Xã hội

Nam Định: Nông dân huyện Hải Hậu thi đua sản xuất giỏi, vươn lên làm giàu

Thuỵ Khanh 26/10/2023 - 15:56

(TN&MT) - Những năm qua, Hội Nông dân (HND) huyện Hải Hậu – Nam Định đã thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, chủ động khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Trong đó, có thể kể đến nhiều gương mặt điển hình trong công tác “Nông dân thi đua sản xuất giỏi” tại huyện.

Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được các cấp Hội trong huyện Hải Hậu triển khai thực hiện có hiệu quả, với tỷ lệ bình quân hàng năm có từ 25.000 – 27.000 hộ nông dân đạt hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, thông qua việc vận động nông dân tích tụ ruộng đất, thực hiện vùng quy hoạch, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, tham gia phát triển làng nghề, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, mùa vụ, nuôi trồng thuỷ sản và tập trung sản xuất các vùng chuyên canh, ứng dụng cơ giới hóa, góp phần làm giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích,…

nn.jpeg
Nông dân huyện Hải Hậu - Nam Định thực hiện xây dựng cánh đồng mẫu lớn, tích tụ ruộng đất

Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất giỏi” có gương điển hình như ông Đoàn Ngọc Sơn (hội viên chi hội xóm 10, xã Hải An) là một trong 7 nông dân tiêu biểu của tỉnh được tham dự Hội nghị “Biểu dương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ VI” (giai đoạn 2017-2022) với mô hình phát triển trồng lúa trên 2 khu sản xuất tập trung.

Vào năm 2013, khi xã Hải An tổ chức dồn điền đổi thửa và quy hoạch được vùng diện tích 11 mẫu, ông Đoàn Ngọc Sơn đã xin thuê để sản xuất lúa lai F1. Sau đó, ông đầu tư nạo vét kênh mương, đắp bờ vùng, bờ bao, xây cống tưới tiêu nước, mua máy móc thiết bị để phục vụ sản xuất và bước đầu ghi nhận hiệu quả kinh tế từ mô hình này. Từ đó, ông Sơn mở rộng diện tích, thuê lại diện tích đất ổn định 2 lúa của một số hộ nông dân để đầu tư máy móc lớn như máy gặt, máy kéo, máy cấy,…đổi ruộng, dồn thành vùng sản xuất lớn để dễ canh tác, quản lý, mang lại lợi nhuận và đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.

Đến nay, gia đình ông đã dồn được 2 khu sản xuất tập trung: Vùng sản xuất giống lúa lai F1 với diện tích 7,5ha và vùng sản xuất giống lúa thuần với diện tích 5ha. Hàng năm, lợi nhuận thu về đạt khoảng 1,5 tỷ đồng, điều này đã giúp tạo việc làm ổn định cho 20 lao động tại xã với thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh đó, ông Sơn tiếp tục phát triển và nhân rộng mô hình sản xuất thông qua việc thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật với các hộ sản xuất giống và liên kết thêm với một số công ty để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm được chất lượng hơn.

Trong phong trào không thể không kể đến ông Nguyễn Văn Công (xã Hải Xuân) đã phát triển thành công mô hình trang trại vườn, ao, chuồng (VAC), kết hợp chăn nuôi với trồng trọt. Trong đó có 4 trại chăn nuôi lợn, gà, vịt đẻ trứng công nghệ cao, diện tích 5.000m2; gần 6.000m2 thả cá diêu hồng và 8.000m2 trồng cây ăn quả lâu năm.

Hiện nay, trang trại có khoảng 50.000 con gà đẻ, 5.000 con vịt đẻ và 200 - 300 con lợn giống; 3 sản phẩm đạt OCOP gồm trứng gà quê, trứng vịt quê, trứng gà cao cấp và mỗi năm cung ứng ra thị trường trên 10 triệu quả trứng gà, vịt sạch. Từ năm 2016, ông thành lập Công ty TNHH Công Phượng mang lại lợi nhuận từ 2-3 tỷ đồng/năm; tạo việc làm cho 15 lao động với thu nhập bình quân 5-7 triệu đồng/người/tháng. Năm 2019, ông Công được công nhận là một trong 63 đại biểu nông dân đại diện cho 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đạt danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”.

snapedit_1697453559054.jpg
Ông Nguyễn Văn Thành (xã Hải Chính) với mô hình trồng và chế biến các sản phẩm từ nấm, đạt danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2023

Ngoài ra, HND huyện Hải Hậu còn ghi nhận rất nhiều điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi khác như: Ông Nguyễn Văn Thành, hội viên nông dân xã Hải Chính với mô hình trồng và chế biến các sản phẩm từ nấm, đạt danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2023; ông Nguyễn Văn Luật, hội viên nông dân xã Hải Đông với mô hình VAC tổng hợp, kết hợp trồng cây cảnh, cây đinh lăng với chăn nuôi gia súc gia cầm, nuôi trồng thuỷ sản. Ông Phan Văn Khấn, hội viên nông dân xã Hải Phúc nuôi tôm thẻ chân trắng. Ông Đinh Văn Thuận, hội viên nông dân xã Hải Đông với mô hình nuôi chim yến kết hợp mô hình VAC và trồng cây dược liệu. Ông Lâm Văn Giang, Công ty TNHH Nước mắm Lâm Bão được tôn vinh “Nhà khoa học của nhà nông” lần thứ tư năm 2022....

Từ các gương điển hình trên, để khuyến khích hội viên thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, HND huyện đã phát triển kế hoạch tập trung chỉ đạo, tuyên truyền, vận động phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt chỉ đạo HND các xã, thị trấn thành lập các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác giai đoạn từ năm 2018 - 2023. 5 năm qua, HND huyện đã phối hợp tổ chức 506 lớp tập huấn về phát triển kinh tế tập thể trong xây dựng nông thôn mới cho 42.928 người; 25 lớp tập huấn về liên kết chuỗi giá trị và xây dựng mô hình chuỗi giá trị nông sản an toàn cho 1.126 cán bộ, hội viên,…

Bên cạnh đó, các cấp Hội đã tích cực hỗ trợ hội viên nông dân tiếp cận, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Hàng năm, các cấp Hội chủ động phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện, các phòng, ban, công ty, doanh nghiệp tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên nông dân trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, phát triển ngành nghề.

Nhằm hỗ trợ nông dân trong quảng bá tiêu thụ sản phẩm, các cấp HND trong huyện đã thành lập và ra mắt cửa hàng nông sản an toàn tại xã Hải Thanh, bán các sản phẩm nông sản của HTX và các sản phẩm OCOP của các địa phương trong toàn huyện; phối hợp thành lập 5 cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP.

Các cấp Hội còn tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên và các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đưa các sản phẩm tham dự các chương trình dự án khởi nghiệp, hội chợ nhằm quảng bá giới thiệu sản phẩm và đăng ký sản phẩm OCOP hàng năm. Toàn huyện hiện đã có 84 sản phẩm được UBND tỉnh xếp hạng 3 - 4 sao, trong đó có 11 sản phẩm đạt OCOP 4 sao.

Thông qua các mô hình kinh tế tập thể, gắn kết nông dân cùng nhau phát triển sản xuất, tạo ra vùng sản xuất tập trung, nâng cao giá trị hàng hóa mà HND huyện Hải Hậu đã thực hiện, đã giúp cho đời sống vật chất, tinh thần của nông dân huyện không ngừng được cải thiện. Góp phần vào công cuộc giảm hộ nghèo, ổn định được tình hình phát triển kinh tế - xã hội của toàn huyện Hải Hậu cũng như toàn tỉnh Nam Định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nam Định: Nông dân huyện Hải Hậu thi đua sản xuất giỏi, vươn lên làm giàu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO