Lễ hội cúng rừng là nghi lễ truyền thống có ý nghĩa lớn nhất, quan trọng nhất trong năm đối với đồng bào Mông Nà Hẩu và còn gọi là “Tết rừng”. Tín ngưỡng thờ Thần rừng của đồng bào Mông nơi đây đã được truyền qua nhiều thế hệ. Bởi vậy, ở thôn bản nào của xã Nà Hẩu cũng có một khu rừng cấm - rừng thiêng nằm ở địa thế đẹp nhất của thôn, nơi hội tụ đầy đủ linh khí của trời đất để thờ cúng Thần Rừng.
Lễ hội cúng rừng là nghi lễ truyền thống có ý nghĩa lớn nhất, quan trọng nhất trong năm đối với đồng bào Mông Nà Hẩu. |
Theo đó, Lễ hội Tết rừng năm 2021 được xây dựng dựa trên ý nghĩa lịch sử truyền thống và tập tục lâu đời của dân tộc Mông, với ý niệm cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, cuộc sống người dân no ấm hạnh phúc, con cháu học hành tiến bộ.
Lãnh đạo huyện Văn Yên cùng người dân thôn Bản Tát và du khách thực hiện nghi thức cúng rừng. |
Chương trình khai mạc Lễ hội được tổ chức vào tối ngày 11/3/2021 ( tức ngày 28 tháng Giêng). Tại lễ khai mạc, Lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Văn Yên, UBND xã Nà Hẩu đã phát động phong trào bảo vệ rừng, kêu gọi nhân dân đoàn kết tham gia bảo vệ rừng nguyên sinh, cùng với đó là các tiết mục giao lưu văn hóa văn nghệ mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, đã tạo không khí vui tươi phấn khởi cho nhân dân địa phương.
Lễ cúng được thực hiện với những nghi thức độc đáo, linh thiêng dưới gốc cây cổ thụ trong khu rừng cấm - rừng thiêng. |
Phần Lễ được tổ chức trang nghiêm vào sáng ngày 12/3/2021 ( tức ngày 29 tháng Giêng âm lịch) theo phong tục của địa phương với những nghi thức độc đáo, linh thiêng được diễn ra ở cửa rừng, dưới gốc cây cổ thụ trong khu rừng cấm - rừng thiêng của cả 3 thôn của xã Nà Hẩu. Tại đây lãnh đạo huyện cùng người dân thôn Bản Tát và du khách đã tham gia rước lễ từ trụ sở UBND xã đến khu rừng cấm của thôn Bản Tát để thực hiện các nghi lễ cúng rừng.
Trước đó, xã Nà Hẩu đã làm tốt công tác tuyên truyền đến toàn thể nhân dân trong thôn về lễ hội; vận động nhân dân tham gia, đóng góp các điều kiện cần thiết đảm bảo cho tổ chức lễ hội; vận động nhân dân đảm bảo vệ sinh môi trường, đường làng ngõ xóm, trước, trong và sau lễ hội, đặc biệt là thực hiện tốt các quy định về phòng chống dịch Covid-19 .
Sau lễ hội Tết rừng, theo tập tục của người Mông, các thôn bản của xã Nà Hẩu đều cấm rừng 3 ngày để tạ ơn thần rừng |
Phần hội gồm các hoạt động thi đấu thể thao trong khuôn khổ các môn thi đấu của đại hội thể dục thể thao như: Kéo co, bắn nỏ, đẩy gậy, bóng chuyền nam tại sân vận động trung tâm xã…Ngoài ra, còn các trò chơi dân gian như: Đánh quay, đánh cù, nhằm khơi dậy và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc và khơi dậy tinh thần lao động hăng say của người dân trong xã.
Sau lễ hội Tết rừng, theo tập tục của người Mông, các thôn bản của xã Nà Hẩu đều cấm rừng 3 ngày, từ ngày 13/3 đến hết ngày 15/3/2018 ( tức từ ngày mùng 1 đến hết ngày mùng 3 tháng hai) để tạ ơn thần Rừng. Cũng trong ba ngày này mọi người tuyệt đối thực hiện các điều kiêng kỵ đã được quy định theo luật tục như: Không đi vào rừng chặt cây xanh, không đem lá xanh từ rừng về nhà, không đào củ, bẻ măng, không đào đất, không thả rông gia súc, không phơi quần áo ngoài trời, không xay ngô, giã gạo...
Để thực hiện tốt việc kiêng kị này, từ vài ngày trước, chị em phụ nữ ở các gia đình phải xay ngô, giã gạo, lấy rau, lấy củi, gói bánh chưng, giã bánh dày, chuẩn bị đủ lương thực, thực phẩm cho người và vật nuôi. Đây cũng là dịp để đồng bào Mông Nà Hẩu ăn tết rừng, đi chơi nhà thăm hỏi lẫn nhau, thắt chặt tình đoàn kết, chuẩn bị tinh thần cho một năm lao động mới với niềm tin về những điều tốt đẹp sẽ đến với mọi người, mọi nhà.