Minh bạch thông tin đất đai

Phương Anh| 08/12/2022 11:36

(TN&MT) - Công khai, minh bạch là “phương thuốc” để ngăn ngừa tham nhũng trong lĩnh vực đất đai nói riêng và bảo đảm quản lý hiệu quả, phát huy tối đa nguồn lực đất đai trong sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Chế định công khai, minh bạch thông tin đất đai đã được ghi nhận ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật và văn bản dưới luật, thể hiện ở một số khía cạnh cơ bản như công khai, minh bạch trong việc thu hồi đất, công bố thông tin về đất đai, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về đất đai, bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất và đấu giá quyền sử dụng đất, hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, còn tồn tại nhiều hạn chế liên quan đến quá trình quản lý, sử dụng đất, quy hoạch - kế hoạch của cơ quan Nhà nước. Để giải quyết những bất cập nói trên, không chỉ cần các quy định pháp luật cụ thể, minh bạch, mà còn cần đến quyết tâm thực thi chính sách pháp luật một cách công bằng, hài hòa của cơ quan quản lý Nhà nước. Có như vậy, quyền và lợi ích chính đáng của người dân mới được bảo đảm.

Thực tiễn, vướng mắc trong quá trình giải quyết thủ tục đất đai là vấn đề mà người dân, doanh nghiệp “phàn nàn” khá nhiều. Điều này được lý giải bởi quy định pháp luật về đất đai như một “rừng văn bản”. Chính sự phức tạp của các thủ tục đất đai, việc thiếu minh bạch trong quá trình giải quyết TTHC là “mảnh đất màu mỡ” phát sinh nhũng nhiễu, tiêu cực thời gian qua. Không ít trường hợp, để được trôi việc, người dân, doanh nghiệp đành chấp nhận “lót tay” như luật bất thành văn.

Báo cáo Chỉ số hiệu quả và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) 2021 cho thấy, tỷ lệ người làm TTHC xin cấp mới hoặc đổi GCNQSDĐ đã phải chi “lót tay” dao động từ 40% đến hơn 90% ở hơn 40 tỉnh, thành phố.

111.jpg
Thông tin về đất đai được công khai, minh bạch

Còn theo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021, Ủy ban Tư pháp chỉ rõ, cải cách TTHC còn nhiều bất cập. Ở cấp bộ, vẫn còn tình trạng trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ TTHC. Chất lượng một số TTHC chưa cao… Ở cấp tỉnh, việc quản lý, khai thác dịch vụ công trực tuyến, xử lý hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 tỷ lệ còn thấp.

Đáng nói, tình trạng trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ vẫn tồn tại và kéo dài trong nhiều năm. Một số địa phương chậm công bố, cập nhật TTHC, thậm chí còn có trường hợp công bố TTHC của văn bản đã hết hiệu lực thi hành, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong việc tra cứu, tiếp cận TTHC. Nhiều nơi chưa thực hiện tốt việc công khai kết quả giải quyết hồ sơ TTHC; tình trạng trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ ở cả 3 cấp chính quyền tại hầu hết các địa phương và kéo dài trong nhiều năm, nhất là các lĩnh vực về đất đai, xây dựng...

Việc thiếu công khai quá trình giải quyết TTHC là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “ngâm” hồ sơ nếu người dân, doanh nghiệp không biết cách “lót tay”. Do đó, để không còn đất cho các nhũng nhiễu, tiêu cực phát sinh, rất cần sự minh bạch quá trình giải quyết TTHC. Theo đó, các TTHC cần thực hiện trên môi trường điện tử, trong đó, thủ tục đất đai không phải là ngoại lệ.

Mới đây, Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới , hoàn thiện thể chế chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý về sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao được ban hành với mục đích hạn chế tiêu cực, tham nhũng, vừa chống thất thu cho ngân sách, vừa đảm bảo quyền lợi cho người dân, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất. Đặc biệt, giảm tình trạng khiếu kiện kéo dài, vượt cấp suốt nhiều năm qua.

Nghị quyết 18 đã đặt ra yêu cầu bổ sung, hoàn thiện các quy định bảo đảm công khai, minh bạch như: Công khai giá đất, bắt buộc giao dịch qua các sàn giao dịch, thanh toán qua ngân hàng, không dùng tiền mặt; xử lý nghiêm các vi phạm...

Pháp luật cần minh bạch từ những văn bản quy định, không có điểm mù để tham nhũng lách. Khi thực hiện lại càng cần đến sự minh bạch hơn, đó là tiêu chí của xã hội công bằng, văn minh mà chúng ta hướng tới.

Nếu tất cả yêu cầu về công khai, minh bạch được thực hiện nghiêm; nếu người dân được tham gia đóng góp ý kiến, quyết định và giám sát chặt chẽ việc quy hoạch, thu hồi, sử dụng đất; nếu chính quyền địa phương, cơ quan quản lý thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trách nhiệm giải trình về mọi quyết định, mọi khâu trong quản lý, sử dụng đất đai… chắc chắn sự lạm quyền, độc quyền của cơ quan Nhà nước, của cá nhân có thẩm quyền, sự cấu kết của các nhóm lợi ích không thể xảy ra dễ dàng như vậy.

Những kẽ hở pháp lý trong quản lý, sử dụng đất đai thực ra đều đã bộc lộ rất rõ trên thực tế. “Bịt” kín những kẽ hở này là việc phải làm ngay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Minh bạch thông tin đất đai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO