Năm 2015, Bình Phước xử phạt 3,1 tỷ đồng vi phạm môi trường

24/12/2015 00:00

(TN&MT) - Với 8 KCN và hàng ngàn cơ sở sản xuất đang hoạt động, trong đó có nhiều ngành nghề ảnh hưởng đến môi trường, nếu không kiểm soát nghiêm ngặt hệ thống...

 

(TN&MT) - So với các tỉnh, thành trong khu vực Đông Nam Bộ, vấn đề ô nhiễm môi trường ở tỉnh Bình Phước chưa phải là vấn đề bức xúc. Tuy nhiên, với 8 khu công nghiệp (KCN) và hàng ngàn cơ sở sản xuất đang hoạt động, trong đó có nhiều ngành nghề ảnh hưởng đến môi trường, nếu không kiểm soát nghiêm ngặt hệ thống xử lý nước - khí - rác thải, nhất là chất thải nguy hại thì nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước, đất, không khí... là rất cao.

Nguy cơ ô nhiễm

Nhiều năm qua, người dân khu vực giáp ranh giữa 2 xã Thuận Lợi (huyện Đồng Phú) và xã Phú Riềng (huyện Bù Gia Mập cũ, nay là huyện Phú Riềng - PV) phải chịu ảnh hưởng ô nhiễm môi trường từ bãi rác lộ thiên khổng lồ. Bãi rác chất cao như núi, ô nhiễm nặng nề lại nằm ở địa thế cao nên chỉ cần vài đợt mưa to, nước bẩn lại chảy xuống theo dòng suối, ngấm xuống đất gây ô nhiễm mạch nước ngầm lẫn sông, suối. Và dù đứng trước mối đe dọa bệnh tật từ hiểm họa này nhưng người dân vẫn phải sử dụng giếng đào, nước sông, suối để ăn uống, sinh hoạt hằng ngày. Người dân đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền 2 huyện Phú Riềng và Đồng Phú, nhưng đến giờ bãi rác khổng lồ này vẫn hiện hữu và cứ ngày một phình to hơn, tràn ra nửa con đường liên thôn đi xã Phú Riềng.

Rác thải ở các khu dân cư là một trong những nguồn gây ô nhiễm môi trường ở Bình Phước
Rác thải ở các khu dân cư là một trong những nguồn gây ô nhiễm môi trường ở Bình Phước

Ông Trần Đình Liên, một người dân ở xã Phú Riềng cho biết: “Nhiều năm nay, các xe lấy rác từ Phú Riềng tập trung lại rồi xe tải đem ra đây đổ. Không chỉ bốc mùi hôi thối khó chịu, bãi rác còn gây ra ô nhiễm nghiêm trọng cho nguồn nước của người dân. Khi mưa xuống, nước bẩn từ bãi rác theo đường mương thoát nước chảy thẳng xuống suối rồi chảy đi khắp nơi, ngấm vào giếng nước của người dân gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt. Trước đây, người dân thường lấy xô ra hứng nước ở con suối đá về sử dụng vì nước rất trong và sạch. Tuy nhiên, từ ngày bãi rác lộ thiên này xuất hiện, nước bẩn từ bãi rác và rác chảy đầy suối nên không ai dám sử dụng nước ở suối nữa”.

Bãi rác thải gây ô nhiễm ở xã Thuận Lợi và Phú Riềng là một trong những điển hình về việc xử lý rác thải. Ở sát các khu dân cư, chủ yếu rác thải sinh hoạt nhưng chính việc việc xử lý thiếu chuyên nghiệp và nhiều huyện chưa có công ty xử lý rác thải, nên nhiều “núi rác” lộ thiên đang gây hậu quả rất nghiêm trọng đến môi trường, sức khỏe con người.

Ngoài ra, tỉnh Bình Phước hiện có 8 KCN đang hoạt động, trong đó có nhiều lĩnh vực sản xuất, nhiều ngành nghề ảnh hưởng đến môi trường như: luyện kim, hóa chất, dệt, nhuộm, sản xuất các sản phẩm từ kim loại, chế biến gỗ, thức ăn gia súc; 8 nhà máy chế biến mủ cao su, hơn 30.000 cơ sở dịch vụ và gần 3.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực chế biến tinh bột mỳ, trang trại chăn nuôi heo, gà tập trung, kinh doanh dịch vụ ăn uống, giết mổ gia súc gia cầm... đa phần đều góp phần trực tiếp hoặc gián tiếp gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, hiện chỉ có 3 KCN có nhà máy xử lý nước thải tập trung. Hầu hết các cơ cơ sở sản xuất đều không có hệ thống xử lý nước thải hoặc có nhưng công nghệ lạc hậu, không đạt chuẩn. Tình trạng xả thẳng nước thải bẩn ra sông, suối phổ biến ở các xã có cơ sở chế biến, sản xuất công nghiệp.

Vi phạm liên tục gia tăng

Theo số liệu thống kê, trong vòng 5 năm (từ 2008-2013), Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường  - Công an tỉnh Bình Phước (PC49) đã tham mưu xử phạt hành chính 77 vụ, với mức phạt hơn 4,86 tỷ đồng. Năm 2014, phòng phối hợp với ngành chức năng kiểm tra, phát hiện 18 vụ/16 đối tượng vi phạm pháp luật về môi trường, tham mưu xử phạt 13 vụ/13 đối tượng với số tiền 2,833 tỷ đồng. Năm 2015, có 21 vụ vi phạm, xử phạt 3,1 tỷ đồng. Qua kiểm tra, hầu hết hệ thống xử lý nước - khí thải của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều lạc hậu, không đúng tiêu chuẩn. Một số đơn vị đầu tư được hệ thống xử lý nước - chất thải nhưng vì lợi nhuận kinh tế nên không vận hành. Hành vi vi phạm chủ yếu là không xây lắp hoặc xây lắp không đúng quy trình xử lý môi trường; xả nước thải vượt chuẩn, chất thải nguy hại trực tiếp ra môi trường…

Đại tá Lê Trường Sơn - Trưởng Phòng PC49  - Công an tỉnh Bình Phước cho biết, Luật Bảo vệ Môi trường quy định mỗi doanh nghiệp và các đơn vị liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường phải dành ít nhất 10% ngân sách hoạt động để xử lý môi trường. Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp đã phớt lờ, không thực hiện. Vì thế, các cấp, ngành hữu quan cần phải bắt buộc doanh nghiệp đầu tư hạ tầng hệ thống thu gom, xử lý nước - rác thải tập trung hoàn chỉnh mới được cấp phép hoạt động. Đặc biệt, ngay từ khâu thẩm định, đánh giá tác động môi trường, tỉnh và các ngành liên quan phải cân nhắc kỹ giữa lợi ích trước mắt với ảnh hưởng đến môi trường lâu dài. Song song đó là đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhằm tạo sự chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường. Việc bảo vệ môi trường là trách nhiệm chung mà mọi cấp, ngành và cá nhân đều phải chung tay.

Theo ông Sơn, khó khăn lớn nhất hiên nay đối với lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường là chưa có đội ngũ cán bộ đủ năng lực và thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hiện đại để đo, xử lý hành vi vi phạm về khí thải, tiếng ồn. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa đầy đủ, nhất là văn bản hướng dẫn xác định hậu quả của hành vi gây ô nhiễm như thế nào là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng... để xử lý theo Luật Hình sự.

  Bài & ảnh: Thục Vy

 

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năm 2015, Bình Phước xử phạt 3,1 tỷ đồng vi phạm môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO