Năm 2019 - “năm bứt phá” thực hiện thành công các chỉ tiêu kinh tế- xã hội

28/12/2018 15:27

(TN&MT) - Trình bày dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ xác định năm 2019 - là “năm bứt phá” để thực hiện thành công các chỉ tiêu kinh tế- xã hội.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ trình bày dự thảo Nghị quyết. Ảnh: chinhphu.vn

4 trọng tâm để bứt phá

Theo đó, năm 2019 được Chính phủ xác định là năm bứt phá để thực hiện thành công kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 và kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với phương châm hành động 12 chữ vàng: "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả". Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ đề ra 4 trọng tâm trong năm 2019. Cụ thể:

Thứ nhất, nâng cao năng lực nội tại, khả năng chống chịu của nền kinh tế. Củng cố nền tảng vĩ mô, duy trì và khơi thông các động lực tăng trưởng. Quyết liệt thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.

Thứ hai, xây dựng bộ máy kỷ cương, liêm chính, hành động, phục vụ; tiếp tục tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi. Tập trung hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng xây dựng và thực thi pháp luật. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, công vụ. Chú trọng cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy biên chế tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đổi mới và tăng cường hiệu quả hoạt động tư pháp.

Thứ ba, phát triển toàn diện, hài hòa các lĩnh vực văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân; xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Thứ tư, chủ động, tích cực tham gia chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Tập trung tổng kết và xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025.

8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

Về các chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội của năm 2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: Căn cứ các chỉ tiêu của Trung ương và Quốc hội giao, Chính phủ đặt mục tiêu các chỉ tiêu phấn đấu đều cao và tích cực hơn hoặc bằng các chỉ tiêu Quốc hội giao.

Cụ thể: GDP khoảng 6,8%; CPI dưới 4%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP 34%; tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu khoảng 8- 10% cao hơn Quốc hội giao;  xuất khẩu nông lâm thuỷ sản 42-43 tỷ USD; tốc độ tăng tổng mức bán lẻ dịch vụ 12% (cao nhất từ trước đến nay); 70 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; thành lập mới 140 nghìn doanh nghiệp; tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN) so với dự toán Quốc hội giao khoảng 5%; tỷ lệ nợ đọng thuế là 5%; tỷ lệ chi đầu tư phát triển 27-27,5%; tỷ trọng chi thường xuyên còn 63-63,5% (chỉ tiêu trung ương giao dưới 64%); bội chi dưới 3,6%GDP; nợ công so với GDP 61,3%; tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng thương mại dưới 2%; tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống dưới 5%....

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, cho biết, trong Dự thảo Nghị quyết về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và hướng đến năm 2021, Chính phủ đã đã đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với 45 nhiệm vụ, giải pháp và 188 nhiệm vụ cụ thể.

Đối với việc củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, Chính phủ đã đưa ra 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, nhất quán mục tiêu xuyên suốt là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tăng trưởng tín dụng đi đôi với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; đẩy mạnh bao phủ tín dụng, đẩy lùi tín dụng “đen”. Thực hiện hiệu quả các biện pháp bình ổn giá cả, thị trường; điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý theo lộ trình và liều lượng phù hợp.

Trong năm 2019, tiếp tục cơ cấu lại Ngân sách nhà nước. Siết chặt kỷ luật tài chính – ngân sách Nhà nước; quản lý và sử dụng tài sản công. Giám sát chặt chẽ việc quản lý và sử dụng vốn vay. Cơ cấu lại các khoản thu, mở rộng cơ sở thuế. Mở rộng áp dụng hóa đơn điện tử, cơ bản hoàn thành trong năm 2019 ở Hà Nội, TP.HCM và các thành phố lớn. Tiết kiệm chi thường xuyên, không bố trí kinh phí cho các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp bách. Cân đối nguồn lực để thực hiện đúng lộ trình cải cách chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội theo Nghị quyết Trung ương...

Đối với việc thực hiện quyết liệt các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng tăng trưởng, Chính phủ đã đưa ra 8 nhiệm vụ, giải pháp. Theo đó, sẽ tập trung hoàn thiện thể chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, nhất là trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao; nội luật hóa các cam kết hội nhập quốc tế; cơ cấu lại thị trường chứng khoán, bảo hiểm; cơ cấu lại tổ chức các sở giao dịch chứng khoán; đẩy mạnh phát triển thị trường phái sinh, trái phiếu doanh nghiệp và các sản phẩm mới.

Chính phủ cũng sẽ hoàn thiện thể chế, khuyến khích phát triển đa dạng các dịch vụ tài chính, kế toán, kiểm toán, thẩm định giá, xếp hạng tín nhiệm... và các loại hình dịch vụ giá trị gia tăng cao như nghệ thuật, vui chơi, giải trí.

Bên cạnh đó, dự thảo nghị quyết cũng đề ra mục tiêu thực hiện khơi thông nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng.

Chính phủ cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng quan trọng quốc gia trong lĩnh vực giao thông, điện, năng lượng. Phát huy vai trò động lực phát triển của các đô thị, thực hiện thí điểm các mô hình phát triển đô thị như đô thị thông minh, đô thị xanh...

Đồng thời, đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán. Công khai doanh nghiệp đã cổ phần hóa, đủ điều kiện nhưng chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán và xem xét trách nhiệm người đứng đầu...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năm 2019 - “năm bứt phá” thực hiện thành công các chỉ tiêu kinh tế- xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO