Mỹ Hào (Hưng Yên): Người dân bỏ ruộng phản đối "quan thôn"

12/05/2015 00:00

(TN&MT) - Có mặt tại thôn Mão Chinh, xã Dương Quang, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, chúng tôi thật xót xa khi chứng kiến gần 300 mẫu ruộng của người dân bỏ hoang cho cỏ mọc. Lý do nào khiến “bờ xôi, ruộng mật” ở đây lại rơi vào cảnh trớ trêu như vậy?.

Người dân thôn Mão Chinh dựng lều phản đối cán bộ thôn sai phạm về ruộng đất
Người dân thôn Mão Chinh dựng lều phản đối cán bộ thôn sai phạm về ruộng đất

Cán bộ thôn tự phân chia đất  để bán

Theo như đơn tố cáo của người dân thôn Mão Chinh, xã Dương Quang, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên các vị cán bộ thôn, gồm: Ông Nguyễn Văn Trưởng, Trưởng thôn; Nguyễn Công Hải, Phó Bí thư chi bộ thôn và ông Bùi Minh Huấn, Bí thư chi bộ từ năm 2010 đến nay liên tiếp có việc làm sai trái như: Tự ý bán ruộng, đất và không ngăn cản các hộ dân trong thôn chuyển đổi sai mục đích đất nông nghiệp, lợi dụng dồn điền đổi thửa trục lợi cá nhân.

Theo tố cáo của người dân: Vào năm 2011, Trưởng thôn Nguyễn Văn Trưởng cùng cán bộ thôn đã thu hồi số ruộng dư thừa gần UBND xã Dương Quang phân làm 34 lô để bán. Mỗi lô đất có diện tích 126 mét vuông (đây là số ruộng chia cho các hộ gia đình sinh con sau ngày 1/4/1993). Trong đó, chỉ có 22 lô được thôn tổ chức họp công khai với dân, bán với mục đích để phục vụ làm đường giao thông, cổng làng, đón danh hiệu làng văn hóa…với giá 225 triệu đồng/lô. Còn lại, 12 lô cán bộ thôn tự ý bán.

Tiếp tục vào năm 2014, cán bộ thôn Mão Chinh lại phân 40 lô đất lưu không Bờ Lau, bán cho các hộ dân dưới hình thức đấu thầu để phát triển kinh tế. Những việc làm trên khiến người dân bức xúc, yêu cầu họp thôn để làm rõ số tiền bán ruộng, thu được bao nhiêu và công trình phúc lợi đầu tư như thế nào thì chỉ nhận được sự “im lặng” một cách khó hiểu…

Lợi dụng ruộng chân cao cán bộ thôn cho máy xúc đất màu bán với giá 100 nghìn đồng/xe
Lợi dụng ruộng chân cao cán bộ thôn cho máy xúc đất màu bán với giá 100 nghìn đồng/xe

Cuối năm 2014 thực hiện dồn điền, đổi thửa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân canh tác, cán bộ thôn chỉ họp dân một lần, sau đó tự ý thuê máy múc nạo vét kênh mương, đắp bờ vùng, bờ thửa với mức giá 30.000 nghìn đồng/mét khối dù không được dân đồng thuận. Lợi dụng ruộng chân cao, cán bộ thôn thuê máy xúc đất màu bán với giá 100 nghìn đồng/xe (Trong khi dân yêu cầu san đất ruộng cao xuống ruộng trũng đã không được chấp thuận).

Chính vì lẽ đó, người dân đã phản đối không gắp phiếu khi việc dồn điền, đổi thửa đã hoàn thành, bỏ hoang gần 300 mẫu ruộng và cho đến nay số ruộng vẫn vô chủ. Người dân thôn Mão Chinh còn bức xức về việc hiện 40 hộ dân đã sử dụng đất 03 để làm nhà ở, lấn chiếm kênh mương dẫn nước  mà chính quyền không hề ngăn cản và diện tích ao hồ chung của thôn được bán theo hình thức vĩnh viễn (chứ không phải là đấu thầu từ 5 – 10 năm như quy định).

Người dân bất bình

Từ trước đến nay, dân trong thôn Mão Chinh chủ yếu  trông chờ vào ruộng đất, nguồn thu chính làm kế sinh nhai, đời sống không thể tách rời với tấc đất, tấc vàng, thế nhưng, vụ chiêm xuân này, trên 400 hộ dân của thôn Mão Chinh “ngậm đắng nuốt cay” bỏ gần 300 mẫu ruộng cho cỏ dại mọc. Người dân không canh tác mà còn mất công sức gần 2 tháng trời “liều chõng” ra bờ trông ruộng và phản đối việc làm của cán bộ thôn.

“Biết rằng là thiệt hại nhiều của cải, phải đi làm thuê làm mướn đong thóc ăn nhưng chúng tôi không còn cách nào khác để các cấp có thẩm quyền vào cuộc, giải quyết thỏa đáng cho dân” – ông Bùi Đăng Chiếp bức xúc. Gia đình ông có 4 nhân khẩu, được chia 7,3 sào nhưng bỏ không để phản đối cán bộ thôn làm quá nhiều việc ngang tai, trái mắt coi thường pháp luật. Dù Vợ chồng, con cái kéo nhau đi làm thuê theo thời vụ nhưng gia đình ông vẫn nhất quyết không gieo cấy khi mà khuất tất về ruộng đất chưa được giải quyết minh bạch.

 “Nếu không được cấp có thẩm quyền giải quyết thấu tình, đạt lý, người dân chúng tôi nhất quyết không làm dù có phải bỏ thêm vài ba vụ lúa nữa” – Ông Bùi Đăng Da, 72 tuổi nói quả quyết. Bởi khi họp dân, cán bộ thôn đưa ra giá quá cao 30 nghìn đồng/khối đất nổi nạo vét, đào đắp kênh mương, người dân không đồng thuận đưa ra ý kiến có thể thuê máy xúc với giá 18 nghìn đồng/khối thì cán bộ thôn yêu cầu nếu ai đứng ra nhận thì nộp vào 100 triệu đồng đặt cọc, sau 3 năm mới được thanh toán. Việc làm của người đứng đầu thôn Mão Chinh trong việc dồn điền, đổi thửa chẳng khác nào “dầu đổ thêm vào lửa” nên người dân đồng loạt không gắp phiếu nhận ruộng.

Từ năm 2010 đến nay, thôn Mão Chinh liên tục có dấu hiệu vi phạm về ruộng đất đều xuất phát từ việc cán bộ thôn lén lút mang ruộng công, đất công bán vô tội vạ. Nếu vấn đề ruộng đất của thôn không được giải quyết “thấu tình, đạt lý” được người dân đồng thuận thì hàng trăm mẫu ruộng sẽ tiếp tục bị bỏ hoang, mọi người mất lòng tin vào chính quyền và gây ra những phức tạp trong xã hội. Người dân tha thiết mong mỏi ruộng đất trong thôn được thực hiện theo đúng quy định Luật Đất đai mang lại lợi ích chung cho cộng đồng xã hội, chứ không phục vụ lợi ích riêng ai và người có chức quyền lợi dụng tự ý bán ruộng đất thu lợi bất chính.

40 lô đất lưu không Bờ Lau người dân phản ánh cán bộ thôn tự ý bán theo hình thức đầu thầu không có thời hạn
40 lô đất lưu không Bờ Lau người dân phản ánh cán bộ thôn tự ý bán theo hình thức đầu thầu không có thời hạn

Xã chỉ biết chờ chỉ đạo của cấp trên

Chúng tôi mang ý kiến của người dân trao đổi với ông Kiều Hữu Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Dương Quang. Ông Tuấn khẳng định: Xã vận động người dân hợp tác với chính quyền để nhanh chóng kiện toàn Ban dồn điền, đổi thửa của thôn để người dân có thể bắt tay vào việc chuẩn bị vào làm vụ mùa nhanh nhất. Trên thực tế, người dân thôn Mão Chinh phản đối, bất hợp tác. Thôn Mão Chinh hiện lại chưa có cán bộ nên rất khó khăn trong việc chỉ đạo dân (bởi trưởng thôn, phó thôn đã bị đình chỉ chức vụ). Việc sai phạm về ruộng đất 03, xã đã thành lập đoàn kiểm tra các hộ vi phạm và báo cáo lên cấp có thẩm quyền để xử lý vi phạm.

Khi phóng viên đề cập nguyên nhân chính dẫn đến việc người dân thôn Mão Chinh phản đối bỏ ruộng, là việc cán bộ thôn lộng quyền, tự ý bán ruộng, đất trái phép và chi tiêu các khoản không công khai tài chính, thì ông Tuấn công nhận có việc bán ruộng dư thừa của thôn. Để xảy ra trong thời gian dài vi phạm về ruộng đất, xã không biết là do thôn không báo cáo. Để nhanh chóng giải quyết dứt điểm những vướng mắc của người dân thì hiện xã cũng chỉ biết chờ vào chỉ đạo của cấp trên.

Để tìm hiểu rõ quan điểm chỉ đạo, cách giải quyết, chúng tôi lên UBND huyện Mỹ Hào nhưng lãnh đạo của huyện đều bận họp.

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là bắt đầu vụ lúa mùa mà 1.692 nhân khẩu thôn Mão Chinh vẫn ngày ngày ngóng chờ nhận ruộng, nhanh chóng bắt tay công việc đồng áng may ra mới kịp thời vụ. Nếu những việc làm sai trái của cán bộ thôn Mão Chinh không nhanh chóng được giải quyết dứt điểm thì chắc chắn vụ lúa mùa tới cỏ dại lại tiếp diễn trên gần 300 mẫu ruộng màu mỡ...

Bài và ảnh: Phạm Hoàng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mỹ Hào (Hưng Yên): Người dân bỏ ruộng phản đối "quan thôn"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO