Nam Định: Duy trì sinh kế bền vững cho người dân ứng phó với BĐKH

30/09/2014 00:00

(TN&MT) - Hàng loạt mô hình được triển khai đã mang lại hiệu quả nhất định ở Giao Xuân và một số xã trên địa bàn huyện Giao Thủy.

(TN&MT) - Nam Định đặc biệt chú trọng thực hiện các giải pháp hỗ trợ sinh kế cho người dân ven biển trước tác động do biến đổi khí hậu (BĐKH) gây ra. 
    
   
Cấy lúa chịu mặn thích ứng BĐKH trên cánh đồng Giao Xuân, Giao Thủy (Nam Định) - Ảnh: MH
   
Những bài học kinh nghiệm
    
   Trong thời gian qua, xác định người dân tại các vùng chịu tác động của BĐKH là đối tượng đầu tiên chịu thiệt hại nên các cấp, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh Nam Định đã đặc biệt chú trọng thực hiện các giải pháp hỗ trợ sinh kế cho người dân ổn định đời sống và sản xuất. Hàng loạt mô hình được triển khai đã mang lại hiệu quả nhất định như mô hình nuôi giun quế, mô hình nuôi lợn sử dụng đệm lót sinh học, mô hình cấy lúa chịu mặn thích ứng với BĐKH ở Giao Xuân và một số xã trên địa bàn huyện Giao Thủy. Những mô hình này khi được thực hiện không những đã giảm thiểu được sự ảnh hưởng của BĐKH mà còn góp phần tạo một nguồn sinh kế bền vững, cải thiện đời sống nhân dân.
    
   Tuy nhiên, theo nhìn nhận của các ban, ngành tại Nam Định, bên cạnh những mô hình, dự án thành công mang lại hiệu quả với sự hỗ trợ của một số tổ chức thì cũng có một số đã “chết yểu” ngay khi dự án kết thúc. Chính vì vậy, để không lãng phí tâm huyết, tiền của, công sức khi thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ sinh kế cho người dân tại các vùng chịu ảnh hưởng của BĐKH, các ngành chức năng và các địa phương đã rút kinh nghiệm, nghiên cứu thực hiện các chương trình dự án có tính khả thi và bền vững.
    
   Qua nhìn nhận đánh giá, các chương trình, dự án hỗ trợ xây dựng, phát triển sinh kế cho người dân chịu tác động bởi BĐKH chưa đạt hiệu quả cao, các ngành chức năng của Nam Định đã thẳng thắn nhìn ra những “lỗ hổng”  như nguồn lực cho các mô hình, dự án bị đầu tư dàn trải, phân tán nên không thể hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện; hoặc do trước khi thực hiện mô hình, đơn vị chủ trì chưa nghiên cứu kỹ đối tượng, địa bàn triển khai  đã áp dụng các hình thức sản xuất chưa phù hợp với tập quán sản xuất của địa phương được hỗ trợ nên không đạt hiệu quả như mong muốn. Mặt khác, tại một số dự án vẫn còn tình trạng người dân thụ động, chỉ trông chờ vào nguồn kinh phí và các điều kiện hỗ trợ từ dự án mà không đầu tư thêm vốn, công sức để tiếp tục duy trì, phát triển mô hình sinh kế sau giai đoạn hỗ trợ. 
    
Chủ động duy trì các nguồn lực
    
   Để phát huy hơn nữa những hiệu quả từ các dự án và duy trì sinh kế ổn định cho người dân, tránh tình trạng “hụt hơi” trong đầu tư ứng phó với BĐKH hiện nay, các cấp, ngành chức năng của Nam Định đều tích cực tự tổ chức hoặc huy động kinh phí, phối hợp tổ chức các dự án truyền thông giúp nâng cao nhận thức cộng đồng về BĐKH.
    
   Các địa phương, các ngành quán triệt quan điểm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đồng thời lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ phát triển sinh kế cho người dân trong vùng chịu ảnh hưởng của BĐKH để bảo đảm đủ nguồn lực duy trì mô hình; tích cực kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư theo hướng vừa giải quyết những khó khăn về vốn đầu tư, vừa hỗ trợ người dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ổn định...
    
   Bên cạnh đó, nhằm tìm ra những giải pháp hữu ích cho người dân tại những vùng chịu nhiều tác động do BĐKH gây ra các cấp, ban ngành trên địa bàn đã chung tay thực hiện nhiều giải pháp, nhiều mô hình được triển khai như: Trung tâm Phát triển cộng đồng tỉnh Nam Định (Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh) phối hợp với tổ chức nhân đạo phi Chính phủ Latter Day Saint Charities (Mỹ) thực hiện dự án dạy nghề may công nghiệp, hỗ trợ 56 máy may công nghiệp và những dụng cụ phục vụ trong ngành may giúp cho hội viên Hội Phụ nữ 2 xã ven biển Hải Chính và Hải Lý (Hải Hậu) xây dựng và phát triển nghề may công nghiệp, cải thiện cuộc sống trong điều kiện sản xuất nông nghiệp tại địa phương đang chịu nhiều tác động tiêu cực của BĐKH. Nhiều hội viên phụ nữ qua học nghề ở mô hình này đã được tuyển dụng vào làm việc ở các doanh nghiệp. 
    
   Qua đánh giá bước đầu hiệu quả dự án, nhà tài trợ đã tiếp tục hỗ trợ thêm 5 bộ máy may công nghiệp đồng bộ, giúp người dân có thể thao tác tất cả các công đoạn sản xuất trong nghề may từ nguyên liệu thô đến hoàn thiện sản phẩm. 
    
   Dự án được thực hiện trong năm 2014 đang mang lại hiệu quả phải kể tới hợp phần dự án về “Xây dựng mô hình đồng quản lý khu nuôi ngao quảng canh bền vững từ đó thí điểm xây dựng cơ chế tài chính bền vững cho địa phương và Vườn quốc gia Xuân Thủy thông qua việc hợp đồng cho phép cộng đồng địa phương thuê khoán đất mặt nước để nuôi ngao”. Dự án được triển khai từ tháng 1/2014 và dự kiến kết thúc vào cuối năm 2014 là một trong chuỗi dự án hướng đến phát triển nghề nuôi ngao theo hướng thích ứng bền vững với BĐKH.
    
   Đây là một hướng đầu tư đúng hướng, tạo được cuộc sống ổn định lâu dài cho người dân bởi Nam Định được coi là tỉnh có diện tích nuôi ngao hàng đầu cả nước. Con ngao đã trở thành nguồn sống của rất nhiều hộ dân sống ven biển, nơi chịu ảnh hưởng rõ rệt của BĐKH.
    
   Tạo sinh kế, ổn định và thích ứng với BĐKH cho người dân là một việc làm rất có ý nghĩa nhưng để bảo đảm tính bền vững của các mô hình, dự án sinh kế thì việc nâng cao nhận thức cho người dân về BĐKH và trách nhiệm tự “cứu” mình tránh sự lệ thuộc vào các nguồn hỗ trợ cũng là điều hết sức quan trọng.
    
Thụy Anh
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nam Định: Duy trì sinh kế bền vững cho người dân ứng phó với BĐKH
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO