Năm 2020, Việt Nam tiếp tục xuất siêu kỷ lục hơn 19 tỷ USD

Thủy Thủy| 07/01/2021 14:06

(TN&MT) - Chia sẻ tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của ngành Công Thương sáng 7/1, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, năm 2020, Việt Nam tiếp tục xuất siêu kỷ lục hơn 19 tỷ USD, là điểm sáng của nền kinh tế trong năm qua.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu khai mạc Hội nghị.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, năm 2020 là năm cuối giai đoạn kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, đại dịch COVID-19 đã bùng phát trên toàn cầu với tốc độ lây lan nhanh, diễn biến khó lường và mức độ nguy hiểm chưa từng có trong lịch sử đã tác động mạnh mẽ tới cục diện kinh tế, chính trị, xã hội của thế giới và khu vực. Bối cảnh đó đặt ra những khó khăn, thách thức lớn đối với nền kinh tế nước ta trên nhiều lĩnh vực.

Trước những diễn biến phức tạp, nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, Bộ Công Thương thực hiện "mục tiêu kép", vừa quyết liệt phòng chống dịch với tinh thần "chống dịch như chống giặc", vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân.

Dưới sự chỉ đạo của Đảng và sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, linh hoạt, chính xác, kịp thời của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, ngành Công Thương đã cùng cả nước nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách và đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Theo đó, ngành Công Thương đã hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, mục tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao trong Kế hoạch năm 2020, góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế chung của cả nước.

Năm 2020, Việt Nam đã xuất khẩu được 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019 và là một trong những nền kinh tế có tốc độ xuất khẩu cao nhất trên thế giới trong bối cảnh đại dịch COVID-19; xuất siêu ở mức cao kỷ lục 19,1 tỷ USD, qua đó ghi nhận 5 năm liên tiếp thặng dư cán cân thương mại. Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng ổn định trong hoạt động xuất nhập khẩu với việc tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm thứ hai liên tiếp đạt mức trên 500 tỷ USD.

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, phù hợp với lộ trình thực hiện Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Các ngành công nghiệp tiếp tục vươn lên, vượt qua khó khăn trong bối cảnh đứt gãy các chuỗi cung ứng. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2020 tăng 3,36%, tăng cao hơn so tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức cao 5,82%, tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng của nền kinh tế.

Quy mô các mặt hàng xuất khẩu tiếp tục được mở rộng. Số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên đã tăng qua các năm, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Năm 2011 có 21 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 81% tổng kim ngạch xuất khẩu; năm 2016 tăng lên thành 25 mặt hàng với tỷ trọng chiếm khoảng 88,7%. Đến năm 2020 là 31 mặt hàng (trong đó có 9 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD), chiếm tỷ trọng 92% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Thị trường xuất khẩu, nhập khẩu được mở rộng, không chỉ tăng cường ở các thị trường truyền thống mà còn khai thác được các thị trường mới, tiềm năng và tận dụng hiệu quả các FTA. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới, nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng vững chắc và nâng cao được khả năng cạnh tranh trên nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Mỹ, Úc...

Cùng với đó, hoạt động hội nhập quốc tế không những được duy trì trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng trên toàn cầu mà còn được thúc đẩy với nhiều phương thức mới và sáng kiến mới của Việt Nam được quốc tế và khu vực đồng thuận, đánh giá cao. Công tác đàm phán, ký kết và triển khai thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đạt được kết quả quan trọng, đặc biệt là các Hiệp định như CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA...

Hoạt động xúc tiến thương mại được đổi mới mạnh mẽ, thích ứng kịp thời với những tác động của dịch COVID-19, đã hỗ trợ tích cực cho các địa phương và doanh nghiệp trong cả nước tiếp tục khai thác tốt thị trường, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa cho doanh nghiệp và người nông dân.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, bước sang năm 2021, tình hình thế giới và khu vực được dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, nhanh và khó lường hơn trước; xu hướng bảo hộ mậu dịch, cạnh tranh chiến lược giữa các nền kinh tế lớn tiếp tục diễn ra gay gắt; đặc biệt là dịch COVID-19 sẽ tiếp tục diễn biến rất phức tạp...

Năm 2021, Bộ Công Thương xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để đưa vào Chương trình hành động triển khai các Nghị quyết số 01, Nghị quyết số 02 và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ một cách đồng bộ, quyết liệt ngay từ những ngày đầu năm, xây dựng kịch bản tăng trưởng để tổ chức điều hành.

Theo đó, Bộ sẽ đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại các ngành công nghiệp gắn với thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo nhằm tạo bứt phá và động lực mới cho tăng trưởng ở giai đoạn tiếp theo.

Cùng với đó, tập trung thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu điện năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025. Đẩy mạnh phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo để bổ sung nguồn điện, phù hợp với cơ chế, chính sách khuyến khích năng lượng tái tạo hiện hành của Chính phủ.

Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ triển khai thực thi có hiệu quả và khai thác tốt các cơ hội thị trường do các Hiệp định thương mại tự do mang lại. Đồng thời, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới; đa dạng hóa, hạn chế sự phụ thuộc vào một số thị trường.

Quang cảnh Hội nghị.

Chia sẻ tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn  Xuân Cường đánh giá cao kết quả năm 2020 của ngành Công Thương, những thành tựu năm 2020 là kết quả  của sự chỉ đạo liên tục, kiên quyết của Chính phủ và Bộ Công Thuơng xuyên suốt những năm qua.

“Từ nền công nghiệp không đầy đủ thì chúng ta đã có nền công nghiệp đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu 100 triệu dân. Ngành công nghiệp ngày càng phát triển và trưởng thành, là trụ dẫn dắt phát triển kinh tế. Cùng với đó, chủ trương hội nhập đang đi đúng hướng và đem lại kết quả cao”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung đánh giá, năm 2021 để tận dụng tốt cơ hội từ các FTA cần lưu ý nhiều hơn tới các điều khoản liên quan đến lao động cũng như tính cạnh tranh ngay tại thị trường Việt Nam. Đáng chú ý, cần phải tiếp tục nâng cao khả năng tự chủ của nền kinh tế, chuẩn bị tình huống diễn biến phức tạp ảnh hưởng tới đầu vào cho các ngành sản xuất và đầu ra cho XK hàng hóa. “Phải làm sao phát huy tốt hơn nữa hệ thống tham tán thương mại để thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới”, Thứ trưởng Lê Hoài Trung nói.

Xoáy sâu vào góc độ tận dụng cơ hội từ các FTA, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam Vũ Tiến Lộc (VCCI) cũng nhấn mạnh, thời gian tới thực thi các FTA phải quyết liệt hiệu quả hơn, “đầu voi đuôi khủng long” trong quá trình hội nhập, tận dụng cơ hội từ các FTA. Cổng thông tin về các FTA rất hữu ích nhưng làm sao để cổng này không chỉ của Bộ Công Thương mà phải liên ngành, liên bộ, liên địa phương, Bộ Công Thương đóng vai trò như điều phối. DN chỉ cần đến một địa chỉ có thể liên thông tất cả. Cộng đồng DN rất mong muốn Bộ Công Thương thể hiện vai trò nhạc trưởng trong quá trình thực thi FTA.”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năm 2020, Việt Nam tiếp tục xuất siêu kỷ lục hơn 19 tỷ USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO