(TN&MT) - Tham gia bảo hiểm tàu cá là một trong những giải pháp giúp cho ngư dân có thể yên tâm hơn và hạn chế những rủi ro có thể xảy ra khi hành nghề trên biển. Tuy nhiên, việc thanh toán “nhập nhằng” của một số doanh nghiệp bảo hiểm đã khiến ngư dân miền Trung nản lòng với bảo hiểm tàu cá.
Lượng tàu cá tham gia bảo hiểm ít
Ở miền Trung, không hiếm chuyện ngư dân bị tổn thất nặng nề về kinh tế do tàu cá, thuyền viên bị tai nạn mà không có bảo hiểm. Tuy vậy, chuyện ngư dân chưa mặn mà với bảo hiểm tàu cá xuất phát từ chính thủ tục rườm rà, nhiêu khê trong thực hiện thanh toán bảo hiểm.
Trước đây, Chính phủ đã có Nghị định 72/CP bắt buộc các chủ tàu cá phải mua bảo hiểm thân tàu và thuyền viên. Thế nhưng tại một số tỉnh duyên hải miền Trung, phần lớn tàu cá lại chưa tham gia bảo hiểm. Tại Phú Yên, theo thống kê sơ bộ trong số hơn 3.800 tàu cá của ngư dân Phú Yên, hiện chỉ có 312 tàu tham gia bảo hiểm tại Bảo Việt Phú Yên, 100 tàu tham gia tại Bảo Minh và một số ít tham gia tại các đơn vị bảo hiểm khác. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm của các thuyền viên hiện cũng rất hiếm hoi.
 |
Vì những thủ tục thanh toán rườm rà, ngư dân miền Trung không mặn mà khi tham gia bảo hiểm tàu cá |
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP. Đà Nẵng, năm 2008, Đà Nẵng có 298/527 tàu công suất 40 mã lực (CV) trở lên mua bảo hiểm, đến năm 2009 chỉ còn 91 tàu, giảm gần 3 lần. Đến giữa năm 2011, tổng số tàu có mua bảo hiểm chỉ còn 50/450 chiếc, giảm gần 2 lần. Cứ mỗi một mùa biển đi qua, lượng tàu cá mua bảo hiểm lại giảm dần.
Còn tại tỉnh Quảng Ngãi, là một trong những địa phương có số tàu thuyền lớn nhất nước với gần 6.000 tàu cá, trong đó khoảng 1/3 số tàu có công suất lớn. Tuy nhiên, số tàu thuyền tham gia mua bảo hiểm vào loại rất thấp. Nếu năm 2008, Quảng Ngãi có hơn 2.200 tàu mua bảo hiểm thì đến nay số tàu tham gia mua bảo hiểm chỉ khoảng 500 chiếc.
Tương tự, tỉnh Quảng Nam cũng là địa phương có số tàu tham gia bảo hiểm quá ít. Theo ông Trần Văn Hưng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành, chỉ tính riêng tàu công suất dưới 90CV huyện đã có hơn 1.800 chiếc. Thời điểm 2008 - 2009, theo Quyết định 289/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngư dân được hỗ trợ dầu với điều kiện bắt buộc là tàu thuyền đó phải có bảo hiểm nên chủ tàu thuyền đổ xô đi mua bảo hiểm. Nhưng từ đầu năm 2010 đến nay, do Quyết định 289/QĐ-TTg không còn hiệu lực nên đội tàu thuyền công suất nhỏ ở Núi Thành cũng “lãng quên” việc mua bảo hiểm. Mặt khác, các chủ tàu cá tại đây cho rằng, tàu mình nhỏ đánh bắt gần bờ nên chẳng có bất trắc gì.
Thủ tục thanh toán… rườm rà
Lý giải vấn đề này, các doanh nghiệp bảo hiểm cho rằng, do nhận thức của ngư dân về việc mua bảo hiểm còn nhiều hạn chế. Trong khi đó sự phối hợp giữa nhà bảo hiểm với các đơn vị liên quan, nhất là các đồn biên phòng lại chưa chặt chẽ. Tuy nhiên, nhiều ngư dân cho rằng, các điều khoản bảo hiểm tàu cá còn quá rườm rà, phức tạp.
Bên cạnh đó, phí bảo hiểm tương đối cao, bình quân một tàu có công suất từ 100CV đến 120CV nếu tham gia bảo hiểm toàn bộ, bao gồm vật chất tàu, trách nhiệm dân sự của chủ tàu và thuyền viên phải mất khoảng 10 triệu đồng/năm. Hiện nay, nghề biển đang gặp khó khăn do chi phí tăng cao nên việc phải tốn thêm một khoản tiền bảo hiểm là thêm một gánh nặng cho chủ tàu. Ngoài ra, nhiều ngư dân miền Trung còn than phiền, mặc dù tàu đã được tham gia bảo hiểm nhưng khi phương tiện bị chết máy phải thuê các tàu khác “dìu” về đất liền, doanh nghiệp bảo hiểm lại không thanh toán số tiền này.
 |
Nếu không mua bảo hiểm tàu cá sẽ gây nhiều thiệt thòi cho ngư dân |
“Khi tàu bị hỏng hóc lúc đi khơi như gãy chân vịt, hỏng máy do gió bão… chẳng bao giờ thấy nhân viên bảo hiểm tới kiểm tra giúp đỡ. Khi ngư dân báo với đại lý bảo hiểm thì họ bảo về kê khai hàng chục thứ chứng thực của biên phòng, người làm chứng, ảnh hiện trường… khiến chủ tàu tức “sôi nước mắt” - Chủ tàu Nguyễn Văn Chiến ở Thọ Quang, Sơn Trà (Đà Nẵng) cho biết. Cũng chính vì lẽ đó, ngay cả các chủ tàu công suất lớn trên địa bàn các tỉnh miền Trung, tuy đóng bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên đầy đủ nhưng trong thâm tâm cũng chẳng mấy mặn mà. Họ thổ lộ rằng dù được hỗ trợ 50% chi phí nhưng mua bảo hiểm cũng chỉ vì bất đắc dĩ khi đi vay tiền, ngân hàng yêu cầu phải mua bảo hiểm mới cho vay vốn.
Việc không mua bảo hiểm sẽ gây nhiều thiệt thòi cho ngư dân. Vì nếu xảy ra tai nạn, chủ tàu sẽ gặp nhiều khó khăn về chi phí sửa chữa hoặc đóng mới tàu thuyền. Theo ông Hồ Phó - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP. Đà Nẵng, hiện ngư dân chưa mặn mà mua bảo hiểm cho tàu cá là một thực tế phổ biến ở các tỉnh miền Trung. “Đối với bảo hiểm tàu cá, cái khó nằm ở chỗ xác định hiện trường tai nạn. Tàu cá gặp nạn nằm giữa biển khơi nên không ai ra đó tìm nguyên nhân, xác định thời điểm tai nạn. Chính vì vậy, việc chi trả các trường hợp tai nạn tàu cá kéo dài, thủ tục nhiêu khê… dễ làm nản lòng ngư dân” - ông Hồ Phó nói.
Bài & ảnh: Xuân Lam - Văn Hà