Xã hội

Nam Trà My (Quảng Nam): An cư tạo động lực cho đồng bào lạc nghiệp

Lan Anh (thực hiện) 11/10/2023 - 16:32

Là một trong địa phương thường xuyên bị thiệt hại nặng bởi thiên tai, mưa bão, sạt lở đất, chính quyền huyện Nam Trà My đã dành nhiều nguồn lực sắp xếp tái định cư, hỗ trợ sinh kế bền vững, giữ rừng để giúp đồng bào dân tộc thiểu số an tâm sinh sống nơi ở mới, từng bước thoát nghèo bền vững. Tuy vẫn còn không ít khó khăn, nhưng cuộc sống của đồng bào ở các khu tái định cư đã ổn định, công cuộc tái thiết đã bắt đầu.

Phóng viên Báo TN&MT có cuộc trao đổi với ông Trần Duy Dũng – Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My xung quanh vấn đề tạo sinh kế bền vững cho người dân vùng tái định cư của địa phương.

h1.jpg
Ông Trần Duy Dũng – Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My

PV: Những năm qua, thiên tai đã gây thiệt hại như thế nào đến kinh tế - xã hội của địa phương thưa ông?

Ông Trần Duy Dũng: Trong những năm qua tình trạng “bão chồng bão”, “lũ chồng lũ” liên tiếp kéo dài trong các tháng cuối năm đã gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhân dân. Nhiều tuyến đường huyết mạch như Quốc lộ 40B, tuyến đường liên xã, liên thôn bị sạt lở với khối lượng đất đá rất lớn, nhiều ngôi nhà bị hư hỏng mất an toàn sử dụng.

Đặc biệt là trong năm 2020, huyện Nam Trà My chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề của 02 cơn bão số 9,10 gây mưa to, sạt lở đất, lở núi, lũ quét tại các xã Trà Leng, Trà Vân và Trà Mai, Trà Dơn, làm chết 19 người, 13 người mất tích và 32 người bị thương. Tài sản của người dân và công trình công cộng bị trôi và hư hại rất lớn.

h2.jpg
Huyện Nam Trà My tích cực sắp xếp dân cư, ổn định chỗ ở và hỗ trợ phát triển kinh tế cho người dân vùng thiên tai

PV: Trước thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra thời gian qua, chính quyền đã có những giải pháp gì để ổn định cuộc sống của người dân?

Ông Trần Duy Dũng: Trên cơ sở Nghị quyết 12/2017/NQ-HĐND ngày 19/4/2017, Nghị quyết 31/2018/NQ-HĐND ngày 28/9/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh; Nghị quyết số 23/2021/NQ-HĐND ngày 22/7/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam về quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ sắp xếp, ổn định dân cư miền núi Quảng Nam, giai đoạn 2021 – 2025, địa phương đã sắp xếp, ổn định về nơi an toàn cho khoảng 2.904 hộ với 62 khu dân cư để phòng tránh thiên tai; từng bước thay đổi diện mạo làng, bản theo hướng khang trang, người dân có cuộc sống tại nơi ở mới tốt hơn, có điều kiện để ổn định sinh kế.

Ngoài việc sắp xếp, ổn định dân cư theo các cơ chế, chính sách của tỉnh, trong giai đoạn 2017 – 2021, trên địa bàn huyện Nam Trà My đã kịp thời quy hoạch, xây dựng khẩn cấp 2 khu tái định cư tại 2 xã Trà Leng và Trà Vân, với tổng diện tích 2,4 ha; ổn định đời sống sinh hoạt cho 65 hộ dân địa phương; Diện tích đất đảm bảo từ 150-300m2/hộ; tạo khuôn viên, vườn nhà, cổng ngõ, tiêu chuẩn nhà đảm bảo đạt tiêu chí 3 cứng với tổng kinh phí đầu tư là hơn mười sáu tỷ đồng.

Công tác sắp xếp, ổn định dân cư được thực hiện theo cơ chế hỗ trợ của tỉnh, nhất là các khu dân cư nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở. Chính quyền và người dân đã nhận thức được rằng sắp xếp lại dân cư không những góp phần ổn định và nâng cao đời sống của chính người dân mà còn giúp phòng chống và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

h3.jpg
Người dân ở KDC Bằng La, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, Quảng Nam trồng cây vừa để giữ đất, giữ rừng và góp phần cải thiện đời sống.

PV: Sau chuyện an cư thì phải tính đến bài toán “lạc nghiệp”. Địa phương đã có những hỗ trợ sinh kế như thế nào để giúp người dân vùng tái định cư an tâm sinh sống, vươn lên thoát nghèo thưa ông?

Ông Trần Duy Dũng: Đi cùng với nỗ lực ổn định chỗ ở, tạo sinh kế thích hợp và bền vững, phù hợp với điều kiện, tập quán canh tác của từng vùng được tỉnh Quảng Nam và huyện Nam Trà My đặt lên hàng đầu để từng bước giúp đồng bào khôi phục sản xuất.

Để nâng cao hiệu quả giảm nghèo cho đồng bào miền núi, nhất là đồng bào vùng tái định cư địa phương đẩy mạnh công tác bảo vệ rừng hiện có, tăng cường công tác trồng rừng, phát triển sinh kế dưới tán rừng, nhất là phát triển cây dược liệu dưới tán rừng. Điều này không những được kỳ vọng sẽ tạo được sinh kế bền vững và ổn định lâu dài cho đồng bào mà khắc phục tình trạng trồng cây nguyên liệu ngắn ngày, phá rừng làm rẫy, gây xói mòn đất, dễ bị sạt lở đất, gây ra thảm họa trong mùa mưa. Từ đó, bà con sống được với rừng, dựa vào rừng để phát triển kinh tế; đồng thời, giúp đồng bào nhận thức đầy đủ về môi trường rừng, biết bảo vệ rừng để bảo vệ sinh kế bền vững.

Như ở Khu tái định cư Bằng La hiện là nơi sinh sống của 39 hộ dân sau thảm họa sạt lở Trà Leng. Tại nơi ở mới, bà con đã được hỗ trợ về cây trồng, con vật nuôi; khôi phục lại diện tích nương rẫy bị bồi lấp để trồng lúa, còn diện tích đất nào không thể khôi phục được thì chuyển đổi qua cây trồng khác. Ngoài cây quế người dân còn trồng cây keo, cây chuối, làm nương rẫy trồng lúa, sắn và nhiều loại cây trồng khác. Nhiều người còn mong muốn vay được vốn để trồng cây sâm Ngọc Linh.

h4.jpg
Nam Trà My xác định hướng phát triển sinh kế dưới tán rừng là cây sâm Ngọc Linh và cây quế Trà My

Địa phương xác định hướng phát triển kinh tế chính vẫn là phát triển các loại cây dược liệu dưới tán rừng, đặc biệt là cây sâm Ngọc Linh, cây quế Trà My. Để giảm nghèo bền vững địa phương cũng lồng ghép triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia gồm xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị quyết 88 của Quốc hội.

Ngoài ra, Nam Trà My còn tiếp tục quan tâm các giải pháp thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững, mà nhiệm vụ trọng tâm là phòng trào “3 cán bộ công chức giúp 1 hộ nghèo”. Duy trì tổ chức tốt các phiên chợ sâm Ngọc Linh và hàng nông sản đặc trưng miền núi hằng tháng.

Các chính sách hỗ trợ, mô hình kinh tế phù hợp; qua đó góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo của huyện. Năm 2022, huyện Nam Trà My còn 3.609 hộ nghèo hộ nghèo (44,69%).

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nam Trà My (Quảng Nam): An cư tạo động lực cho đồng bào lạc nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO