Mỹ Đức - Hà Nội: Đất đã bán, nhưng xã lại tranh chấp với dân

05/11/2017 00:00

(TN&MT) - Được UBND xã phê duyệt đồng ý cho mua đất để làm nhà ở và gia đình ông Nguyễn Kiếm Ba (thôn Thượng, xã Thượng Lâm, huyện Mỹ Đức, TP.Hà Nội) đã sử dụng mảnh đất đó hơn 20 năm nay. Nhưng đến khi đề nghị làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, chính quyền xã lại phủ nhận, cho rằng diện tích đất đó vẫn đang thuộc quyền quản lý của xã. Sự việc khiến gia đình ông Nguyễn Kiếm Ba lâm vào cảnh khốn cùng khiến dư luận không khỏi bức xúc.

Ngôi nhà cấp 4 cùng mảnh đất hơn 200m2 được gia đình ông Nguyễn Kiếm Ba sử dụng ổn định hơn 20 năm nay
Ngôi nhà cấp 4 cùng mảnh đất hơn 200m2 được gia đình ông Nguyễn Kiếm Ba sử dụng ổn định hơn 20 năm nay

Mua bán rõ ràng

Ngôi nhà cấp 4 cùng mảnh đất rộng hơn 200 mvẫn được gia đình ông Nguyễn Kiếm Ba ở thôn Thượng sử dụng hơn 20 năm nay; cây cối trồng trong vườn cũng được chăm sóc, cắt tỉa đều đặn mỗi năm. Trong quá trình sử dụng, không có ai tranh chấp mảnh đất của gia đình ông và chính quyền địa phương cũng không có ý kiến gì. “Năm 1994, gia đình tôi làm đơn xin mua đất của xã và được UBND xã Thượng Lâm đồng ý. Nhưng nay, gia đình tôi lên kê khai, nộp các giấy tờ liên quan để xin được cấp Giấy CNQSD đất ở lại không được xã chấp nhận. Chồng tôi bị bệnh tai biến mấy năm nay, không còn khả năng nói, giảm trí nhớ nên tôi không biết phải làm thế nào, vì mọi thủ tục giấy tờ đều do chồng tôi đứng tên” - bà Nguyễn Thị Thuận, vợ của ông Nguyễn Kiếm Ba, thôn Thượng, xã Thượng Lâm, phản ánh.

Hợp đồng giao khoán năm 1993
Biên bản Hợp đồng giao khoán đất sân kho đội 6 cho ông Nguyễn Kiếm Ba năm 1993

Theo đơn xin mua đất ngày 10/4/1994 của ông Nguyễn Kiếm Ba là xã viên đội 6, nay là thôn Thượng, gia đình ông đề nghị được mua 300m2 đất ở dưới góc phía Tây của khu đất mà gia đình đang hợp đồng với UBND xã trồng cây ăn quả. Mục đích là để làm nhà ở, vừa là để bảo vệ cho toàn bộ khu đất trồng cây đang hợp đồng thuê, vừa là giải quyết chỗ ở của gia đình chật hẹp, làm chỗ dịch vụ bán hoa quả. Trên cơ sở xét đơn xin mua đất ở của ông Ba, ngày 30/4/1994, lãnh đạo xã Thượng Lâm đã ký phê duyệt, với nội dung: “Căn cứ vào nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã họp ngày 25/4/1994 về việc giải quyết một số diện tích đất ở trong xã, UBND xã đồng ý duyệt cho ông Ba được mua 300m2 đất ở khu vườn cây ăn quả”.

v
 
Biên bản giao đất
Biên bản giao đất cho ông Ba năm 1994

Ngày 2/5/1994, UBND xã Thượng Lâm có biên bản giao đất cho ông Nguyễn Kiếm Ba, nội dung viết tay, có tổng diện tích đất 300m2 (quy ra thóc là 300m x 8kg = 2.400kg thóc). Cùng ngày 2/5/1994, UBND xã Thượng Lâm có biên bản giao quyền sử dụng đất ở cho gia đình ông Nguyễn Kiếm Ba, nội dung biên bản được đánh máy, ghi rõ: UBND xã giao cho ông Nguyễn Kiếm Ba đất làm nhà ở khu vực phía Tây vườn cây ăn quả (sân kho đội 6 cũ), tổng diện tích 217m2, có chiều dài cạnh phía Đông 11m 20cm, phía tây 10m 5cm, phía Nam 20m và phía Bắc 20m. Kể từ ngày 2/5/1994, UBND xã giao quyền sử dụng đất trên cho gia đình ông Ba để làm nhà ở.

Ông Nguyễn Kiếm Ba bị tai biến nhiều năm, không thể nói rõ sự việc với UBND xã Thượng Lâm
Ông Nguyễn Kiếm Ba bị tai biến nhiều năm, không thể nói rõ sự việc với UBND xã Thượng Lâm

Tất cả các giấy tờ nêu trên đều có chữ ký của Chủ tịch UBND xã Nguyễn Khắc Nhu và đóng dấu Quốc huy của xã thời điểm năm 1994. Tuy nhiên, sự việc trở nên khó hiểu khi ngày 3/3/2017, gia đình ông Nguyễn Kiếm Ba làm đơn đề nghị UBND xã Thượng Lâm để đăng ký cấp Giấy CNQSD đất ở thì chính quyền địa phương không thừa nhận việc UBND xã ký phê duyệt cho gia đình ông mua đất trước đây.

Chính quyền có gây khó?

Ngày 29/6/2017, UBND xã Thượng Lâm ra Văn bản số 03/TB - UBND, thông báo kết quả giải quyết đơn đề nghị của bà Nguyễn Thị Thuận về việc đề nghị cấp Giấy CNQSD đất ở. Theo đó, UBND xã khẳng định, không có chuyện UBND xã thời kỳ năm 1994 bán đất cho gia đình ông Ba, mà chỉ giao cho gia đình ông Ba mượn để làm nhà bảo vệ theo hợp đồng giao khoán đất trồng cây. Trong sổ địa chính và bản đồ năm 2004 số diện tích trên không thể hiện của gia đình ông Ba và không thể hiện diện tích đó là đất thổ cư mà vẫn nằm trong diện tích hợp đồng trồng cây. Cũng theo Văn bản số 03/TB – UBND, cùng một ngày 02/05/1994, mà biên bản giao đất ghi tổng 300m2, còn biên bản giao quyền sử dụng đất thì ghi tổng 217 m2 không khớp nhau về diện tích.

Chủ tịch UBND xã Thượng Lâm Nguyễn Văn Viện, cho biết: “Khi điều tra hồ sơ thì Ủy ban xã xác nhận đây là đất của Ủy ban xã quản lý nằm trong diện tích đất thầu khoán vườn cây của gia đình ông Ba”. Tuy nhiên, khi được hỏi về chữ ký của Chủ tịch và con dấu của UBND xã trước đây ký trong đơn xin mua đất, biên bản bàn giao cho ông Nguyễn Kiếm Ba có đúng không thì ông Viện lại căn cứ vào các ý kiến của nguyên cán bộ UBND xã thời điểm năm 1994 và cho rằng: “Chủ tịch cũ cấp giấy lưu không để ông Ba đi ngoại giao mua cây giống, kí lưu không, đóng dấu”.

 Thông báo Kết quả giải quyết đơn đề nghị của bà Nguyễn Thị Thuận về việc đề nghị cấp Giấy CNQSD đất ở
 Thông báo Kết quả giải quyết đơn đề nghị của bà Nguyễn Thị Thuận về việc đề nghị cấp Giấy CNQSD đất ở

Không đồng ý với cách trả lời của lãnh đạo xã cũng như thông báo số 03 của UBND xã Thượng Lâm, bà Nguyễn Thị Thuận cho rằng: Tất cả các giấy tờ gốc gia đình lưu giữ đều thể hiện xã phê duyệt cho mua và được giao quyền sử dụng đất, UBND xã Thượng Lâm không thể chỉ căn cứ vào ý kiến của cán bộ xã trước đây mà quy chụp, phủ nhận. Còn vấn đề cùng một ngày mà biên bản giao đất và biên bản giao quyền sử dụng đất không khớp nhau về diện tích thì thời điểm đó, chồng tôi cũng kể lại là do xã căn cứ vào diện tích xin mua thể hiện trong đơn nên biên bản bàn giao đất ghi tổng 300m2, để tính số lượng thóc gia đình phải thanh toán thay vì trả tiền, nhưng đến khi đo thực tế để giao quyền sử dụng đất thì chỉ có 217 m2. Hơn nữa, do diện tích gia đình tôi mua, chưa được cấp Giấy CNQSD đất nên xã không thể nói trong sổ địa chính và bản đồ năm 2004 số diện tích trên không thể hiện là đất thổ cư. Diện tích đất mà gia đình tôi xin mua cũng không liên quan gì đến hợp đồng giao khoán đất sân kho đội 6 để trồng cây. Hai việc này là hoàn thoàn khác nhau, xã không thể đánh đồng để phủ nhận việc đồng ý cho gia đình tôi được mua đất làm nhà ở.

Qua thu thập tài liệu hồ sơ vụ việc và tìm hiểu thực tế, nhiều diện tích đất nằm trong khu đất rộng 1 mẫu, 7 sào, 3 thước mà gia đình ông Nguyễn Kiếm Ba ở thôn Thượng hợp đồng với UBND xã Thượng Lâm ngày 28/12/1993 để làm vườn trồng cây ăn quả, hoa màu và các loại cây cảnh đã được UBND xã lấy ra xây dựng trường Mầm non; một số diện tích khác được UBND xã phân lô bán cho nhiều hộ dân xây dựng nhà ở. Trong phần xác nhận của UBND xã Thượng Lâm ngày 15/1/1996 để tính thu sản phẩm nộp phí thuê đất hàng năm của gia đình ông Ba cũng thể hiện rõ diện tích xã đã rút ra là 3 sào 11 thước. Căn cứ vào hợp đồng năm 1993 và trên cơ sở diện tích đất đã được xã rút ra qua nhiều đợt, ngày 20/12/2010, UBND xã Thượng Lâm tiếp tục ký hợp đồng giao khoán cho ông Nguyễn Kiếm Ba diện tích 4 sào 4 thước, thời gian là 5 năm, từ ngày 31/12/2010 đến ngày 31/12/2015.

Hợp đồng giao khoán năm 2010
Hợp đồng giao khoán năm 2010

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thuận cho biết thêm, diện tích giao khoán hoàn toàn riêng biệt, không bao gồm diện tích đất gia đình đã mua trước đây; khi hết hợp đồng, xã không thanh lý hợp đồng, nhưng gia đình tôi vẫn dọn dẹp cây để xã mở rộng khuôn viên xây dựng tường bao, sân trường Mầm non. Hiện toàn bộ diện tích này cũng không còn.

Với cách giải quyết và trả lời vụ việc của UBND xã Thượng Lâm liệu có gây khó khăn cho người dân khi làm thủ tục xin cấp Giấy CNQSDĐ? Mong các cơ quan chức năng của huyện Mỹ Đức, TP.Hà Nội sớm vào cuộc làm rõ, giải quyết dứt điểm vụ việc.

Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thong tin tới bạn đọc.

Trung Hiếu

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mỹ Đức - Hà Nội: Đất đã bán, nhưng xã lại tranh chấp với dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO