Miền Trung - Tây Nguyên khô hạn, nhiều hồ thủy điện xuống mực nước chết

28/05/2015 00:00

(TN&MT) - Từ đầu năm đến nay, trên khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã xuất hiện tình trạng hạn hán trên diện rộng, ảnh hưởng đến lưu lượng nước về các hồ thủy điện; đồng thời làm mực nước các hồ ngày càng suy giảm nhanh. Thậm chí, nhiều hồ đã ngấp nghé mực nước chết.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương nhận định: Tình hình thời tiết, thủy văn trên phạm vi cả nước trong năm 2015 này diễn biến phức tạp hơn so với năm 2014. Trong đó, tình hình khô hạn, thiếu nước ở các tỉnh ở miền Trung - Tây Nguyên đến khoảng tháng 9/2015 mới dần được cải thiện. Lượng mưa ở các tỉnh ven biển Trung bộ từ tháng 4 đến tháng 9/2015 được dự báo cũng rất thấp.

Nhiều hồ thủy điện xuống mực nước chết
Nhiều hồ thủy điện xuống mực nước chết

Theo đó, các hồ thuỷ điện khu vực miền Trung - Tây Nguyên đang hứng chịu đợt khô hạn được cho là trầm trọng nhất từ trước đến nay. Khô hạn cũng đang khiến hầu hết sông suối đều khô kiệt do lưu lượng nước về thấp. Nghiêm trọng hơn là hiện các hồ thuỷ điện nằm trong khu vực này đang buộc phải co kéo lượng nước trong hồ để vừa phát điện, vừa xả nước tưới tiêu, có những hồ đang dần xuống mực nước chết. Và điều này đang làm tăng nguy cơ hạn cùng thiếu điện tại khu vực. 

Qua khảo sát thực tế, phần lớn các hồ thủy điện, thủy lợi trong khu vực chỉ tích nước đạt từ 30 -70% khiến việc đảm bảo nước để phát điện và cấp nước cho hạ du trong mùa khô năm 2015 đặc biệt khó khăn. Và đến nay, khi bắt đầu bước vào giai đoạn cao điểm của khô hạn, thì việc cảnh báo này ngay từ đầu năm đang trở nên hiện hữu.

Đại diện nhiều công ty thuỷ điện cho biết, họ đang rất khó khăn trong việc tìm đủ nguồn nước để đáp ứng yêu cầu sản xuất điện và năm nay, lượng nước chảy về các hồ là ít nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây. Đến thời điểm hiện tại, tình trạng mất điện, thiếu điện đã xảy ra tại nhiều địa phương trong khu vực miền Trung – Tây nguyên, ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân. 

Bên cạnh đó, hàng ngàn hecta cây trồng đang phải đối diện với nguy cơ hạn, khi mà lượng nước trong các hồ chứa không đủ, các hồ chứa sẽ không thể xả nước để phục vụ nhu cầu tưới tiêu.

Hiện nay, nước trong hồ thủy điện An Khê – Knak tại tỉnh Bình Định chỉ còn khoảng 2,1 triệu m3, bằng 30% so với dung tích thiết kế đến 6 triệu m3 của hồ. Trong khi đó, tại tỉnh Quảng Nam, Thủy điện A Vương từ đầu năm nay cũng rơi vào tình trạng thiếu hụt đến 65 triệu m3nước. Tình hình khô hạn kéo dài khiến Thủy điện A Vương chỉ cầm cự đến 31/8 là hồ xuống đến mực nước chết 340 mét. Hiện hồ Suối Trầu tại tỉnh Khánh Hòa mực nước đã xuống thấp hơn mực nước chết gần 1 mét. Trong khi đó, 7 hồ chứa nước ở phía Nam của tỉnh Khánh Hòa chỉ đạt dưới 40% dung tích thiết kế. Tương tự, tại xã Phổ Cường (huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) vì hồ Liệt Sơn không có nước tưới nên hàng trăm ha đất trồng lúa cũng không được gieo sạ.

Trước tình trạng khô hạn có khả năng diễn biến khốc liệt hơn trong thời gian tới, các địa phương cần chủ động sử dụng các nguồn vốn để hỗ trợ, đưa ra các giải pháp chống hạn, trang bị thêm bơm động lực, điều hành nước ở các hồ chứa. Vì lượng nước còn rất ít, nên cần điều hành một cách khoa học, có giải pháp chống hạn hợp lý, hỗ trợ người dân nạo vét các công trình thủy lợi, khuyến khích tưới tiết kiệm để đảm bảo nguồn nước hiện có.

Hồ Liệt Sơn, Quảng Ngãi cạn nước
Hồ Liệt Sơn, Quảng Ngãi cạn nước

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), khu vực miền Trung - Tây Nguyên trong những tháng đầu năm đến nay phải đối mặt với tình trạng khô hạn nghiêm trọng, lượng nước về tại hầu hết các hồ thủy điện trong khu vực đều giảm thấp hơn so với giá trị trung bình nhiều năm.

Được biết, lượng mưa tháng 3 đến tháng 9/2015 ở các tỉnh ven biển Trung Bộ phổ biến thấp hơn TBNN cùng thời kỳ. Lượng mưa từ tháng 3 đến tháng 5/2015 ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ thấp hơn TBNN cùng thời kỳ. Mùa mưa ở Tây Nguyên, Nam Bộ và Bình Thuận có khả năng đến muộn hơn so với bình thường. Do đó, dòng chảy trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên tiếp tục giảm mạnh. Các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh thấp hơn trung bình nhiều năm từ 30% đến 80%, các sông từ Quảng Bình đến Bình Thuận thấp hơn từ 60% đến 80%, riêng các sông ở Khánh Hòa và Ninh Thuận thấp hơn 80% – 90%, và sông Cái tại Nha Trang hụt đến 90% so với trung bình nhiều năm và xấp xỉ mức thấp nhất trong lịch sử.

Để phần nào khắc phục tình hình đảm bảo an ninh năng lượng, EVN đang tiếp tục chỉ đạo Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia và các đơn vị thành viên theo dõi sát tình hình thủy văn các hồ chứa thủy điện để điều hành hợp lý, vừa giữ cho hệ thống điện Quốc gia vận hành an toàn, vừa cải thiện tình hình cung ứng điện.

Đồng thời, kêu gọi người dân và các doanh nghiệp nâng cao ý thức tiết kiệm điện, đề nghị các cơ quan chức năng có giải pháp xử lý các doanh nghiệp, các cơ quan sử dụng điện lãng phí. Điều đó không chỉ thể hiện văn hóa tiêu dùng mà còn thể hiện sự thông cảm, chia sẻ từ phía các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị và các khách hàng đối với Nhà nước nói chung và ngành điện nói riêng trong điều kiện khó khăn hiện nay.

Bài & ảnh:Ni Na – Quỳnh Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Miền Trung - Tây Nguyên khô hạn, nhiều hồ thủy điện xuống mực nước chết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO