Mỹ - Bốn thách thức kinh tế dài hạn

19/06/2013 00:00

So với những năm đầu tiên của nhiệm kỳ thứ nhất, rõ ràng vị thế của Tổng thống Obama không mạnh bằng. Nguy cơ bế tắc chính trị tại Quốc hội như 2 năm vừa qua vẫn hiển hiện trên chính trường nước Mỹ. Có những việc cấp bách Obama phải làm ngay như củng cố nội các mới của mình, bắt tay với thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc hay can thiệp vào châu Âu để tránh một cuộc "tự sát kinh tế" ở đây. Bên cạnh đó, tờ The Wall Street Journal ngày 7/11 đã chỉ ra 4 thách thức kinh tế dài hạn mà chính quyền của ông Obama phải giải quyết gồm:


Thứ nhất, giải quyết vấn đề tài khóa, ngân sách. Việc chèo lái nước Mỹ tránh được "vách đá tài khóa" là rất quan trọng. Cắt giảm đột ngột chi tiêu cùng với tăng mạnh thuế trong "vách đá tài khóa" sẽ đẩy nền kinh tế Mỹ vốn đang ốm yếu trở lại thời kỳ suy thoái. Ngoài ra, việc Obama đưa nước Mỹ vượt qua trở ngại này sẽ thuyết phục được cử tri và các thị trường tài chính rằng Washington không còn "bất lực" như 2 năm vừa qua.

Thâm hụt ngân sách không phải là vấn đề kinh tế của hôm nay mà đó sẽ là vấn đề của tương lai. Chính phủ Mỹ vẫn phải vay mượn 3 tỷ USD mỗi ngày nhưng chỉ phải trả mức lãi suất thấp kỷ lục trong lịch sử. Thế nhưng, cứ chi nhiều hơn thu như hiên nay, ngay cả khi nền kinh tế phục hồi chắc chắn, cũng sẽ không bền vững. Cần phải làm gì để giảm thâm hụt ngân sách của năm 2016 thay vì mức ngắn hạn của năm 2013. Nên cân nhắc những gì ông Ben Bernanke, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã tuyên bố: Nước Mỹ nên tránh thắt chặt tài khóa quá nhanh, cần phải biết nuôi dưỡng quá trình phục hồi để sau đó đưa ra khung pháp lý nhằm hạn chế vay mượn trong tương lai. Cần phải xác định rằng những ưu tiên chi tiêu trong tương lai của Chính phủ cần phải tập trung đầu tư cho con người và giáo dục.

Thứ hai, vấn đề việc làm và thu nhập. Khoảng 3.6 triệu người Mỹ đã không có việc làm trong hơn một năm qua và vẫn đang tìm kiếm việc. Cứ khoảng 1 trong 5 nam giới tuổi từ 25 - 54 không có việc làm. Chính sách tài khóa và tiền tệ cần phải tính tới vấn đề này để kéo họ trở lại thị trường lao động trước khi để họ bị thất nghiệp vĩnh viễn. Nước Mỹ cũng gặp phải vấn đề về thu nhập ngay cả khi trước cuộc đại khủng hoảng 2007 - 2009. Trung bình một nam giới tuổi từ 25 - 65 kiếm được 40.081 USD năm 2011, giảm 16% so với mức thu nhập này năm 1999 đã điều chỉnh theo chỉ số lạm phát. Như vậy, tăng trưởng kinh tế nhanh hơn là cần nhưng không phải là điều kiện đủ để tăng thu nhập cho người dân Mỹ.

Thứ ba, khoảng cách giàu nghèo và động lực vươn lên của tầng lớp thấp của xã hội giảm đi. Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống vừa qua, một ứng cử viên đã có bài phát biểu say sưa tại Đại học Cleveland State: "Khát vọng vươn lên là hứa hẹn cuộc sống lớn ở nước Mỹ, nhưng dường như động lực vươn lên của người Mỹ đã suy giảm". Đây thoạt nghe có vẻ như là lời chỉ trích của giới tư bản tự do Mỹ (Đảng Dân chủ). Nhưng tác giả của bài phát biểu này lại là ứng cử viên Phó Tổng thống Paul Ryan, một ứng cử viên Cộng hòa có quan điểm bảo thủ.

Bốn năm tới sẽ có những bước tiến mới nếu ông Obama nhận ra được một thực tế rằng khoảng cách giữa kẻ thắng, người thua trong nền kinh tế Mỹ đang ngày càng lớn. Thực tế này có thể do tác động từ thị trường, tiến bộ công nghệ, toàn cầu hóa và biến đổi xã hội nhưng đây là thách thức mà ông Obama phải đương đầu để không làm khoảng cách giàu nghèo rộng hơn.

Thứ tư, vấn đề biến đổi khí hậu. Cả Mitt Romney và Barack Obama đều không nói tới vấn đề biến đổi khí hậu trong suốt kỳ tranh cử vừa qua. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng vấn đề này lại bị lãng quên thêm 4 năm nữa. "Khí hậu của chúng ta đang thay đổi", Thị trưởng New York Michael Bloomberg đã viết trong bài ủng hộ Tổng thống Obama, "và mặc dù sự gia tăng của thời tiết khắc nghiệt chúng ta đang trải qua ở Tp New York và trên thế giới có thể có hoặc không phải do nguyên nhân từ nó, nhưng rủi ro mà nó mang lại buộc tất cả những vị lãnh đạo được bầu cần phải hành động ngay".

Những vấn đề này có một số điểm chung. Ngay cả sau khi kết quả bầu cử đã rõ ràng, vẫn chưa có sự đồng thuận về cách tốt nhất để giải quyết chúng. Cả hai phe Cộng hòa và Dân chủ có những phương thuốc chữa trị khác nhau và cuộc bầu cử đã không làm thay đổi chúng. Hai lựa chọn họ phải đối mặt là: Thỏa hiệp hay bế tắc? Hy vọng Tổng thống Obama sẽ là bên thứ ba tác động để lựa chọn cuối cùng là sự thỏa hiệp nhằm đưa nước Mỹ vượt qua bế tắc hiện nay.

Phú Quý

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mỹ - Bốn thách thức kinh tế dài hạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO