Mỹ Hào (Hưng Yên): Sông cầu Lường "oằn mình" chịu ô nhiễm

11/07/2017 00:00

(TN&MT) - Hàng chục năm qua, người dân xã Ngọc Lâm, huyện Mỹ Hào (Hưng Yên) liên tục ý kiến bức xúc về tình trạng sông cầu Lường qua địa bàn bị ô nhiễm nghiêm...

 

(TN&MT) - Hàng chục năm qua, người dân xã Ngọc Lâm, huyện Mỹ Hào (Hưng Yên) liên tục ý kiến bức xúc về tình trạng sông cầu Lường qua địa bàn bị ô nhiễm nghiêm trọng ảnh hưởng sức khỏe, đời sống, sản xuất… Đặc biệt người dân thôn Vô Ngại sống dọc bờ sông đã nhiều lần “kêu cứu” đến cơ quan chức năng, nhưng con sông không những thuyên giảm mà ngày một gia tăng ô nhiễm nghiêm trọng.

Người dân thôn Vô Ngại kéo ra phản ánh ô nhiễm sông cầu Lường
Người dân thôn Vô Ngại kéo ra phản ánh ô nhiễm sông cầu Lường

Chúng tôi về thôn Vô Ngại, xã Ngọc Lâm, huyện Mỹ Hào (Hưng Yên) khi người dân nơi đây đang đỉnh điểm bức xúc về tình trạng ô nhiễm môi trường sông cầu Lường. Con sông chuyển màu nước đen, đặc quánh như luyn trên bề mặt nổi lềnh bềnh các loại rác thải công nghiệp: giẻ lau, vải cắt may thừa…

Biết chúng tôi là phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường về tìm hiểu thực tế viết bài, người dân thôn Vô Ngại “ùn ùn” kéo ra để trút những uất ức bấy lâu và bày tỏ ý kiến như những lời thỉnh cầu báo chí phản ánh giúp người dân thực trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng sông cầu Lường chảy qua địa bàn thôn, nhiều năm qua đã khiến nhiều gia đình khốn đốn vì phải “hứng chịu” hậu quả nặng nề ảnh hưởng đến sức khỏe, sản xuất...

Chỉ xuống nước sông đen đặc kịt như dầu nhớt - ông Nguyễn Hữu Lan, người dân thôn Vô Ngại không giấu được bực tức, khi trao đổi với phóng viên: “Đã hàng chục năm qua, người dân chúng tôi phải “hứng chịu” mùi hôi thối nồng nặc từ nước sông bốc lên. Nhất vào ngày trời nắng nóng, cả thôn bốc mùi xú uế nồng nặc, cá tôm chết trắng sông… thật xót xa! Dọc theo sông cầu Lường hiện có rất nhiều Công ty, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực, nên người dân chỉ biết kiến nghị chính quyền cơ sở, ban, ngành… cần có giải pháp quyết liệt kiểm tra, phát hiện Công ty, Nhà máy hoạt động sản xuất lĩnh vực nhạy cảm, như: giặt, nhuộm; tái chế nhựa… Các Công ty này chính là tác nhân gây nên ô nhiễm môi trường. Nhưng nhiều năm qua tình trạng nước sông không được cải thiện, mà ngày một thêm thối khẳm, đen sì đã làm đời sống, sinh hoạt của nhiều gia đình trong thôn đảo lộn”.

Sông cầu Lường màu nước đen như dầu luyn
Sông cầu Lường màu nước đen như dầu luyn

Bà Phạm Thị Là cho biết: Nhà bà ở gần bờ sông, nên cả ngày lẫn đêm nhà bà Là luôn phải kín cửa để tránh mùi hôi thối bốc vào. Trước đây, nước sông phục vụ cho gia đình bà sinh hoạt, tưới cho các loại cây trồng… Nhưng nay, không ai dám động tay, chân xuống nước sông. Bởi nếu nỡ rửa chân tay, động chạm đến nước sông thì vẩn ngứa mấy ngày không hết. Nước sông không biết có làm ô nhiễm ảnh hưởng đến mạch nước ngầm hay không, mà thời gian qua, trong thôn đã có trên chục người chết vì bệnh ung thư, hiện đang rất nhiều người mắc bệnh nan y này. Thôn Vô Ngại hiện 100% người dân sử dụng nước sinh hoạt  từ giếng khoan, giếng đều phải khoan sâu từ 70 – 80 mét, nhưng mọi người rất lo ngại, do nước bơm lên qua nhiều công đoạn lọc, nhưng vẫn không được sạch như trước đây và có mùi hăng hắc khó chịu.

Rác thải công nghiệp được vất bữa bãi bên sông cầu Lường ở cạnh các công ty tại xã Xuân Dục
Rác thải công nghiệp được vất bữa bãi bên sông cầu Lường ở cạnh các công ty tại xã Xuân Dục

Đại diện cho 513 hộ dân, với 1.700 nhân khẩu thôn Vô Ngại, Trưởng thôn Nguyễn Hữu Át, cho biết: Từ năm 2010 đến nay, người dân và chính quyền thôn thường xuyên có ý kiến với chính quyền xã, các cấp, ban, ngành… tìm giải pháp giảm thiểu ô nhiễm sông cầu Lường, nhưng không hiểu sao ô nhiễm ngày một nghiêm trọng hơn. Nguyên nhân, do các Công ty dọc bờ sông và trên các xã giáp Quốc lộ 5 xả thải, vất rác xuống sông. Do nhiều, Công ty hoạt động nên người dân trong thôn, không biết quy trách nhiệm cho doanh nghiệp nào. Mọi người giờ không biết kêu ai, khi đang gánh hậu quả từ việc ô nhiễm, bởi sông cầu Lường là nơi cung cấp nguồn nước chính cho diện tích trên 110ha lúa của thôn. Năng suất lúa bị sụt giảm, nhiều gia đình gần như bị mất trắng. Người dân trong thôn đang mong chờ, cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc trả lại sự bình yên cho sông cầu Lường, đời sống và sản xuất của bà con.

Ống xả thải chảy ra từ một số Công ty trên địa bàn xã Xuân Dục có màu vàng
Ống xả thải chảy ra từ một số Công ty trên địa bàn xã Xuân Dục có màu vàng

Đại diện chính quyền xã Ngọc Lâm, ông Trần Huy Thuấn, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Chỉ tính riêng trên địa bàn xã Ngọc Lâm đã có đến 14 Công ty đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực, chưa kể các Công ty ở các xã Phùng Chí Kiên, Bạch Sam, Xuân Dục… xả thải ra sông cầu Lường. Mỗi khi, cống cầu Ngái đóng lại tích nước, thì cá chết trắng trên sông cầu Lường và các hộ dân ven sông ầm ầm phản đối vì không chịu được mùi hôi thối. Khi nước bơm vào ruộng thì năng suất lúa bị sụt giảm, so với việc không lấy nước sông cầu Lường từ 30 – 40% sản lượng, nước chảy vào ao cá thì cá chết hàng loạt. Hiện nay, trong xã Ngọc Lâm có 4 thôn: Vô Ngại, Nho Lâm, Hòe Lâm, Ngọc Lãm phải sử dụng nước sông cầu Lường cho sản xuất nông nghiệp, khiến chính quyền và người dân bức xúc. Chính vì vậy, chính quyền xã đã nhiều kiến nghị huyện Mỹ Hào, sở, ban, ngành… nhưng đã hàng chục năm qua, ô nhiễm vẫn “hoàn ô nhiễm”. Chính quyền địa phương mong mỏi các cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên, sớm thực hiện giải pháp, tìm ra Công ty xả thải không đạt chuẩn, xả rác bừa bãi hủy hoại môi trường, để xử lý nghiêm minh.

Tận mắt chứng kiến sông cầu Lường đang “oằn mình” chứa nước thải, rác thải, chúng tôi thật xót xa. Đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên nhanh chóng vào cuộc kiểm tra công ty vi phạm tàn phá sông cầu Lường.

Bài & ảnh: Phạm Hoàng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mỹ Hào (Hưng Yên): Sông cầu Lường "oằn mình" chịu ô nhiễm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO