Nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn

24/06/2015 00:00

(TN&MT) - Chiều 24/6, Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Khí tượng Thủy văn. Đa số ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành Luật và báo cáo thẩm tra dự án Luật của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị cần phải rà soát, quy định cụ thể hơn vào trong luật những điều, khoản giao Chính phủ và các bộ ngành liên quan để việc triển khai thực hiện luật hiệu quả; một số điều luật quy định còn chung chung cần phải quy định rõ ràng, cụ thể hơn để bảo đảm hiệu lực bắt buộc pháp lý và tính khả thi khi Luật được ban hành.

Toàn cảnh
Toàn cảnh phiên họp Quốc hội Kỳ họp thứ 9

Ý kiến các đại biểu tại buổi thảo luận cho rằng, các quy định của dự thảo luật cần gắn kết với việc phát triển kinh tế xã hội. Các đại biểu tập trung góp ý hoàn thiện về các nội dung phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ, chính sách của Nhà nước đối với hoạt động KTTV; chủ trương xã hội hóa hoạt động KTTV; những hành vi bị cấm, quy hoạch mạng lưới trạm KTTV; về dự báo, cảnh báo KTTV; cung cấp tin, truyền phát tin KTTV; cấp phép cho tổ chức, cá nhân cảnh báo, dự báo và thẩm quyền cấp phép dự báo KTTV; các trưởng hợp tác động vào thời tiết và việc xây dựng, giám sát kế hoạch, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân; trách nhiệm quản lý nhà nước về KTTV….

Về quy hoạch mạng lưới trạm KTTV, một số ý kiến đại biểu đề nghị làm rõ việc quy hoạch mạng lưới trạm KTTV như về sự kết nối giữa các trạm thuộc mạng lưới trạm KTTV và giám sát BĐKH quốc gia với các trạm thuộc mạng lưới trạm KTTV chuyên dùng. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng mạng lưới trạm KTTV quốc gia với mạng lưới trạm KTTV chuyên dùng chưa rõ ràng về sự phân công, sự thống nhất trong thực hiện; Bộ TN&MT cần có quy hoạch tổng thể để không xảy ra chồng chéo giữa trạm quan trắc môi trường và trạm KTTV.

Có ý cho rằng quy hoạch trạm KTTV phải gắn với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch các trạm KTTV phù hợp với từng vùng đồng thời phải tăng mật độ các trạm và kiến đề nghị bổ sung vào Điều 11 các tiêu chí quy hoạch các trạm KTTV cụ thể để dễ thực hiện như về cơ sở vật chất, thiết bị, con người, mật độ, quy mô; đề nghị bổ sung quy hoạch đất đai vào khoản 1, Điều 12.

Về cảnh báo dự báo KTTV, đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho rằng, nội dung điều này chưa đề cập đến chất lượng bản tin dự báo, cảnh báo. Đại biểu Đỗ Văn Vẻ đề nghị bổ sung quy định đảm bảo chất lượng bản tin cảnh báo, dự báo. “Đây là yêu cầu quan trọng nhất trong công tác phòng chống thiên tai, phục vụ phát triển kinh tế xã hội”.

Hiện nay, trong xã hội có nhiều ý kiến về chất lượng dự báo đặc biệt có trường hợp dự báo sai gây thiệt hại lớn về người và tài sản, vì thế, cần xem xét bổ sung quy định trách nhiệm của dự báo viên khi dự báo sai gây hậu quả nghiêm trọng. Lấy ví dụ về trường hợp dự báo sai cơn bão Chanchu vào năm 2006 gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản, đại biểu đề nghị bổ sung trách nhiệm của dự báo viên đối với các trường hợp phát ra bản tin dự báo sai gây hậu quả nghiêm trọng.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Đặng Đình Luyến (Khánh Hòa) cũng cho rằng, thông tin dự báo, cảnh báo KTTV rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sản xuất, kinh doanh của người dân, đến sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Vì vậy, nếu thông tin không chính xác sẽ gây thiệt hại lớn về cơ sở vật chất, người, công trình và tài sản. Cần quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan tổ chức trong việc truyền phát tin không chính xác gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản của nhân dân.

Về thẩm quyền cấp phép cảnh báo dự báo KTTV, theo đại biểu Đỗ Văn Vẻ, quy định như trong dự thảo Luật chưa có tính khả thi cao, bởi lẽ, KTTV có tính liên kết chặt chẽ trong một khu vực, vì vậy hoạt động dự báo không thể bó hẹp trong phạm vi một tỉnh, thành phố.

Về truyền phát tin cảnh báo dự báo KTTV, đại biểu Đỗ Văn Vẻ nhận xét đây là nội dung hết sức quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng trong công tác phòng chống thiên tai. Trên thực tế nhiều khi bão về người dân không nhận được thông tin để chủ động phòng tránh. Đại biểu phân tích, có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến tình trạng này như mất điện, không có phương tiện thông tin, không theo dõi thường xuyên bản tin dự báo. “Vậy sự phối hợp giữa các cơ quan truyền phát tin thế nào để bản tin dự báo, cảnh báo đến được với người dân đặc biệt là người dân đang trên biển, ven biển, vùng sâu, vùng xa”. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm trách nhiệm của các cơ quan liên quan đến bản tin dự báo, cảnh báo để đến được với người dân kịp thời và chính xác. Theo đại biểu, nếu chỉ quy định cơ quan phòng chống lụt bão quốc gia có trách nhiệm cung cấp dự báo, cảnh báo là chưa đầy đủ vì trong dự thảo luật quy định các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cảnh báo dự báo thì có quyền phát tin.

Đại biểu Phạm Thị Phương (Hà Tĩnh) đồng tình với chủ trương xã hội hóa các hoạt động KTTV. Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn vì trong dự thảo Nhà nước không hạn chế các lĩnh vực mà tổ chức, cá nhân tham gia vào các hoạt dộng KTTV nhưng tại Điều 9 lại quy định “tổ chức, cá nhân chỉ được tham gia vào các hoạt động KTTV chuyên dụng”. Như vậy liệu có hạn chế các lĩnh vực xã hội hóa hay không? – đại biểu Phương đặt câu hỏi. Đại biểu đề xuất, cần làm rõ để có quy định cụ thể trong dự thảo luật về xã hội hóa.

Về tác động vào thời tiết, ý kiến đại biểu cho rằng các nguyên tắc tác động vào thời tiết quy định tại Điều 42 cần rà soát, chỉnh sửa và làm rõ sự “cản trở” quy định tại khoản 2, Điều 42 về phạm vi khu vực tác động như thế nào. Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị bổ sung thêm các trường hợp được tác động vào thời tiết Điều 43, xem xét thêm đến các dạng tác động vào thời tiết khác như làm nóng lên hoặc làm lạnh đi. Các đại biểu cũng đề nghị các trường hợp được tác động vào thời tiết quy định tại Điều 43 cần đánh giá thêm tác động của khí hậu, nguồn nước, thiên tai.

Thúy Hằng

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO