Môi trường

Mức đóng góp EPR có thể giảm nếu hiệu quả tái chế cao

Khánh Ly 22/06/2023 - 14:44

(TN&MT) - Để xác định chi phí đóng góp của các nhà sản xuất, nhập khẩu trong việc thu hồi và tái chế bao bì nhựa, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) khuyến nghị cần xây dựng mức chi phí tái chế (Fs) theo hướng: Các sản phẩm đang được tái chế hiệu quả sẽ áp dụng Fs thấp, các sản phẩm chưa được tái chế hiệu quả hoặc chưa được tái chế ở Việt Nam sẽ áp dụng Fs cao.

Việt Nam có năng lực tái chế cao

Luật Bảo vệ Môi trường (BVMT) 2020 đã thể chế hóa đầy đủ và rõ ràng cơ chế Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR – Extended Producer Responsibility) trong việc thu hồi và tái chế các sản phẩm và bao bì có giá trị tái chế (Điều 54). Việc thu hồi và tái chế các sản phẩm, bao bì (bao gồm bao bì nhựa) theo cơ chế EPR được coi là một nội dung cần thiết và cấp bách nhằm quản lý hiệu quả dòng chất thải nhựa tại Việt Nam.

Theo báo cáo của IUCN (2020), trong năm 2018, Việt Nam tái chế được 924.000 tấn nhựa, trong đó, phế liệu nhựa nội địa chỉ chiếm khoảng 1/3. Nghiên cứu của World Bank (2021), chỉ ra trong năm 2019, có 1,28 triệu tấn (33%) nhựa phế liệu được tái chế trên tổng số 3,9 triệu tấn nhựa PET, LDPE, HDPE và PP được tiêu thụ tại Việt Nam (chưa tính tới một tỷ lệ lớn trong số này là phế liệu nhựa nhập khẩu). Điều này đồng nghĩa với tổn thất 75% giá trị vật liệu của tổng lượng nhựa thải, tương đương từ 2,2 - 2,9 tỷ USD mỗi năm.

Trong khi đó, các tổ chức quốc tế đánh giá, tổng năng lực tái chế nhựa của Việt Nam rất lớn. Tính đến tháng 6/2022, có 76 doanh nghiệp được cấp phép nhập khẩu phế liệu nhựa làm nguyên liệu sản xuất (chủ yếu là PE, PET, PS, PVC và PP). Tổng cục Môi trường (TN&MT) đã tổng hợp từ thông tin của Tổng cục Hải quan và báo cáo nhập khẩu phế liệu của các tỉnh, thành phố. Kết quả cho thấy, khối lượng nhập khẩu phế liệu nhựa năm 2019 là 2.313.600 tấn; năm 2020 là 468.300 tấn và năm 2021 là 742.800 tấn (lượng phế liệu nhựa nhập khẩu giảm mạnh trong năm 2020 và có xu hướng tăng trở lại trong năm 2021 do các hạn chế gây ra bởi dịch bệnh COVID-19).

screen-shot-2023-05-16-at-09.25.25.png
Năng lực tái chế nhựa của khu vực chính quy trong nước lớn nhưng chỉ đón nhận dòng phế liệu nhựa sạch, dễ thu gom

Tổng lượng phế liệu nhựa được cấp phép nhập khẩu của 76 doanh nghiệp được cấp phép đạt trên 3 triệu tấn/năm; cộng thêm với tối đa 20% lượng nhựa phế liệu nội địa sẽ nâng tổng công suất tái chế phế liệu của các cơ sở chính quy nhập khẩu phế liệu lên đến khoảng 3,5 triệu tấn, chưa tính đến các cơ sở sản xuất khác sử dụng phế liệu nhựa nội địa với năng lực khoảng 1 triệu tấn. Điều này cho thấy năng lực tái chế của khu vực chính quy là rất lớn. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, khu vực tái chế chính quy chỉ tập trung đón nhận một số dòng nhựa phế liệu nội địa sạch và dễ thu gom, thường là từ nguồn chất thải rắn công nghiệp thông thường hoặc nguồn phế liệu nhựa được thu gom tại hộ gia đình, được cung cấp qua các đại lý hoặc công ty phế liệu.

Riêng tại các làng nghề chuyên sử dụng phế liệu trong nước, thống kê chưa đầy đủ cho thấy, tổng công suất tái chế thuộc khu vực này được ước tính vào khoảng 2 - 2,2 triệu tấn. Nguồn phế liệu nhựa đến từ chất thải rắn sinh hoạt. Đây cũng là nguyên nhân khiến một lượng lớn sản phẩm bao bì nhựa hiện đang không được quản lý và tái chế đúng quy cách; không đáp ứng được yêu cầu với các sản phẩm có chất lượng cao. Ngay cả khi doanh nghiệp tái chế nhựa đã có dây chuyền phân loại, làm sạch phế liệu, có thể đón nhận dòng nhựa phế liệu trong nước thì thường lại không cạnh tranh được với các nhà sản xuất phi chính thức bởi giá thu mua phế liệu quá cao so với giá thành sản xuất.

Xác định chi phí tái chế dựa trên hiệu quả

Nhằm hỗ trợ Bộ TN&MT thực thi hiệu quả cơ chế EPR tại Việt Nam, từ năm 2022 – tháng 4/2023, thông qua Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam”, WWF Việt Nam đã chủ trì nghiên cứu xây dựng định mức chi phí Fs đối với sản phẩm bao bì nhựa theo quy định của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT .

Dựa trên thực tiễn thực tiễn hoạt động quản lý chất thải nhựa của Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế, WWF đã đưa ra các khuyến nghị cụ thể nhằm xây dựng định mức chi phí tái chế Fs cho Việt Nam. Theo WWF, trong phụ lục XXII, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP đã có quy định các giải pháp tái chế được xem là hợp lệ. Tuy nhiên, xét như trường hợp sản xuất xơ sợi PE có thể thấy chi phí để tạo thành xơ sợi PE lớn hơn nhiều chi phí tạo thành hạt nhựa. Hoặc, trường hợp tái chế chai PET, chỉ đơn giản sản xuất ra mảnh nhựa được làm sạch có chi phí thấp hơn nhiều so với sản xuất hạt nhựa tái sinh. Trong trường hợp này, định mức chi phí tái chế cần được áp dụng chỉ với một công nghệ cơ bản tạo ra hạt nhựa tái sinh đối với bao bì nhựa.
Về định mức chi phí tái chế cho từng sản phẩm, bao bì phải thu gom và tái chế như được liệt kê trong phụ lục XXII đang có sự khác biệt ngay trong từng nhóm sản phẩm ử dụng cùng công nghệ tái chế, do phụ thuộc vào hoạt động tiền xử lý và làm sạch phế liệu. Trường hợp phế liệu được làm sạch rồi mới chuyển giao thì cơ sở tái chế không cần vận hành các công đoạn đó trong dây chuyền, và do vậy chi phí tái chế sẽ thấp hơn.

Theo WWF, để hỗ trợ cho việc quản lý và giám sát quá trình vận hành của hệ thống EPR, nhất thiết phải ban hành các tiêu chuẩn sản phẩm tái chế, bởi với các yêu cầu sản phẩm khác nhau (thêm phụ gia, các quá trình tinh chế, làm sạch bổ sung) thì chi phí tái chế cũng khác nhau. Bên cạnh đó, cần thiết phải ban hành định mức kinh tế, kỹ thuật cho hoạt động phân loại, thu gom và vận chuyển sản phẩm, bao bì thải vì đây sẽ là một nội dung quan trọng để các cơ quan quản lý địa phương triển khai hiệu quả hệ thống phân loại, thu gom CTRSH.

anh-1.png
Việt Nam cũng cần xem xét đến việc điều chỉnh định mức chi phí tái chế 

Ở thời điểm hiện tại, do định mức kinh tế, kỹ thuật này chưa được ban hành nên chi phí được tạm tính từ hoạt động của hệ thống thu gom phế liệu tư nhân đang hoạt động hiệu quả hiện nay.

Việt Nam cũng cần xem xét đến việc điều chỉnh định mức chi phí tái chế theo hướng các sản phẩm đang được tái chế hiệu quả sẽ áp dụng Fs thấp, các sản phẩm chưa được tái chế hiệu quả hoặc chưa được tái chế ở Việt Nam sẽ áp dụng Fs cao.

Một vấn đề cần tính đến là trong các loại vật liệu bao bì, chi phí tái chế nhựa là khá thấp so với giấy, và vì thế nếu Fs cao sẽ gây xu hướng khiến các nhà sản xuất chuyển đổi từ bao bì giấy sang bao bì nhựa để giảm chi phí. Như vậy, việc chuyển đổi này sẽ trái ngược với quan điểm của EPR cũng như định hướng giảm sử dụng bao bì nhựa hiện nay đã được quy định trong Điều 73, Luật BVMT 2020.

Để khắc phục điểm này, Nhóm tư vấn thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội đã đưa ra một hệ số xem xét đến hiệu quả tái chế. Theo đó, loại sản phẩm, bao bì nào đang được tái chế hiệu quả và phổ biến ở Việt Nam hiện nay như bao bì giấy, bao bì nhôm, bao bì PET cứng... sẽ có hệ số nhỏ (và do đó, Fs sẽ thấp). Ngược lại, các sản phẩm, bao bì chưa được thu gom, tái chế hiệu quả bao bì sắt, các bao bì nhựa cứng, bao bì giấy hỗn hợp, bao bì mềm các loại... sẽ có hệ số cao hơn.

Trong các giai đoạn điều chỉnh Fs mỗi 3 năm về sau như quy định trong Khoản 5 Điều 78 Nghị định 08/2022/NĐ-CP, các tiêu chí tính phí nâng cao nên được xem xét áp dụng, bao gồm tỷ lệ tái chế và sự có mặt của một số dạng chất nguy hại hoặc chứa nhiều chất độn đối với sản phẩm bao bì nhựa.

Theo quy định, mặc dù là chi phí hỗ trợ hoạt động phân loại, thu gom sản phẩm, bao bì thải, nhưng hiện tại do chưa ban hành hướng dẫn kỹ thuật cụ thể nên việc xác định chi phí phân loại, thu gom và vận chuyển chỉ mang tính tương đối nhằm hỗ trợ hệ thống thu gom tư nhân đang hoạt động hiệu quả và kết nối trực tiếp hệ thống này với các cơ sở tái chế.

Khi hệ thống cơ sở hạ tầng phân loại, thu gom chất thải sinh hoạt tại địa phương được xây dựng theo Luật BVMT 2020 từ ngày 1/1/2025, thì phần chi phí này sẽ cần được tính toán lại cho phù hợp với định mức dự toán công tác phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn tương ứng với yêu cầu của Luật BVMT 2020.

Một điều cần thiết khác là cần phải có khung pháp chế phù hợp nhằm hạn chế hoạt động của các cơ sở tái chế phi chính thức, nghĩa là hạn chế dòng sản phẩm thải đi vào hệ thống này. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc ban hành các tiêu chuẩn cho vật liệu tái chế hoặc sản phẩm tái chế. Các tiêu chuẩn này, nếu được nghiên cứu ban hành sẽ hỗ trợ cho việc định hướng dòng chất thải đi vào hệ thống tái chế chính thức.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mức đóng góp EPR có thể giảm nếu hiệu quả tái chế cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO