Môi trường ở làng nghề hầm than tại Sóc Trăng, Hậu Giang: Gian nan tìm giải pháp giải quyết ô nhiễm

26/03/2015 00:00

(TN&MT) - Những tác động tiêu cực đến sức khỏe con người, năng suất cây trồng… từ khói, bụi phát sinh ở các lò hầm than đã được các nhà khoa học, cơ quan quản lý tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng cảnh báo nhiều năm nay. Thế nhưng, việc tìm ra giải pháp duy trì hoạt động ở các làng nghề hầm than, bảo vệ môi trường bền vững đang đặt ra nhiều khó khăn thách thức.

Giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động…

Báo cáo năm 2014 của UBND huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng cho thấy, tại làng nghề hầm than xã Xuân Hòa hiện có tổng cộng 939 lò hầm than của hơn 400 hộ dân, sản lượng mỗi năm đạt khoảng 40.000 tấn, doanh thu khoảng 300 tỉ đồng/năm, tạo công ăn việc làm ổn định cho trên 3.000 lao động của địa phương. Hiện nay, việc tiêu thụ than thành phẩm không chỉ ở trong nước mà còn xuất khẩu sang các nước như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... nên số lượng lò than ở đây tiếp tục tăng mặc cho chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng thường xuyên khuyến cáo.

Còn tại tỉnh Hậu Giang hiện có khoảng 900 lò hầm than củi phân bố ở các xã Phú Tân (huyện Châu Thành), Tân Thành và Đại Thành (TX. Ngã Bảy). Tại xã Phú Tân, nơi tập trung nhiều lò hầm than củi nhất của tỉnh Hậu Giang, với tổng cộng 635 đang hoạt động, tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 300 lao động của xã và khoảng 1.000 lao động ở các địa phương khác, với thu nhập bình quân mỗi tháng hơn 4 triệu đồng. Chủ tịch UBND xã Phú Tân, huyện Châu Thành Trần Hoàng Vũ cho biết: “Mặc dù tỉnh, huyện, xã đã tăng cường công tác vận động, tuyên truyền để người dân hiểu được tác hại từ khói bụi của lò hầm than để không xây thêm lò mới, nhưng vì cuộc sống hàng ngày, nhu cầu của thị trường… mà năm 2014 ở xã Phú Tân vẫn phát sinh thêm 35 lò hầm than mới”.

Loay hoay tìm giải pháp

Bà Lê Thị Kim Diệu, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Hậu Giang cho biết, tỉnh Hậu Giang đã triển khai nhiều đề tài, đề án nghiên cứu, ứng dụng để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường từ khói, bụi ở các làng nghề hầm than. Năm 2013, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chọn một số lò hầm than tại xã Đại Thành để thí điểm hệ thống xử lý khói, bụi của lò hầm than bằng phương pháp hấp thụ...

Những người lao động phụ trách cưa than thành phẩm luôn đối diện với các bệnh về được hô hấp do  thường xuyên hít phải bụi than
Những người lao động phụ trách cưa than thành phẩm luôn đối diện với các bệnh về được hô hấp do thường xuyên hít phải bụi than

Sau một thời gian thử nghiệm, hệ thống xử lý khói, bụi bằng phương pháp hấp thụ đã phát huy hiệu quả khi lượng khói thải, bụi được xử lý trước khi thải ra môi trường. Tuy nhiên, khi các cơ quan chức năng tỉnh Hậu Giang họp bàn nhân rộng hệ thống này ra hơn 200 lò than ở các xã Đại Thành và Tân Thành thì bị “tắc” vì chi phí lắp đặt mỗi hệ thống khoảng 90 triệu đồng, quá cao so với điều kiện kinh tế của những chủ lò. Trên cơ sở những khó khăn của chủ lò, các Sở, ngành chức năng của tỉnh Hậu Giang giao cho TX. Ngã Bảy xây dựng Đề án hỗ trợ và chuyển đổi nghề cho các chủ lò hầm than, theo đó nếu hộ nào muốn tiếp tục du trì lò than thì được chính quyền hỗ trợ vốn 70%, còn 30% (khoảng hơn 40 triệu đồng) chủ lò phải chịu để lắp đặt hệ thống, còn hộ nào muốn chuyển đổi nghề thì được hỗ trợ 20 triệu đồng. Vào cuối năm 2014, đề án này đã được TX. Ngã Bảy hoàn tất, nhưng đến nay chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ở Sóc Trăng, ông Trần Văn Thanh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong thời gian qua tỉnh cũng đã xây dựng đề án quy hoạch làng nghề hầm than ở 2 ấp Hòa Thành, Hòa Lộc của xã Xuân Hòa lại một khu vực để tập trung sản xuất, song song đó sẽ lắp đặt hệ thống xử lý khói, bụi lò hầm than trước khi thải ra môi trường. thế nhưng, khi tiến hành khảo sát tính khả thi của đề án và việc lắp đặt hệ thống xử lý khói, bụi, đã vấp phải sự phản ứng từ chủ lò vì chi phí lắp đặt cao, không phù hợp hợp tập quán sản xuất, giảm sản lượng than thành phẩm…Do chưa áp dụng được biện pháp bảo vệ môi trường bền vững, phù hợp với điều kiện kinh tế, sản xuất của các chủ lò, nên trong thời gian qua làng than xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách là một trong 3 điểm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Việc áp dụng các giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở các làng nghề hầm than là điều phải làm, tuy nhiên để triển khai thực hiện được phải có sự đồng thuận giữa chính quyền địa phương, cơ quan quản lý, chủ lò, đồng thời cần có sự hỗ trợ tích cực về kinh phí, công nghệ… từ các Bộ, ngành Trung ương.

Bài và ảnh: L.Hùng

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Môi trường ở làng nghề hầm than tại Sóc Trăng, Hậu Giang: Gian nan tìm giải pháp giải quyết ô nhiễm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO