Nam Định: Vẫn còn bất cập trong hỗ trợ, bồi thường tại Dự án xây dựng KĐT thị trấn Cổ Lễ?

13/12/2018 23:23

(TN&MT) - Hàng chục người dân ở thị trấn Cổ Lễ (huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) không đồng tình với phương án tính giá hỗ trợ, bồi thường của huyện Trực Ninh trong việc thu hồi đất nông nghiệp để xây dựng KĐT thị trấn Cổ Lễ.

Trăn trở bài toán sinh kế?

Vừa qua, báo TN&MT nhận được đơn kiến nghị tập thể của 7 hộ gia đình với gần 30 nhân khẩu sống ở thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định liên quan tới công tác hỗ trợ, bồi thường khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của các hộ dân để xây dựng KĐT thị trấn Cổ Lễ. Theo người dân nơi đây, công sức, tiền bạc mà họ đầu tư vào khu đất đã không được Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư huyện Trực Ninh xem xét thấu đáo và chỉ hỗ trợ, bồi thường với mức rất thấp.

dat dai nam dinh 1
Ông Nguyễn Văn Đồng cho rằng mức hỗ trợ cho gia đình ông quá thấp

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Đồng - một hộ dân bị thu hồi gần 2000 m2 đất cho biết: “Trước đây cả khu vực cánh đồng Ao Tây ở thị trấn Cổ Lễ là vùng trũng thấp nên trồng lúa kém hiệu quả. Vì thế, năm 2001, được huyện đồng ý chủ trương cho dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi tại khu đất trên, những hộ dân chúng tôi đã tự thỏa thuận mua bán, dồn điền đổi thửa để làm trang trại theo mô hình vườn - ao - chuồng. Suốt gần 20 năm qua, chúng tôi đã bỏ rất nhiều công sức, tiền bạc để cải tạo, khai hoang khu vực này trở thành khu trang trại như hiện nay. Tất cả tài sản, cơ nghiệp của chúng tôi đều dồn cả vào đó. Tuy nhiên năm 2017, chúng tôi nhận được thông báo phải di dời, trả lại mặt bằng cho nhà nước làm khu đô thị. Tuy nhiên mức giá bồi thường quá thấp, chưa đầy đủ khiến cho biết bao người lâm vào cảnh trắng tay, thất nghiệp. Tôi năm nay 60 tuổi, giờ mất hết ruộng, đi làm thuê thì không ai mướn, thử hỏi thời gian tới tôi phải sống như thế nào?”.

Chị Phan Thị Thúy Nga, một hộ dân bị thu hồi hơn 2100 m2 đất nông nghiệp bức xúc nói: “Họ hỗ trợ chúng tôi với mức giá 50.000 đồng/1 m2 đất nông nghiệp. Cộng thêm cả hỗ trợ phí tìm việc, phí ăn ở… rồi cộng dồn lại được khoảng 300 triệu đồng. Với diện tích trang trại trên, một năm hộ chúng tôi cũng thu được khoảng 100 triệu đồng. Nhưng nay chính quyền đền bù như vậy thì sắp tới, dân sống thế nào? Đó là chưa kể, công sức, tiền bạc chúng tôi bỏ ra để đầu tư vào khu trang trại không được Hội đồng bồi thường xem xét kỹ, hỗ trợ, bồi thường với giá quá rẻ mạt. Nhiều khoản chi phí như: đào ao, đắp đường, tôn tạo đường… không được Hồi đồng bồi thường xem xét bồi thường. Quá quắt hơn, nhà tôi dù chưa nhận đủ tiền bồi thường nhưng chính quyền thị trấn Cỗ Lễ đã cho người phá đường, phá điện, nước… để tạo sức ép buộc gia đình tôi phải chuyển đi”.

dat dai nam dinh 3
Gia đình chị Phan Thị Thúy Nga bị phá đường nước, phá điện để buộc phải chuyển đi nơi khác?

Trong khi đó, chị Trịnh Thị Quê, một hộ dân bị thu hồi đất khác có ý kiến: “Mặc dù dự án xây dựng KĐT mới bắt đầu triển khai nhưng chúng tôi biết, giá đất nền đang được giao bán từ 5 - 10 triệu đồng/ 1m2. Họ hỗ trợ cho dân 50.000 đồng/1m2 đất để sau đó bán từ 5 - 10 triệu đồng/1 m2 trong khi chúng tôi trở nên thất nghiệp, không có nguồn thu nhập. Chúng tôi giờ cầm trong tay vài đồng tiền hỗ trợ, bồi thường nhưng không biết làm gì để sinh tồn?”.

Hiểu nhưng không biết làm thế nào

Để làm rõ những thông tin nêu trên, PV báo TN&MT đã có buổi làm việc với ông Dương Văn Hữu, chủ tịch UBND thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Tại buổi làm việc, ông Hữu cho biết rất hiểu những khó khăn, vất vả và nỗi lòng của các hộ dân nhưng không biết làm thế nào vì quy định của pháp luật là như vậy.

“Hiện nay, quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp đều rất rõ ràng và Hội đồng bồi thường căn cứ vào đó để thực hiện chứ không thể tùy tiện được. Hiện nay người dân có hai mong muốn là tăng tiền hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp và được bố trí một suất đất tái định cư tại dự án. Tuy nhiên, Luật Đất đai quy định, nhà nước hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp thu hồi đất ở của hộ gia đình, cá nhân. Trong khi đất thu hồi của bà con là đất nông nghiệp nên không thể bố trí tái định cư được. Riêng việc phí hỗ trợ bà con di chuyển cây trồng, vật nuôi… chúng tôi cũng đã cố gắng áp dụng ở mức cao nhất theo quy định. Tuy nhiên, một số bà con vẫn chưa đồng thuận với phương án bồi thường đó” - ông Hữu chia sẻ.
 

dat dai nam dinh 2
Dự án xây dựng KĐT thị trấn Cổ Lễ bắt đầu được triển khai xây dựng

Cũng theo chủ tịch thị trấn Cổ Lễ thì trong số những hộ dân có đất nông nghiệp bị thu hồi, có hộ bị thu hồi toàn bộ, có hộ bị thu hồi một phần, đồng thời cho biết: “Tôi rất hiểu những khó khăn của bà con khi bị thu hồi hết ruộng canh tác nhưng quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư rất rõ ràng nên chúng tôi không thể làm khác được. Hội đồng bồi thường cũng cố gắng áp dụng ở mức cao nhất khi tính phí hỗ trợ người dân tìm việc làm và ăn ở khi bị thu hồi đất”.

Riêng việc một số hộ dân chưa nhận đủ tiền hỗ trợ nhưng chính quyền thị trấn Cổ Lễ đã cho người phá điện, phá đường nước để ép dân di chuyển đi nơi khác, ông Dương Văn Hữu không trả lời trực tiếp mà chỉ nói chung chung: “Một số hộ chưa nhận đủ tiền bồi thường là do có tranh chấp đất đai với những hộ khác. Đối với trường hợp này, chúng tôi đã hướng dẫn họ gửi đơn ra tòa giải quyết. Khi nào tòa có quyết định thì chúng tôi sẽ dựa vào đó để chi trả nốt tiền hỗ trợ”.

Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nam Định: Vẫn còn bất cập trong hỗ trợ, bồi thường tại Dự án xây dựng KĐT thị trấn Cổ Lễ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO