Nam Định: UBND xã Phúc Thắng có dấu hiệu thu tiền của người dân trái quy định, bỏ ngoài sổ sách

Việt Linh| 10/09/2020 08:08

(TN&MT) - Thời gian qua, UBND xã Phúc Thắng, huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) đã buông lỏng quản lý, để 17 hộ dân xây dựng nhà trái phép trên đất rừng phòng hộ. Thay vì đình chỉ, tháo dỡ ngay khi phát hiện vi phạm, UBND xã Phúc Thắng lại tự sinh ra tiền “phí an ninh trật tự và đảm bảo môi trường”, yêu cầu các hộ phải nộp hàng tháng. Hiện số tiền trên chưa được nộp vào ngân sách địa phương do cán bộ “bận” đi tập huấn.

Theo tìm hiểu của PV Báo Tài nguyên và Môi trường, thời gian qua tại khu du lịch sinh thái Rạng Đông “bỗng nhiên” mọc lên hàng loạt các nhà hàng, cửa hàng buôn bán được xây dựng kiên cố ngay tại khu vực rừng phòng hộ thuộc xã Phúc Thắng, huyện Nghĩa Hưng.

Nhà hàng được xây dựng kiên cố tại rừng phòng hộ trong khu du lịch sinh thái Rạng Đông.

Một số chủ quán tại đây cho biết, họ ý thức được việc xây dựng hàng, quán tại khu vực rừng phòng hộ là trái với quy định. Tuy nhiên, vì kế sinh nhai và một phần được chính quyền địa phương tạo điều kiện để làm ăn buôn bán.

“Hiện tại khu vực này chưa được phép xây dựng để bán hàng quán, xã chỉ cho sử dụng mặt bằng phía trong bờ kè để buôn bán. Vì là chưa có chủ trương đấu thầu hay cho thuê nên xã yêu cầu chúng tôi nộp tiền phí đảm bảo an ninh trật tự và phí đảm bảo vệ sinh môi trường. Mỗi năm chúng tôi phải nộp khoảng 10 triệu, hiện gia đình tôi vừa nộp tiền 4 tháng với giá trị gần 5 triệu đồng”, một người dân cho biết.

Nhiều quán bán hàng đua nhau mọc lên trên đất rừng phòng hộ.

Cũng theo người dân tại đây, vừa qua họ có lên UBND xã Phúc Thắng để nộp tiền. Tuy nhiên, chỉ vừa nộp tiền được khoảng 1 tháng, đến ngày 9/9, đại diện chính quyền địa phương lại tới yêu cầu họ thu dọn và tháo dỡ hàng quán.

“Hôm trước chúng tôi đã lên nộp tiền cho UBND xã Phúc Thắng, xã có nói là cho xây dựng mặt tiền 3m và chiều sâu 6m. Thế nhưng không hiểu vì sao hôm nay lại có mấy ông khác xuống đây yêu cầu kí biên bản, tháo dỡ và chuyển đi”, người dân thông tin.

Trụ sở của một công ty trước đó cũng được xây dựng kiên cố phía trong rừng phòng hộ.

Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với PV Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Trần Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Phúc Thắng thừa nhận việc xã đã thu tiền của 17 hộ dân tại khu vực bờ kè khu du lịch sinh thái Rạng Đông.

Ông Quân cho biết: “Hiện tại tỉnh Nam Định chưa có cơ chế cho đấu thầu hay cho thuê tại khu vực khu du lịch sinh thái Rạng Đông. Tuy nhiên, thời gian qua, khách du lịch về đây rất đông nên phát sinh quán xá mọc lên gây mất an ninh, trật tự, ảnh hưởng tới giao thông qua lại. Vì lý do đó nên địa phương cũng muốn sắp xếp lại trật tự ở khu vực khu du lịch sinh thái nên đã thu của người dân 300 nghìn đồng/tháng/10m bờ kè. UBND xã giao bộ phận Công an và tài chính tiến hành việc thu tiền”, ông Quân nói.

Mặc dù đã thu phí bảo vệ môi trường của người dân nhưng rác tại bãi biển vẫn không được thu dọn.

Cũng theo ông Quân, việc thu tiền của 17 hộ dân tại khu vực bờ kè là do Ban thường vụ của xã tổ chức họp bàn, thống nhất thu tiền và mức tiền người dân phải nộp.

Chủ tịch UBND xã Phúc Thắng khẳng định việc thu tiền của người dân đã được tiến hành và đã có phiếu thu. Tuy nhiên, khi được yêu cầu cung cấp phiếu thu tiền và quyết định được phép thu tiền của 17 hộ dân tại xã Phúc Thắng thì ông Quân cho biết Ban thường vụ xã mới chỉ họp chứ chưa ban hành quyết định. Đồng thời ông Quân cũng không thể cung cấp được phiếu thu với lý do Trưởng Công an xã đang giữ và hiện đang đi vắng.

Phía trong rừng phòng hộ cũng tràn ngập rác thải.

Khi được hỏi số tiền thu của 17 hộ dân sẽ được sử dụng như thế nào? Ông Quân cho biết, số tiền thu được sẽ nhập vào ngân sách sau đó phân bổ lại cho mảng an ninh để đảm bảo trật tự. Tuy nhiên, khi được yêu cầu cung cấp số liệu thì ông Quân cũng không trả lời được với lý do “mấy hôm nay đồng chí Trưởng Công an xã đi tập huấn nên bận chưa nhập được tiền vào ngân sách”.

Như vậy, việc buông lỏng quản lý của UBND xã Phúc Thắng để 17 hộ dân xây dựng nhà cửa kiên cố trên đất rừng phòng hộ có thể dẫn tới việc ảnh hưởng tới chức năng, nhiệm vụ và sự phát triển của rừng. Từ đó rừng không phát huy được hết tác dụng có thể sẽ diễn ra hiện tượng sâm thực đe doạ tới an toàn của đê biển. Khi đê biển bị đe doạ an toàn có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho hàng nghìn hộ dân phía bên trong đê.

Bên cạnh đó, việc tự sinh ra loại tiền “phí an ninh trật tự và phí đảm bảo môi trường” và thu của người dân khi chưa có quyết định cho phép thu; số tiền thu được nhưng không nộp vào ngân sách nhà nước có thể dẫn đến việc trục lợi, tư túi, lợi ích nhóm gây hao hụt ngân sách và gây mất niềm tin trong nhân dân.

Trước sự việc trên, đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Nam Định cần khẩn trương vào cuộc kiểm tra, xử lý nếu có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nam Định: UBND xã Phúc Thắng có dấu hiệu thu tiền của người dân trái quy định, bỏ ngoài sổ sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO