UBND huyện Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên – Huế) cho biết, đã lên kế hoạch sơ tán người dân trên địa bàn khi có sạt lở đất, lũ quét xảy ra.
Trong đó, thôn Lập (xã Thượng Nhật) là nơi sinh sống của 78 hộ đồng bào dân tộc Cơ Tu, với khoảng 370 nhân khẩu. Lâu nay, thôn này nằm cạnh sông Tả Trạch, do mưa lũ những năm gần đây nặng nề nên sông ngày càng sạt lở, ăn sâu vào bờ từ 10 - 15 m, tiến sát đến mép nhà dân.
Đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn Lập sống thấp thỏm. |
Còn tại thị trấn Khe Tre, sau lưng nhà của 13 hộ/55 khẩu sinh sống trên tuyến Tỉnh lộ 14B là một vùng đồi núi có nguy cơ sạt lở đất đá.
Nhiều vùng xung yếu trên địa bàn huyện Nam Đông cũng đối mặt với tình trạng sạt lở, tập trung ở các xã Hương Sơn, Thượng Lộ, Thượng Quảng, Hương Lộc... Qua thống kê, huyện có hơn 10 vị trí có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét khi mưa lớn kéo dài, ảnh hưởng 3.500 nhân khẩu.
Theo UBND huyện Nam Đông, thời gian tới sẽ có kế hoạch thuê các đơn vị tư vấn để khảo sát, đánh giá tình hình địa chất tại các vùng xung yếu, có nguy cơ sạt lở trên địa bàn. Sau khi có kết quả sẽ lập sơ đồ để xây dựng kế hoạch di dời, tái định cư về lâu dài, đảm bảo phù hợp. Khi hoàn tất khảo sát và đánh giá, UBND huyện sẽ tiến hành khoanh vùng những vùng đặc biệt nguy hiểm để ưu tiên di dời trước, những nơi khác có ít nguy cơ hơn sẽ được đánh dấu để thực hiện di tản mỗi khi có mưa lớn, bão lụt...
Nguy cơ sạt lở ở nhiều nơi tại miền núi Nam Đông. |
Vừa qua, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng đã đến thị sát hiện trường có nguy cơ sạt lở làm ảnh hưởng đến các hộ dân ở huyện miền núi Nam Đông. Qua đó, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị trước mắt chính quyền địa phương lên phương án, chủ động huy động lực lượng di dời các hộ dân đến nơi an toàn mỗi khi mưa bão. Đồng thời tỉnh sẽ có kiến nghị với các Bộ, ngành liên quan để có giải pháp hỗ trợ tối ưu nhất cho người dân trong thời gian tới.