Môi trường

Nam Định nỗ lực quản lý và xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Đặng Văn Sỹ, Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Nam Định 16/11/2023 - 20:20

(TN&MT) - Những năm qua, trên địa bàn tỉnh Nam Định, cùng với sự phát triển kinh tế, sự gia tăng về mức sống đã làm gia tăng chất thải rắn phát sinh cả về số lượng và thành phần tính chất, đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt. Do vậy, công tác quản lý và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Nam Định đã và đang được các cấp, các ngành nỗ lực tập trung triển khai thực hiện.

Triển khai hiệu quả mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn

Từ năm 2007, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, tỉnh Nam Định đã nỗ lực tập trung triển khai công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường nói chung và công tác quản lý chất thải rắn nói riêng. Tỉnh đã quan tâm và đầu tư kinh phí trên 1% tổng chi ngân sách của tỉnh cho công tác bảo vệ môi trường, giúp phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, cải thiện, tăng cường hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt nâng cao năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt, góp phần hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Các mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn đang áp dụng thực hiện tại các địa phương gồm: Mô hình "Phân loại chất thải rắn tại nguồn và xử lý rác hữu cơ làm phân bón tại hộ gia đình" tại xã Hải Lý (huyện Hải Hậu); Mô hình "Hố rác hữu cơ di động" tại xã Thọ Nghiệp (huyện Xuân Trường), xã Nam Cường (huyện Nam Trực), xã Yên Cường (huyện Ý Yên); Mô hình "Phân loại rác thải tại hộ gia đình bằng thùng rác 2 ngăn" tại xã Nghĩa Minh (huyện Nghĩa Hưng).

z4882948413633_38c8a92c92fff6ca6705b731dfc10e80(1).jpg
Các cấp, các ngành tỉnh Nam Định nỗ lực tập trung triển khai thực hiện công tác quản lý và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn

Đến nay toàn tỉnh có 195/226 xã, phường, thị trấn đã triển khai thực hiện các mô hình phân loại rác thải tại nguồn và xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình. Các địa phương triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đã thực hiện thí điểm tại các hộ gia đình cán bộ nòng cốt như: Bí thư, xóm trưởng, Chi hội Trưởng các Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh... và một số hộ dân. Sau khi đánh giá hiệu quả và nhận thức được lợi ích của việc triển khai phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn mang lại, các mô hình nhận được sự ủng hộ, đồng thuận tham gia từ cộng đồng người dân và đang được nhân rộng trên địa bàn toàn thôn, xóm, tổ dân phố của các xã, thị trấn.

Tại những địa phương triển khai mô hình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình (hố rác hữu cơ di động) đã giảm thiểu được khoảng 30 - 40% lượng rác phải đem đi xử lý tại khu xử lý rác thải tập trung. Hiện nay, tại tỉnh Nam Định, chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp chôn lấp hoặc đốt. Việc giảm thiểu rác hữu cơ tại nguồn đã góp phần giảm áp lực xử lý cũng như giảm thiểu mùi phát sinh tại khu xử lý rác thải quy mô cấp xã hiện có (các bãi chôn lấp và lò đốt rác). Đặc biệt, việc xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn đã làm tăng tuổi thọ của các khu xử lý rác thải trong giai đoạn hiện nay, khi khối lượng rác thải phát sinh ngày càng nhiều mà địa phương chưa thể đầu tư ngay các khu xử lý rác thải quy mô vùng, liên xã, huyện.

Đến nay, hoạt động thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt khu vực nông thôn đã từng bước đi vào nền nếp và đạt được những kết quả nhất định. Hầu hết rác thải đã được thu gom, vận chuyển và xử lý tại các khu xử lý tập trung của các địa phương. Năm 2022, tỷ lệ rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn được thu gom, xử lý đạt 89,5%; tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt thành phố Nam Định đạt khoảng 95%. Công tác thu gom, xử lý rác thải có nhiều chuyển biến tích cực, xã hội hóa trong công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt được khuyến khích; trên địa bàn tỉnh có nhiều doanh nghiệp tham gia công tác thu gom xử lý rác thải và vận hành có hiệu quả.

Gỡ vướng quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Nam Định còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: Phần lớn, các khu xử lý đã sắp lấp đầy hoặc quá tải; giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải còn thấp, chỉ đủ chi trả một phần cho công tác thu gom, vận chuyển; các quy định về quản lý chất thải rắn còn thiếu, chồng chéo, chưa phù hợp với tình hình thực tế; ý thức của một bộ phận người dân chưa cao, còn tình trạng xả rác thải ra môi trường. Chưa đồng bộ công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Cán bộ làm công tác môi trường tại các xã, thị trấn chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa có cán bộ chuyên trách và đào tạo bài bản về chuyên môn. Một số địa phương chưa có sự phân công rõ ràng về trách nhiệm quản lý đối với từng lĩnh vực cụ thể trong bảo vệ môi trường cho cán bộ công chức nên xử lý công việc còn lúng túng, vướng mắc.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn, đối với cấp chính quyền, địa phương, cần có sự chung tay, vào cuộc của toàn thể hệ thống chính trị cho công tác quản lý chất thải rắn; bố trí kinh phí để thực hiện duy trì và nhân rộng phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn; chỉ đạo và điều hành của cấp ủy các cấp để triển khai đồng bộ, có hiệu quả mô hình phân loại rác thải tại nguồn; giao các tổ chức chính trị, đoàn thể đặc biệt là Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chủ trì triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trong toàn tỉnh.

z4882938612454_aebc646134a67fde308cd18d9e5c2f30-1-.jpg
Xử lý rác thải hữu cơ bằng hố ủ hữu cơ tại hộ gia đình (xã Thọ Nghiệp, huyện Xuân Trường)

Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sự cần thiết của phân loại rác thải tại nguồn, hình thành thói quen phân loại rác và biến rác thải thành nguồn tài nguyên; tăng cường tập huấn, đào tạo, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho các cán bộ làm công tác môi trường của các xã, thị trấn.

Ngoài ra, hỗ trợ, hướng dẫn (theo cách thức cầm tay chỉ việc) đối với người dân áp dụng các mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn phù hợp với điều kiện và nhu cầu của từng gia đình. Thường xuyên kiểm tra, giám sát thực tế để đánh giá kết quả phân loại rác thải tại nguồn, rút kinh nghiệm và có hướng nhân rộng mô hình trên quy mô toàn xã, phường, thị trấn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nam Định nỗ lực quản lý và xử lý chất thải rắn sinh hoạt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO