (trung bình hơn 61 nghìn hồ sơ/tỉnh/năm); năm 2019 đã giải quyết gần 4,0 triệu hồ sơ/56 tỉnh (trung bình 69 nghìn hồ sơ/tỉnh/năm).

Quang cảnh Hội nghị

Một số Văn phòng đăng ký đất đai đã áp dụng hệ thống điện tử để giải quyết thủ tục trong công tác cấp Giấy chứng nhận hoặc đang trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng quy chế liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (Kon Tum, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Hậu Giang). Một số địa phương đã phối hợp với bưu điện của tỉnh để chuyển phát hồ sơ giữa Văn phòng đăng ký đất đai với các chi nhánh (Lạng Sơn, Đắk Nông, Lâm Đồng).

Theo Cục trưởng Cục Đăng ký đất đai, qua quá trình hoạt động của Văn phòng đăng ký đất đai đã đẩy nhanh tiến độ  hiện đại hóa ngành quản lý đất đai, thực hiện cải cách hành chính một cách  mạnh mẽ nhất trong lĩnh vực đất đai liên quan đến người dân, doanh nghiệp, cụ thể về các công tác như: thời gian và số lượng thủ tục hành chính như: Thời gian thực hiện thủ tục đăng ký và cấp Giấy chứng nhận đã giảm từ 5 -25 ngày so với trước đây. Thời gian giải quyết hồ sơ giao dịch về đất đai đảm bảo đạt 90 - 95% so với quy định, tình trạng tồn đọng hồ sơ quá hạn đã cơ bản chấm dứt.

Việc thành lập Văn phòng đăng ký đất đai là cơ sở nền tảng cho việc liên  thông dữ liệu với các ngành khác, hoàn thiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tiến tới xây dựng hệ thống thông tin đất đai quốc gia hiện đại, tập trung thống nhất. Một số địa phương đã tích hợp cơ sở dữ liệu đất đai tập trung, vận hành thống nhất liên thông xã - huyện - tỉnh và đã đưa vào vận hành cho công tác quản lý, khai thác sử dụng để cung cấp thông tin đất đai; các thủ tục hành chính về đất đai, cấp Giấy chứng nhận được thực hiện trực tiếp trong cơ sở dữ liệu địa chính từ việc tiếp nhận hồ sơ luân chuyển đến thực hiện các nghiệp vụ chuyên môn.

Một số địa phương đang tiến hành tổ chức chia sẻ, cung cấp thông tin đất đai với ngành thuế để xác định nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; bắt đầu thực hiện dịch vụ công về đất đai trên môi trường điện tử thông qua Cổng dịch vụ công cấp tỉnh.

Còn khó khăn

Cũng theo ông Hiếu, bên cạnh kết quả đạt được hệ thống Văn phòng còn gặp không ít khó khăn trong công tác như: về tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, cơ chế hoạt động, tài chính, trụ sở làm việc, kho lưu trữ, trang thiết bị…

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về các khó khăn vướng mắc khi triển khai Văn phòng ở các địa phương, qua đó, kiến nghị Bộ TN&MT tiếp tục hoàn thiện chính sách về hệ thống này.

Đại diện Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội cho biết, khi hoạt động Văn phòng còn gặp một số khó khăn như: Do hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ nên thời gian giải quyết các vấn đề liên thông, cung cấp thông tin từ các cơ quan khác (Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp phường..) chưa kịp thời dẫn đến thời gian giải quyết các TTHC chưa được đảm bảo.

Đại điện Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trong công tác của Văn phòng

Đại diện Văn phòng Đăng ký đất đai TP. Hồ Chí Minh cho biết, do chưa có cơ chế tạo nguồn thu phù hợp, việc thu chủ yếu qua phí. Do đó, giai đoạn từ năm 2018 - 2020, đơn vị chỉ có mức thu bù chi cho 40% khối lượng, số còn lại dự kiến được Ngân sách Thành phố cấp bù. Tuy nhiên, đến nay ngân sách thành phố chỉ tạm ứng một phần, còn lại chờ Bộ Tài nguyên và Môi trường bổ sung danh mục hưởng ngân sách tại địa bàn thành phố, dẫn đến giai đoạn vừa qua đơn vị thiếu kinh phí hoạt động, không có điều kiện trang bị thiết bị làm việc, cơ sở dữ liệu đất đai chưa được hoàn thiện…

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Minh Ngân chia sẻ và ghi nhận ý kiến của Văn phòng Đăng ký đất đai ở các địa phương. Thứ trưởng đề nghị, Tổng cục Quản lý đất đai ghi nhận, tiếp thu các ý kiến của các đại biểu để khi tổng kết Nghị quyết 19 - NQ/TW, sửa đổi, bổ sung luật đất đai xây dựng cơ chế, nhiệm vụ của Văn phòng cho phù hợp.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân phát biểu tại Hội nghị

Thứ trưởng cũng đề nghị Tổng cục Quản lý đất đai, Sở TN&MT các tỉnh, thành phố tăng cường thanh kiểm tra các Văn phòng và chi nhánh nhằm kịp thời chấn chỉnh sai phạm, đồng thời phát hiện những bất cập, khó khăn để báo cáo đề xuất tháo gỡ, xử lý.

Về công tác xây dựng cơ sở dữ liệu, Thứ trưởng đề nghị các địa phương cần quan tâm tới công tác này nhằm sớm xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, chia sẻ với các ngành, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong thực hiện các thủ tục hành chính, quản lý Nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO