Nam Từ Liêm (Hà Nội): Khi nào xử lý các cơ sở sản xuất không phép “bức tử” môi trường?

Thúy Hằng - Quán Dũng| 25/01/2022 18:05

Nhà xưởng, cơ sở sản xuất, tái chế nhựa, xốp, nhôm kính… xây dựng không phép trong khu dân cư, không giấy phép kinh doanh, không đánh giá tác động môi trường, không cam kết bảo vệ môi trường, không giấy phép phòng cháy chữa cháy, xả thải tự do gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Thực trạng đã diễn nhiều năm nay, nhưng chính quyền quận Nam Từ Liêm đang “bất lực” trước sai phạm.

Sau khi Báo Tài nguyên & Môi trường đăng tải bài viết “Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội: Nhà xưởng, cơ sở sản xuất không phép "bức tử” môi trường”và bài viết “Nam Từ Liêm (Hà Nội): Phường Trung Văn “bất lực” cho cơ sở sản xuất không phép “bức tử” môi trường”.

Dư luận đang dấy lên câu hỏi về trách nhiệm của chính quyền địa phương là UBND phường Trung Văn và các cơ quan chức năng quận Nam Từ Liêm ở đâu khi để cơ sở sản xuất, nhà xưởng vẫn đang hàng ngày hoạt động, tồn tại và tra tấn người dân bằng tiếng ồn, ô nhiễm môi trường. Có hay không việc “bao che”, buông lỏng quản lý, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh này “ngang nhiên” hoạt động trong nhiều năm qua?

255019669_1021334928648450_3999015276565588294_n.jpg
Các cơ sở sản xuất , tái chế nhựa, xốp... gây ô nhiễm môi trường tại phố Đại Linh

Ngày 20/12/2021, UBND quận Nam Từ Liêm có Văn bản số 3446/UBND-TNMT do ông Nguyễn Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm ký gửi Báo Tài nguyên & Môi trường về việc kiểm tra, xử lý đối với cơ sở sản xuất, tái chế nhựa trên địa bàn phường Trung Văn nêu rõ: “UBND quận giao Phòng TN&MT kiểm tra, rà soát, đồng thời có văn bản 3378/UBND-TNMT ngày 13/12/2021 chỉ đạo phường Trung Văn lập hồ sơ xử lý dứt điểm 04 cơ sở sản xuất, tái chế nhựa tại ngõ 1 và hẻm 28/8/41 phố Đại Linh”. Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế của phóng viên và người dân có đơn thư phản ánh các cơ sở sản xuất, tái chế nhựa vẫn “ngang nhiên” vi phạm hơn mà không hề có sự vào cuộc cưỡng chế, xử lý nào của chính quyền sở tại!

271736999_620113289281215_2602292132495556764_n.jpg
Luật sư Phạm Thị Thùy Dương, Công ty Luật TNHH Tuệ Vinh

Trao đổi với phóng viên về vấn đề trên, luật sư Phạm Thị Thùy Dương, Công ty Luật TNHH Tuệ Vinh cho biết: Theo quy định tại Phụ lục 1 Thông tư 06/2021/TT-BXD ngày 30/06/2021 về phân cấp công trình xây dựng theo mức độ quan trọng hoặc quy mô công suất, cơ sở (nhà máy, phân xưởng) sản xuất, các sản phẩm nhựa và cơ sở xử lý chất thải rắn công trình xây dựng thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND cấp tỉnh (giao Sở Xây dựng) hoặc UBND cấp huyện tùy thuộc vào quy mô và công suất sản xuất.

Như vậy, có thể thấy các cơ sở này muốn xây dựng nhà xưởng, cơ sở sản xuất, tái chế nhựa, xốp, sơn PU sắt, nhôm phải được sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, theo phản ánh, các cơ sở này không hề có giấy phép xây dựng mà vẫn ngang nhiên xây dựng giữa khu dân cư, ngang nhiên hoạt động là trái quy định của pháp luật. Đây là hành vi bị nghiêm cấm theo Khoản 2, Điều 12 Luật Xây dựng năm 2014, sửa đổi bổ sung năm 2020.

253268960_2982751235316173_7620440606591434726_n.jpg
Cơ sở sản xuất tái chế nhựa không phép thách thức pháp luật

Về vấn đề các cơ sở này sản xuất và tái chế nhựa, xốp, sơn PU sắt nhôm,.. đều là những chất dễ cháy, nổ có nguy cơ phát tán bụi, mùi khó chịu và có tiếng ồn tác động xấu đến sức khở con người (người dân đã nhiều lần phản ánh với chính quyền địa phương). Theo quy định tại Khoản 2 Điều 52 Luật BVMT năm 2020, các cơ sở này phải có khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư, không thể được xây dựng và hoạt động ngay chính trong một khu dân cư, làm ảnh hưởng đến những người dân sinh sống quanh khu vực đó.

Bên cạnh đó, theo quy định pháp luật tại Luật BVMT 2020, các cơ sở này là đối tượng phải có giấy phép môi trường bởi việc sản xuất, tái chế các sản phẩm nhựa, xốp, sơn… đều gây ảnh hưởng đến môi trường, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Việc hoạt động mà không có giấy phép là hành vi vi phạm pháp luật theo quy định của Điều 39 Luật BVMT năm 2020. Đối tượng phải có giấy phép môi trường : “Dự án đầu tư nhóm I, nhóm II và nhóm III có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý hoặc phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải khi đi vào vận hành chính thức. Dự án đần tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có tiêu chí về môi trường như đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này. Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này thuộc trường hợp dự án đầu tư công khẩn cấp theo quy định của pháp luật về đầu tư công được miễn giấy phép môi trường”.

Với phản ánh từ người dân và việc phân tích về vi phạm của các hành vi được nêu trên, cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương (ở đây là UBND Phường Trung Văn, UBND Quận Nam Từ Liêm) phải có các biện pháp xử lý theo quy định pháp luật để đảm bảo cuộc sống cho người dân.

Tuy nhiên, mặc dù được phản ánh trong một khoảng thời gian dài nhưng 2 cơ quan này vẫn không có động thái tích cực, để mặc các hành vi vi phạm xảy ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân xung quanh khu vực xảy ra vi phạm. Việc buông lỏng quản lý, không xử phạt này đã vi phạm quy định tại Điều 11 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP quy định về các hành vi trong thi hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính: Không xử phạt vi phạm hành chính; không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc không áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người vi phạm theo quy định pháp luật. "Người đứng đầu UBND phường Trung Văn và UBND quận Nam Từ Liêm có thể xử lý kỷ luật từ cảnh cáo trở lên, phụ thuộc vào hậu quả mà hành vi này gây ra" - Luật sư Phạm Thị Thùy Dương cho biết.

Đề nghị UBND TP Hà Nội và các cơ quan chức năng sớm vào cuộc xử lý, giải quyết dứt điểm tình trạng nhà xưởng sản xuất, tái chế xốp, nhựa ngay giữa khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt của người dân và làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể tiếp tay cho các đơn vị hoạt động vi phạm pháp luật.

Báo Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nam Từ Liêm (Hà Nội): Khi nào xử lý các cơ sở sản xuất không phép “bức tử” môi trường?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO