Miền Tây cần chuẩn bị ứng phó triều cường sắp diễn ra 

Hùng Long| 28/08/2020 18:33

(TN&MT) - Theo nhận định của Bộ TN&MT, có 4 đợt triều cường sắp diễn ra vào những tháng cuối năm, các địa phương miền Tây cần nhanh chóng triển khai phương án chủ động ứng phó.

Cũng như các đô thị vùng giữa, vùng ven biển, TP.Cần Thơ thường xuyên bị ngập lụt trong các đợt triều cường, có thể sẽ bị ngập lụt sâu hơn vào cuối tháng 9 tới do triều cường trùng với đỉnh lũ năm.

Đúng như nhận định của Bộ TN&MT về tình hình thời tiết, thiên tai năm 2020, thời tiết năm nay diễn ra trên nền nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm, ở miền Tây mùa mưa đã đến muộn, lũ không về sớm, khả năng đỉnh lũ năm nay sẽ xuất hiện vào cuối tháng 9 và mực nước cao nhất năm nay trên sông Tiền (tại Tân Châu) và sông Hậu (tại Châu Đốc) có thể thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm từ 0,2-0,4m.

Cũng theo nhân định của Bộ TN&MT, ven biển Nam bộ sẽ xuất hiện 4 đợt triều cường cao (vào các ngày 18 -21/9; 15-19/10; 14-18/11 và 13-17/12/2020), với độ cao triều cường có thể chạm mức kỷ lục vào ngày 18/10/2020 trong trường hợp trùng với kỳ hoạt động của gió chướng. 

Đáng lưu ý, nhiều khả năng 2 đợt triều cường trong tháng 9 (từ ngày 18 – 21/9) và tháng 10 (từ ngày 15 - 19/10) có thể trùng với thời điểm xuất hiện đỉnh lũ của năm, lưu lượng nước thượng nguồn đổ về gia tăng, mực nước ở các địa phương vùng giữa và ven biển sẽ dâng cao.

Theo đó, có thể chỉ vài tuần tới, lưu lượng nước Mekong đổ vào sông Tiền, sông Hậu sẽ gia tăng, trùng với đợt triều cường đầu tiên diễn ra trong 3 ngày (từ 18 – 21/9), mực nước biển dâng cao bất thường, kèm theo sóng lớn (đã có năm từ 2 – 3m), tác động trực tiếp đến đai rừng phòng hộ, đe dọa các tuyến đê kè ven biển, tràn vào nội đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến diện tích nuôi trồng thủy hải sản, hoa màu và hệ thống kết cấu hạ tầng, gây ngập cục bộ ở các tuyến dân cư, các đô thị vùng giữa và vùng ven biển miền Tây.

Các vị trí sạt lở bờ sông sẽ bị ảnh hưởng, có thể diễn biến phức tạp hơn trong tình huống triều cường trùng đỉnh lũ. 

Hiện trên 730km toàn tuyến bờ biển miền Tây đang bị sạt lở hơn 200km, nhiều vị trí có thể tiếp diễn trầm trọng hơn trong tình huống nước biển dâng cao, gió chướng, sóng to, đe dọa đến hệ thống đê phòng hộ ven biển, ảnh hưởng sinh hoạt, sản xuất của hàng trăm ngàn hộ dân, hàng triệu hec – ta nuôi trồng thủy hải sản, hoa màu ven biển.

Địa bàn trọng điểm hiện nay là tỉnh Cà Mau, có tới 108km bờ sông, bờ biển bị sạt lở, làm hư hỏng nhiều tuyến đường, nhà dân và sụt lún hơn 1.300 vị trí ở nhiều tuyến đường giao thông, với chiều dài trên 42km. Toàn tuyến bờ biển dài 254km trong địa bàn tỉnh Cà Mau có tới 80% bị sạt lở tấn công, với tốc độ sạt lở từ 20 đến 25m/năm, cá biệt có những nơi sạt lở tới 50m/năm, riêng bờ biển Tây có khoảng 57km bị sạt lở ở mức cực kỳ nguy hiểm.

Ghi nhận của Sở NN&PTNT Cà Mau cho thấy tại 3 đoạn (đoạn từ Tiểu Dừa đến Ba Tình, 25km; đoạn từ Ba Tình đến Mũi Tràm, 17km; đoạn từ Sông Đốc đến Bảy Háp, 15km) thuộc huyện U Minh và huyện Trần Văn Thời, đai rừng phòng hộ chỉ còn vài chục mét, thậm chí có nhiều nơi không còn rừng phòng hộ, sóng biển thường xuyên uy hiếp đê biển Tây có thể vỡ đê bất cứ lúc nào. 

Tháng 8/2019, do triều cường, sóng to, gió lớn, nước biển dâng đe dọa vỡ đê biển Tây, tỉnh Cà Mau đã huy động lực lượng, phương tiện hộ đê biển Tây.

Cao điểm mùa mưa năm trước (ngày 3/8/2019), triều cường, nước dâng kết hợp mưa dông, sóng lớn, nước biển đã tràn qua toàn tuyến đê biển Tây từ 0,3 – 0,4m, gây sạt lở đặc biệt nguy hiểm cho tuyến đê biển Tây, với chiều dài 2,1km, trong đó có 350m có nguy cơ vỡ đê và sạt lở nguy hiểm với chiều dài hơn 5,4km có nguy cơ vỡ đê, địa phương đã phải huy động lực lượng, phương tiện đầu tư 50 tỉ đồng thực hiện công trình xử lý suốt thời gian qua.

Cuối tháng 7 vừa qua, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, xảy ra mưa lớn kéo dài kèm theo lốc xoáy, sóng mạnh tuyến đê biển qua 2 huyện Trần Văn Thời và U Minh tiếp tục bị sụt lún dài hơn 240m, đã xuất hiện các vết nứt sụp lún từ 60 -120mm, với chiều dài gần 6km, đai rừng rất mỏng, thậm chí có đoạn không còn đai rừng, sóng trực tiếp đánh vào chân đê, có đoạn đê rất thấp, có khả năng bị tràn nếu triều cường tiếp tục dâng cao.

Để tránh nguy cơ vỡ đê biển Tây ảnh hưởng trực tiếp tới 26.100 hộ dân sinh sống ven biển với diện tích sản xuất khoảng 128.900ha thuộc các xã Khánh Tiến (huyện U Minh), xã Khánh Hải, Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời), Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ban bố tình trạng khẩn cấp nhằm triển khai thực hiện giải pháp công trình khẩn cấp khắc phục sạt lở tại 4 đoạn (hơn 3,3km) sạt lở nguy hiểm để bảo vệ đê biển Tây và khoanh vùng cảnh báo, vận động di dời dân cư ra khỏi vùng có nguy cơ, bố trí lực lượng trực theo dõi, xử lý các tình huống.

Việc nhanh chóng triển khai phương án chủ động ứng phó triều cường ở các địa phương - nhất là vùng ven biển, như tỉnh Cà Mau, để giảm thiểu khả năng diễn biến phức tạp, trầm trọng hơn tại 564 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển, với chiều dài trên 834km, trước áp lực sóng, nước, trong các đợt triều cường rất cần được chú trọng triển khai thực hiện kịp thời để tránh thiệt hại, đảm bảo duy trì sinh hoạt, sản xuất an toàn, hiệu quả.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Miền Tây cần chuẩn bị ứng phó triều cường sắp diễn ra 
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO