Minh bạch trong quản lý, sử dụng đất đai – nhìn từ Sơn La

Nguyễn Nga| 17/01/2023 19:07

(TN&MT) - Năm 2022 là năm có nhiều thách thức, khó khăn đối với công tác quản lý Nhà nước về đất đai.

10 điểm nhấn đột phá

Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự đồng lòng, nỗ lực của tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức, công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Sơn La đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực, hoàn thành các công việc trọng tâm, trọng điểm, công việc phát sinh, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kih tế - xã hội địa phương.

Xác định nhiệm vụ Phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, Kế hoạch sử dụng đất năm 2022 của 12 huyện, thành phố là một trong các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm phục vụ công tác quản lý Nhà nước về đất đai trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV nhiệm kỳ 2020-2025, Sở TN&MT đã nỗ lực tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Nhiệm vụ hoàn thành là tiền đề, cơ sở pháp lý để triển khai các chương trình, dự án có sử dụng đất, đảm bảo sử dụng đất có hiệu quả, tiết kiệm, góp phần bảo vệ môi trường.

Tham mưu thực hiện tốt các nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách pháp luật đất đai, nổi bật là tham mưu triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Kế hoạch số 124-KH/TU ngày 20/9/2022 của Tỉnh ủy Sơn La về triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Kế hoạch triển khai của UBND tỉnh đã xác định rõ nhiệm vụ, thời gian thực hiện của từng cơ quan, đơn vị để có cơ sở tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, đôn đốc, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Bám sát các nội dung chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở TN&MT đã rà soát, tập trung giải quyết các vụ việc tồn đọng, kéo dài. Nhờ đó, trong năm, Thường trực Tỉnh ủy đã đưa 16 vụ việc ra khỏi danh sách theo dõi, chỉ đạo của Tỉnh ủy và giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo, giải quyết.

Công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm trong lĩnh vực đất đai được siết chặt. Sở TN&MT đã tham mưu tổ chức triển khai các nhiệm vụ tại Chỉ thị số số 21-CT/TU ngày 3/8/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La về tăng cường công tác lãnh đạo, quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Sơn La đảm bảo chất lượng, thời gian theo yêu cầu. Qua hoạt động thanh, kiểm tra, đã phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về đất đai với tổng tiền phạt trên 4,68 tỷ đồng. Đảm bảo quản lý, sử dụng đất đúng mục đích, phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.

Đẩy mạnh triển khai kế hoạch khai thác quỹ đất để tạo nguồn thu từ đất, phát huy tiềm năng, tăng nguồn thu từ lĩnh vực đất đai cho ngân sách tỉnh.

anh-dat-dai.jpg

Cùng với đó, Sở TN&MT đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố giải quyết các khó khăn vướng mắc về đất đai, các kiến nghị của cử tri, doanh nghiệp. Đã thành lập các Tổ công tác tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến lĩnh vực đất đai các dự án trọng tâm, trọng điểm và tình hình sử dụng đất của các doanh nghiệp trên toàn tỉnh.

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai đối với các huyện, thành phố và các tổ chức, doanh nghiệp thông qua các cuộc đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình quản lý, sử dụng đất. Tham mưu cho cấp có thẩm quyền chuẩn bị các điều kiện, nội dung liên quan để UBND tỉnh tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Hướng tới hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin về đất đai

Hết năm 2022, tỉnh Sơn La đã cơ bản hoàn thành kết nối cơ sở dữ liệu thuộc Dự án VILG trên địa bàn 6 huyện Phù Yên, Yên Châu, Mai Sơn, Mộc Châu, Sông Mã, Vân Hồ. Bước đầu góp phần hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông theo chỉ đạo của Tỉnh ủy Sơn La.

Thực hiện Dự án Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai (VILG) trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2017-2023, trong năm 2022, Ban quản lý dự án VILG tỉnh Sơn La, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu 35 văn bản đôn đốc, hướng dẫn giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các nhà thầu thi công trong quá trình triển khai dự án.

Đến nay, đã thiết lập nhóm tư vấn cộng đồng cấp tỉnh, nhóm tham gia cộng đồng cấp huyện và tổ chức tập huấn cho nhóm tư vấn cộng đồng cấp tỉnh, huyện. Ban Quản lý dự án VILG tỉnh đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng, phổ biến tài liệu của dự án trên trang thông tin điện tử của Sở tại kênh địa chỉ dự án VILG. Tổ chức đào tạo cho các trưởng thôn, bản, già làng người có uy tín trong cộng đồng theo hình thức trực tuyến tới các xã qua phần mềm Zoom Meetting của 3/6 huyện là Mai Sơn, Phù Yên, Sông Mã và tổ chức trực tiếp tại Mộc Châu, Yên Châu và Vân Hồ.

Giao Văn phòng đăng ký đất đai chỉ đạo các Chi nhánh phân công cán bộ viên chức thuộc Chi nhánh phụ trách từng địa bàn tại các huyện, thị xã, thành phố nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, để tiếp thu ý kiến của đồng bào, trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ đồng bào trong việc hỗ trợ tiếp cận thông tin đất đai và đăng ký đất đai. Xây dựng kênh tiếp nhận thông tin khiếu nại, tranh chấp đất đai tại cộng đồng như mạng lưới Già làng, trưởng bản.

Bà Nguyễn Thanh Huyền, Trưởng phòng Đất đai và Đo đạc bản đồ, Sở Tài nguyên và Môi trường Sơn La cho biết: Hướng tới mục tiêu hoàn thiện, vận hành cơ sở dữ liệu đất đai Quốc gia, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả và minh bạch của công tác quản lý đất đai tại địa bàn, tỉnh Sơn La đã chủ động, tích cực triển khai hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai. Đặc biệt, năm 2021, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 và phải giãn cách xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức 26 cuộc họp, làm việc. Trong đó, có 10 cuộc họp trực tuyến, ngoài giờ vào buổi tối, thứ 7, Chủ nhật với Ban Quản lý dự án VLIG Trung ương, các nhà thầu để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động giải quyết, quyết liệt thực hiện các giải pháp và khắc phục những khó khăn, vướng mắc, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án. Thường xuyên trao đổi, báo cáo với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý dự án Trung ương, Tổng cục Quản lý đất đai để giải quyết, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án.

Qua đó, đã tổ chức đấu thầu và ký hợp đồng với 2 nhà thầu tư vấn giám sát, 9 nhà thầu tham gia thi công và ký thỏa thuận giao việc với Văn phòng đăng ký đất đai. Hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính trên địa bàn 91/104 xã của 6 huyện và xây dựng được cơ sở dữ liệu của gần 710.000 thửa đất, đang vận hành trên hệ thống VBDLIS trên 367.000 thửa đất.

Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, các đơn vị tư vấn kết nối phần mềm VBDLIS với cổng dịch vụ công tỉnh Sơn La thông qua trục kết nối LGSP. Sơn La cũng đã hoàn thành việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu dân cư đối với CSDL đất đai của các huyện thuộc dự án VILG.

Bên cạnh đó, do chưa đủ các điều kiện triển khai dịch vụ công mức độ 4 nên Sơn La dự kiến thực hiện hoàn toàn trên hệ thống của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chuyển kết quả xử lý về cổng dịch vụ công cấp tỉnh. Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành đăng ký tài khoản theo hướng dẫn, đang trong quá trình thiết lập trang quản trị, phân quyền xử lý nghiệp vụ trên hệ thống của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

anh-dat-dai-1.jpg

Văn phòng Đăng ký đất đai Sơn La triển khai tập huấn, cập nhật vận hành cơ sở dữ liệu đất đai trên hệ thống phần mềm VBDLIS.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường đang tiếp tục chỉ đạo hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai khai thác hồ sơ, tài liệu trong dân, tại cấp xã, cấp huyện và các tổ chức, bàn giao cho nhà thầu tiếp tục thi công, hoàn thành đúng mục tiêu, tiến độ dự án. Chỉ đạo các nhà thầu tập trung nhân lực, máy móc thiết bị tiếp tục thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai, xong đến đâu, kịp thời nghiệm thu đến đó, đưa dự án vào vận hành khai thác dữ liệu trên hệ thống quản lý thông tin đất đai quốc gia; nhà thầu giám sát tăng cường giám sát, kiểm tra nghiệm thu đảm bảo kịp tiến độ. Ban Quản lý dự án VILG tỉnh tiếp tục hướng dẫn kỹ thuật, tăng cường tham mưu, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, giám sát, kiểm tra, nghiệm thu sản phẩm dự án, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng.

Nâng cao hiệu quả quản lý đất đai từ cơ sở

Ngay từ đầu năm, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Sơn La đã xây dựng Kế hoạch rà soát, kiểm tra, xử lý vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng. Qua đó, đã phát hiện, xử lý vi phạm hơn 300 trường hợp, tổng tiền phạt hơn 1,6 tỷ đồng.

Là địa phương có nhiều dự án trọng điểm đã và đang được triển khai, công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng đã được cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn thành phố Sơn La quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, xử lý, giải quyết được nhiều tồn tại, vướng mắc từ nhiều năm trước còn tồn đọng; giảm thiểu, hạn chế được nhiều vi phạm phát sinh; nhận thức của cán bộ, công chức, người dân trong sử dụng đất đai, xây dựng được nâng lên rõ rệt.

Đẩy mạnh kiểm tra, xử lý vi phạm về đất đai với 18 trường hợp, tổng tiền phạt gần 200 triệu đồng. Đặc biệt, đã cơ bản giải quyết được nhiều vụ việc đơn thư, khiếu nại phức tạp, kéo dài như: Kiến nghị của 10 hộ tại bản Dửn bị thu hồi đất khi thực hiện dự án Trường Đại học Tây Bắc; Cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho hơn 130 hộ trong vụ việc phá sản của Công ty CP xi măng Chiềng Sinh…

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Sơn La, trong năm 2022, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về đất đai, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, tái định cư; xử lý vi phạm hành chính trong sử dụng đất đai…. Hình thức tuyên truyền được thực hiện đa dạng, lồng ghép phổ biến, quán triệt các quy định trong các hội nghị, cuộc họp, tập huấn. Tổ chức nâng cao kiến thức, bồi dưỡng, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ về xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai. Tuyên truyền thông qua hệ thống loa phát thanh, các buổi sinh hoạt cộng đồng đến các bản, tiểu khu, tổ dân phố, hộ gia đình, cá nhân, nhất là các khu vực triển khai dự án.

Tổ chức công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại trụ sở UBND các cấp, trên cổng thông tin điện tử, các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định, tạo sự đồng thuận chung trong tổ chức thực hiện, làm cơ sở thực hiện các thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo đúng quy hoạch được duyệt. Nhờ đó, nhận thức của người dân về pháp luật đất đai ngày càng đầy đủ, giảm được tình trạng tranh chấp, khiếu kiện về đất đai.

Cùng với đó, tập trung kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng đất của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân. Qua tổng hợp số liệu từ các huyện, thành phố, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý vi phạm hơn 588 trường hợp, tổng tiền phạt hơn 3,3 tỷ đồng. Trong đó, cấp huyện xử phạt 66 trường hợp; cấp xã xử phạt 522 trường hợp. Các hành vi vi phạm chính gồm: Sử dụng đất không đúng mục đích; lấn, chiếm đất; hủy hoại đất; vi phạm trật tự xây dựng…

Quá trình thực hiện cho thấy, ý thức chấp hành pháp luật của một số ít người dân còn hạn chế, cố tình không chấp hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Trường hợp buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm thường không được triệt để và khó thực hiện, do đối tượng vi phạm không tự giác thực hiện Quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Công tác kiểm tra, xử lý, ngăn chặn vi phạm tại một số địa bàn chưa được kịp thời. Việc phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính tại một số nơi chưa được chặt chẽ, chưa đúng quy định.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai, Sở TN&MT tỉnh đang tập trung thanh, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về đất đai với các tổ chức, đảm bảo sử dụng đất đúng mục đích. UBND các huyện, thành phố tiếp tục tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các xã, phường thực hiện tốt quản lý nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng. Kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Đặc biệt, ngày 24/10/2022, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Kế hoạch số 2203/QĐ-UBND về triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tăng cường lãnh đạo, quản lý nhà nước về đất đai với 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đảm bảo xử lý nghiêm các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất, tạo nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, Sơn La sẽ tập trung xử lý dứt điểm các trường hợp lấn chiếm đất, xây dựng trái phép. Xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm, buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng tự ý tách thửa, san ủi đồi núi, san lấp hồ ao, bờ sông, bờ suối... để phân lô, bán nền, xây dựng các công trình trái phép làm phá vỡ quy hoạch, lấn chiếm đất công ích, đất hành lang giao thông để xây dựng nhà ở, công trình trái pháp luật. Thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các dự án không đưa đất hoặc chậm đưa đất vào sử dụng.

Thanh tra, rà soát, đánh giá lại tình hình quản lý, sử dụng quỹ đất công ích (đất 5%) của địa phương. Tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế, vướng mắc kéo dài liên quan đến quản lý và sử dụng đất, các vụ tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai; không để chậm trễ, đùn đẩy trách nhiệm trong giải quyết yêu cầu, khiếu nại của người dân; ngăn ngừa các vi phạm về quản lý, sử dụng đất dẫn tới tranh chấp, khiếu nại, tố cáo. Đặc biệt, phải kịp thời tập trung chỉ đạo quản lý, thanh, kiểm tra các khu vực có hiện tượng gia tăng đột biến về chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tăng giá đất đột biến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Minh bạch trong quản lý, sử dụng đất đai – nhìn từ Sơn La
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO