Năm 2021, dự báo bất động sản bình dân sẽ giữ vai trò chủ đạo

Thục Vy| 11/03/2021 13:08

(TN&MT) - Đại dịch Covid-19 đã góp phần làm suy yếu sức hoạt động của thị trường bất động sản (BĐS) cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dự báo, năm 2021, thị trường BĐS sẽ phục hồi, trong đó phân khúc căn hộ vừa túi tiền khởi sắc nhờ nhu cầu ở thật. 

Ảnh minh họa

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), thị trường BĐS TP.HCM năm 2020 về cơ bản vẫn giữ được sự phát triển ổn định, không bị đóng băng, cũng không bị “bong bóng”. Tuy nhiên, thị trường tiếp tục bị thiếu hụt nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là rất thiếu nguồn cung sản phẩm nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền, nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở xã hội, làm ảnh hưởng đến việc đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở cho đa số người dân có thu nhập trung bình và thu nhập thấp.

Trên thực tế, phân khúc nhà ở cao cấp có thể chiếm đến tỷ lệ khoảng 70%, chiếm thế áp đảo trên thị trường BĐS năm 2020. Phân khúc nhà ở trung cấp chiếm khoảng trên dưới 25% tổng số nhà ở. Đáng quan ngại là phân khúc nhà ở bình dân chỉ có 163 căn nhà, chỉ chiếm 1% trong tổng số nhà ở được huy động vốn năm 2020. Đây là chỉ dấu cho thấy rõ sự “lệch pha” sản phẩm trên thị trường BĐS, lệch về phân khúc nhà ở cao cấp. Việc rất thiếu sản phẩm nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền, nhà ở thương mại giá thấp, dẫn đến sự phát triển của thị trường BĐS thiếu tính ổn định, bền vững.

“Trong năm 2021, phân khúc nhà ở vừa túi tiền, bao gồm: nhà ở thương mại có giá trung bình, nhà ở thương mại có giá thấp, nhà ở xã hội sẽ giữ vai trò chủ đạo của thị trường BĐS, là cơ hội để người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư tạo lập được nhà ở”, HoREA dự báo.

Báo cáo thị trường 6 tháng cuối năm 2020 của Savills Việt Nam cho thấy, trong quý IV/2020, lượng giao dịch căn hộ đạt 8.600 căn, tăng 21% theo quý; tỷ lệ hấp thụ đạt 77% theo quý. Giá bán căn hộ sơ cấp ghi nhận mức tăng ở tất cả các hạng. Nhiều dự án căn hộ cao cấp (Hạng A) và trung cấp (Hạng B) có giá bán tăng lên đến 9% theo quý, trong khi giá bán căn hộ bình dân (Hạng C) có mức tăng thấp hơn, khoảng đến 4% theo quý.

Ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc Bộ phận R&D DKRA Việt Nam nhận định, thị trường BĐS hiện có 3 xu hướng. Thứ nhất là các sản phẩm của chủ đầu tư uy tín, chất lượng được ưu tiên. Thứ hai, thị trường đang sàng lọc những chủ đầu tư thiếu tiềm lực. Thứ ba, BĐS vừa túi tiền hút giới đầu tư. Số người mua loại hình căn hộ khoảng tầm 2-3 tỷ đồng vẫn đang dẫn dầu thị trường và đây cũng là xu hướng trong năm 2021. Với những căn hộ nằm trong khoảng vừa túi tiền, mức giá tiền vừa tầm vẫn có mức tiêu thụ rất tốt, bởi đây là mức giá vừa tầm có thể vay và trả được, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng.

TS. Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, các chủ đầu tư đang rục rịch để tiếp tục ra mắt nhiều dự án ngay đầu năm. Điều này cho thấy, nhu cầu của thị trường vẫn còn, nhất là khi nhiều nhà đầu tư chọn BĐS là kênh trú ẩn an toàn. Mặc dù vậy, khó khăn đối với các nhà phát triển BĐS hiện nay không phải thiếu nguồn cầu mà chính là thủ tục pháp lý đang “trói” tiến độ triển khai các dự án.

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, để tăng nguồn cung nhà ở cho người dân trong năm 2021, các tập đoàn và doanh nghiệp BĐS xem xét tăng tỷ trọng đầu tư vào phân khúc nhà ở có giá vừa túi tiền, nhà ở thương mại giá thấp, nhà ở xã hội. Bởi với loại hình nhà ở này, dù lợi nhuận thấp nhưng đang có tính thanh khoản cao và ít rủi ro cho các chủ đầu tư. Đồng thời, các dự án này còn góp phần cùng Nhà nước giải quyết nhà ở cho cán bộ, công chức, cán bộ lực lượng vũ trang, người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, công nhân lao động, sinh viên và người nhập cư.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năm 2021, dự báo bất động sản bình dân sẽ giữ vai trò chủ đạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO