Xã hội

Mở lớp dạy nghề giúp người khuyết tật vươn lên thoát nghèo

Thanh Tâm 09/08/2023 - 15:59

HTX thủ công mỹ nghệ xã Tân Thọ (huyện Nông Cống - Thanh Hóa) được thành lập năm 2010 đã dạy nghề làm đồ thủ công mỹ nghệ (Handmade) cho nhiều người khuyết tật, neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Các sản phẩm làm ra được xuất khẩu sang thị trường Châu Âu, Châu Á giúp họ có nguồn thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo.

“Phao cứu sinh” cho người yếu thế

Với đôi chân không thể di chuyển, chị Mã Thị Thơm (SN 1971, thôn Tân Tiến xã Công Chính, huyện Nông Cống) có những thời điểm dường như rơi vào ngõ cụt khi cùng lúc chị phải nuôi con trai tuổi ăn tuổi học, nuôi mẹ già 85 tuổi lại còn đèo bòng thêm đứa cháu ruột bị tâm thần. Vốn là những người yếu thế trong xã hội, việc tìm được một công việc có thu nhập ổn định nuôi sống cả gia đình là quá xa xỉ với chị.

Năm 1996 tại xã Tân Thọ mở lớp học nghề giành cho những người khuyết tật, chị Thơm theo học nghề đan lát. Thế nhưng, thời điểm ấy sản phẩm làm ra không có nơi tiêu thụ, thành viên trong nhóm thu nhập bấp bênh.

anh-1(4).jpg
500 lao động ở các huyện Quảng Xương, Nông Cống, Đông Sơn đang có việc làm ổn định tại HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ

Năm 2010, Hợp tác xã (HTX) thủ công mỹ nghệ xã Tân Thọ được thành lập, chị Thơm tiếp tục theo học nghề tại đây. Nhờ bản tính siêng năng, chịu khó, chị học, làm nghề nhanh, thuần thục. Hiện nay, đều đặn mỗi tuần chị được các chị em trong hội, nhóm đưa nguyên vật liệu về tận nhà để làm.

Theo chị Thơm, ban đầu đến với nghề chị gặp không ít khó khăn song được các chị em trong nhóm giúp đỡ, chị dần quen việc. “Mỗi tháng tôi có thu nhập từ 2 đến 3 triệu đồng từ làm đồ thủ công mỹ nghệ. Số tiền này giúp tôi trang trải cuộc sống. Hy vọng với sự cố gắng của bản thân, trong tương gia đình tôi cũng có thể vươn lên thoát nghèo như các chị em khác”

Bị tật bẩm sinh ở chân phải, phải di chuyển bằng nạng, ông Đỗ Văn Hội (SN 1956, thôn Phú Quý, xã Tân Thọ, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) loay hoay kiếm tìm công việc nuôi sống bản thân.

anh-2(2).jpg
Ông Hội có nguồn thu nhập ổn định từ làm đồ thủ công mỹ nghệ.

Năm 2010, Hợp tác xã (HTX) thủ công mỹ nghệ xã Tân Thọ được thành lập, ông Hội theo học nghề tại đây. Nhờ bản tính siêng năng, chịu khó, ông Hội học, làm nghề nhanh, thuần thục.

Ông Hội cho biết, với thu nhập mỗi tháng từ 3 đến 5 triệu đồng cùng với số tiền trợ cấp giành cho người khuyết tật, giúp ông có thu nhập ổn định, nuôi được gia đình, cho con gái đi học đến nơi đến chốn. Gia đình ông cũng đã vươn lên thoát nghèo.

Trải qua 13 năm thành lập HTX Tân Thọ đã tạo cơ hội thoát nghèo cho cả trăm trường hợp yếu thế ở các huyện Quảng Xương, Nông Cống, Đông Sơn.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 50 HTX, doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật và tiếp nhận gần 1.000 lao động là người khuyết tật vào làm việc, trong đó có gần 20 HTX, cơ sở có chủ là người khuyết tật.

Xuất khẩu đồ handmade ra nước ngoài

Chị Nguyễn Thị Thắm, giám đốc HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ cho biết: HTX có 20% là người khuyết tật, 80% là phụ nữ đơn thân, nuôi con nhỏ, người nghèo, người quá tuổi lao động. Hiện HTX đang tạo việc làm ổn định cho 500 lao động thuộc các huyện Nông Cống, Đông Sơn, Quảng Xương với mức thu nhập từ 1 đến 6,5 triệu đồng/ người/ tháng. Với lao động là người khuyết tật, sức khỏe yếu được HTX bố trí làm ở những khâu đơn giản, phù hợp. HTX cũng tạo điều kiện để người lao động nhận nguyên liệu về nhà sản xuất.

anh-3(3).jpg
Chị Thắm (áo đen bên phải) đang hướng dẫn các thành viên trong HTX kết sản phẩm mới.

Dù “Tàn nhưng không phế” dưới bàn tay khéo léo của những thành viên trong HTX từ những sợi cói, dây lạt đã kết, tạo dáng thành các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như: bức tranh treo tường, túi xách, giỏ xách hoa quả, dép, các đồ decor… vô cùng đẹp mắt từ những sản phẩn thân thiện với môi trường.

anh-4(1).jpg
Các sản phẩm thủ công bắt mắt, thân thiện với môi trường ở HTX Tân Thọ

Sản phẩm sọt cói, chậu cói của HTX đã được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao . Những năm qua, nhằm tăng giá trị cho các sản phẩm, nâng cao thu nhập người lao động HTX đã chủ động mở rộng thị trường sang Châu Âu, Châu Á.

Theo chị Thắm, các phương Tây rất chuộng đồ handmade, tuy nhiên sản phẩm xuất sang các nước này yêu cầu rất khắt khe, vì vậy các thành viên trong HTX phải học nghề thuần thục, nghiêm khắc và có tính kỷ luật cao trong lao động.

anh-5(1).jpg
Một chiếc đĩa đựng hoa quả được kết bằng cói tới đây sẽ xuất sang các nước phương tây.

Bình quân mỗi năm HTX xuất sang thị trường các nước cả triệu sản phẩm, lợi nhuận thu về trả công cho các hội viên. Năm 2021 đơn vị thu về 20 tỷ đồng, năm 2022 đơn hàng ít, lợi nhuận thu về khoảng 12 tỷ đồng. Từ đầu năm đến giờ, HTX đã xuất sang thị trường các nước hơn 100 nghìn sản phẩm. Sản phẩm rẻ nhất là đôi dép được làm bằng cói có trị giá 10 nghìn đồng, đắt nhất là thảm cói có giá 700 nghìn đồng.

Việc dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật có ý nghĩa rất quan trọng, giúp họ ổn định cuộc sống, vượt qua mặc cảm tật nguyền cùng nhau phát triển kinh tế, nuôi sống bản thân, hòa nhập cộng đồng. Việc liên kết, hỗ trợ lẫn nhau giúp tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người khuyết tật đang là “đòn bẩy” giúp giảm nghèo nhanh, bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mở lớp dạy nghề giúp người khuyết tật vươn lên thoát nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO