Năm 2022: Thị trường đất nền tăng trưởng mạnh mẽ

Thùy Linh| 11/01/2022 21:59

(TN&MT) - Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, đất nền là phân khúc có mức tăng trưởng tốt nhất trong năm 2021 do nguồn cung khan hiếm. Đây sẽ là phân khúc tạo sóng cho thị trường bất động sản (BĐS) trong năm 2022.

Đất nền - kênh đầu tư vua

Trải qua 4 đợt dịch trong năm 2021 nhưng thị trường BĐS toàn quốc lại có sự tăng trưởng vượt bậc. Thống kê của công ty dữ liệu lớn nhất về thị trường cho thấy, tại Hà Nội, giá đất nền nhiều khu vực vùng ven như Hoài Đức, Gia Lâm, Sóc Sơn… tăng trên 50%; TP.HCM tăng 20% trở lên, có những địa bàn ghi nhận mức tăng trưởng 80 - 90% như Dầu Tiếng, Thủ Đức…

Bên cạnh đó, số lượng các nhà đầu tư quan tâm đến đất nền tăng xấp xỉ 80% so với giai đoạn đầu năm. Từng khu vực đều ghi nhận biến động quan tâm tăng trưởng tốt với điểm chung là mặt bằng giá tăng và tạo nền giá mới cao hơn so với 2020.

Ông Nguyễn Hữu Cường - Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội chia sẻ, hiện nay, tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM, quỹ đất tại khu vực nội đô để phục vụ cho các dự án phát triển nhà ở đang ở trạng thái suy kiệt. Trong khi các dự án đất đấu giá đều được “chốt” ở mức cao gấp 2 - 3 lần giá khởi điểm. Động thái này khiến thị trường đất nền tăng trưởng nhanh. Cùng với đó, dòng vốn đầu tư đã chuyển dịch từ khu vực nội đô sang các khu vùng ven các thành phố lớn. Giá đất cũng nhờ vậy là tăng 30 - 50%, thậm chí tăng gấp đôi so với năm 2019.

“Cơn sốt của thị trường BĐS thời gian qua là có thật, nhưng chỉ mang tính cục bộ, còn về cơ bản, thị trường đất nền vẫn đang có dư địa phát triển rất tốt, nhất là với những khu vực có sự phát triển mạnh của hạ tầng. Chính vì vậy, từ nay đến nửa đầu năm 2022, nhu cầu mua đất nền làm tài sản vẫn được ưa chuộng và tiếp tục là phân khúc được lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư, nhất là khi nguồn cung trên thị trường sụt giảm mạnh bởi dịch bệnh và chính sách chưa được tháo gỡ triệt để” - ông Cường nhấn mạnh.

Tiến sĩ kinh kế Cấn Văn Lực đánh giá, hiện nay thị trường BĐS, đặc biệt là phân khúc đất nền ở các tỉnh đang được đẩy mạnh quy hoạch phát triển sẽ tiếp tục nhận được nhiều quan tâm của nhà đầu tư trong năm tới nhưng rất khó xuất hiện tình trạng “sốt đất”. Năm 2021, thị trường xuất hiện nhiều cơn sốt là do nhiều thông tin quy hoạch, thậm chí còn do một số nhà đầu tư, đầu cơ, cò đất tiếp tay thổi giá. Tuy nhiên, với việc Chính phủ và các địa phương có kinh nghiệm hơn trong kiểm soát, đồng thời có nhiều động thái để siết thị trường, các cơn “sốt đất” nhiều khả năng nằm trong tầm khống chế.

“Nhà đầu tư trải qua nhiều cơn sốt đất đã có nhận thức tốt hơn về những rủi ro khi lướt sóng thất bại. Đồng thời, thông tin về nhà đất hiện nay đang ngày càng  công khai, minh bạch hơn, khó lợi dụng quy hoạch tạo giá ảo như trước đây. Trong năm 2022, thị trường có thể vẫn xuất hiện một số đợt điều chỉnh giá nhà đất nhưng không mạnh và không đột biến như các năm trước đó”, TS. Cấn Văn Lực nhận định.

Một góc đô thị biển Cam Lâm (Khánh Hòa). Ảnh: Việt Hùng

Xu hướng mới thị trường BĐS

Thị trường BĐS Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển đa dạng và mạnh mẽ hơn rất nhiều so với trước đây. Mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nguồn cung BĐS mới hạn chế do việc giãn cách cũng như rà soát pháp lý dự án khiến nhiều nơi tăng giá cục bộ. Tuy nhiên, về trung và dài hạn, BĐS Việt Nam vẫn đang trên đà phát triển, là kênh đầu tư hấp dẫn.

Nhiều chuyên gia trong ngành nhận định, hiện nay, BĐS Việt Nam đang diễn ra những xu hướng mới khá rõ nét. Nếu như trước đây việc phát triển đô thị vệ tinh chỉ là nằm trên giấy, người dân còn lo ngại đến những vấn đề về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ở khu vực vệ tinh không đáp ứng được nhu cầu sinh sống, thì nay câu chuyện này dường như lại đang dần thay đổi tư duy của người dân khu vực đô thị lớn. Một làn sóng rời những khu trung tâm chật chội, bí bức để tìm đến những khu vực đô thị vệ tinh với hạ tầng hoàn thiện lại đang diễn ra mạnh mẽ khi xuất hiện các dự án đại đô thị, nhất là ở vùng vệ tinh TP.HCM và Hà Nội. Những đại dự án này sau khi hoàn thành đã đem lại một cuộc sống chất lượng khiến nhiều người tìm đến.

Tại thị trường Hà Nội, xu hướng phát triển nhà cao tầng đang dịch chuyển ra ngoài trung tâm ngày càng rõ nét. Trước đây nhiều người còn lo ngại về điều kiện sống khi dịch chuyển ra ngoài trung tâm nhưng sự hình thành của các đại đô thị lớn ở vùng ven với sự tích hợp đầy đủ các tiện ích, dịch vụ đã "giải tỏa" sự lo lắng này.

“Cùng với xu hướng ra ngoài trung tâm đã rõ, sắp tới, thị trường Hà Nội sẽ có thêm dòng sản phẩm nhà ở thương hiệu. Đây sẽ là một lối đi mới tất yếu khi quỹ đất trung tâm eo hẹp, chất lượng nhà ở nội đô xuống cấp thì nhà ở thương hiệu sẽ không chỉ đáp ứng về mặt chất lượng mà còn là cách để nhiều chủ đầu tư tối đa hóa lợi nhuận cho sản phẩm của mình phát triển. Việc Hà Nội đẩy mạnh cải tạo chung cư cũ là động thái tích cực cho sự hình thành các dòng sản phẩm nhà ở mới  cho Hà Nội” - ông Neil MacGregor, Tổng Giám đốc Savills Việt Nam chỉ rõ.

Năm 2022, thị trường BĐS được kỳ vọng bùng nổ khi nhiều dự án mới sẽ được đưa ra thị trường và nhu cầu nhà ở của người dân vẫn là thiết yếu. Thị trường BĐS nói chung, thị trường nhà ở nói riêng luôn là một điểm sáng và thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, khách hàng và có thể sẽ là phân khúc tiếp tục phát triển hơn so với năm 2021.

Trong đó, phân khúc BĐS nhà ở sẽ phụ thuộc vào tình hình hoạt động của các chủ đầu tư và việc ra mắt các dự án nhà ở mới. Nếu thiếu hụt những dự án BĐS, nhu cầu đầu tư vào các dự án đất nền, nhà phố, biệt thự và căn hộ chung cư sẽ ngày càng lớn.

Đối với các nhà đầu tư cá nhân, họ vẫn tìm mua những nhà phố, nhà lẻ, đây chính là cách mà họ đầu tư. Như vậy, đối với các nhà phát triển BĐS, khó khăn ở đây không phải là thị trường không có nguồn cầu, mà là các thủ tục pháp lý. Từ những yếu tố trên, mặc dù 2021 là một năm đầy khó khăn nhưng hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản, và thị trường nói chung vẫn giữ ở mức ổn định.

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam có thêm 5 Phó Chủ tịch

Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) vừa tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2022 trong những ngày đầu xuân mới. Tại Hội nghị, VNREA đã bầu bổ sung 5 Phó Chủ tịch gồm các ông: Lê Khắc Hiệp - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup; Bùi Xuân Huy - Tổng Giám đốc Tập đoàn Novaland; Nguyễn Đình Trung - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hưng Thịnh; Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam; Phạm Nguyễn Toan - Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam.

Như vậy, lãnh đạo cao nhất của VNREA sau khi kiện toàn gồm ông Nguyễn Trần Nam - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng là Chủ tịch Hiệp hội và 14 Phó Chủ tịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năm 2022: Thị trường đất nền tăng trưởng mạnh mẽ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO