Miền quê khởi sắc

Lê Hùng| 02/02/2022 09:21

(TN&MT) - Giao thông thông thoáng, môi trường xanh - sạch - đẹp đã và đang tạo nên bức tranh nhiều màu sắc sinh động của miền quê đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khi mùa Xuân mới sắp về.

Cảnh quan tươi đẹp

Trong tiết trời se lạnh của những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp về thăm huyện nông thôn mới Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ. Dọc hai bên đường dẫn vào trung tâm huyện, hàng trăm cây hoa hoàng yến khoe sắc vàng xen lẫn màu xanh của cây sao, cây dầu. Lấp ló phía sau hàng cây là những ngôi nhà ngói đỏ mới xây còn phảng phất mùi sơn. Xa xa, mấy chú mấy cô đang lom khom phơi những mẻ khô cá lóc, lạp xưởng,… chuẩn bị đón Tết Nhâm Dần.

a1vvvvvvvvvvvvv.jpg
Diện tích không gian xanh, mặt nước tại các khu vực nông thôn vùng ĐBSCL được mở rộng.

Với tay bóc những tờ lịch cuối cùng của năm 2021, ông Đào Mến (ở ấp Thới Xuân, thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ), hồ hởi kể về ngôi nhà mới xây của mình. Đó là căn nhà tường kiên cố với ba phòng ngủ, một phòng khách và bếp ăn đủ để con cháu sum vầy trong những ngày về quê ăn Tết cùng ông bà.

“Để có được thành quả này, gần 10 năm nay, vợ chồng tôi đã tăng gia sản xuất, linh hoạt chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thuận theo tự nhiên. Từ đó, mỗi năm, vợ chồng tôi thu lãi khoảng 70 triệu đồng. Với nguồn thu nhập này, không chỉ giúp vợ chồng tôi hoàn thành ước mơ có căn nhà mới mà đời sống vật chất của gia đình cũng được nâng lên”, ông Đào Mến phấn khởi nói.

Cùng với sự đổi thay trong mỗi hộ gia đình, miền quê Cờ Đỏ như được thay áo mới. Từ những con đường bê tông phẳng phiu đến cây cầu khỉ ngày nào giờ được thay bằng xi măng, cốt thép kiên cố, rộng rãi; hệ thống điện, nước, cảnh quan môi trường ngày càng hoàn thiện, khang trang, cho vùng nông thôn càng thêm khởi sắc.

Sự đổi thay ấy không chỉ ở một xã, một huyện trên địa bàn TP. Cần Thơ, mà đang diễn ra từng ngày và ở hầu khắp các miền quê vùng ĐBSCL. Trong những ngày này, nếu có dịp về thăm huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, du khách không chỉ trải nghiệm không khí miền quê thanh bình, cảnh quan tươi đẹp, miệt vườn sum suê cây lành trái ngọt, mà còn thích thú với những tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp.

Đây là kết quả của sự đồng thuận giữa chính quyền, người dân trong việc góp công, góp sức đắp lề, trồng hoa, làm cỏ, tưới cây, dọn rác dọc theo các tuyến đường. Đơn cử như tuyến đường huyện lộ thuộc ấp Kinh Giữa 1, xã Kế Thành, huyện Kế Sách, có chiều dài hơn 4km. Dọc hai bên đường đặt hơn 200 bồn hoa giấy, hoa mười giờ, xen kẽ chiều tím, hoàng yến. Vào ban đêm, hệ thống đèn led lung linh chiếu sáng mặt đường tạo thuận tiện cho người dân qua lại an toàn.

Mới đây, chúng tôi cũng đã có dịp ghé qua xã Đại Thành - xã nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Hậu Giang. Nhịp sống nơi đây đang rộn ràng, náo nhiệt khi mùa xuân sắp về. Trên những cung đường quê, từng hàng rào cây xanh vươn mình chào nắng mới. “Từ khi được công nhận xã nông thôn mới, chính quyền và người dân luôn ưu tiên trồng cây, vệ sinh dọc các tuyến đường vào xóm, ấp và nhiều tuyến đường ở xã để trở thành tuyến đường đẹp, kiểu mẫu của tỉnh Hậu Giang” - ông Dương Văn Giang, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đại Thành phấn khởi nói.

Còn ông Đỗ Minh Liễu (ở ấp Ba Ngàn A, xã Đại Thành, TP. Ngã Bảy) dù đã bước qua tuổi 70, nhưng hàng ngày, ông Liễu vẫn miệt mài chăm sóc, cắt tỉa cho hàng rào cây xanh do chính tay ông trồng gần 10 năm trước. “Việc chăm sóc cây xanh hay vệ sinh môi trường không chỉ làm đẹp cho nơi mình ở mà còn góp phần xây dựng miền quê với cảnh quan môi trường ngày càng xanh - sạch - đẹp” - ông Liễu chia sẻ.

a2.-canh-quan-xanh.jpg
Cảnh quan xanh - sạch - đẹp đã tạo nên bức tranh nông thôn đáng sống tại miền quê vùng ĐBSCL.

Vùng quê đáng sống

Nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng nông thôn, hiện nay, các cấp chính quyền địa phương vùng ĐBSCL đang tập trung triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi; cải thiện thu nhập cho người dân vùng nông thôn; đồng thời, xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp để nơi đây sớm trở thành vùng quê đáng sống.

Tỉnh Sóc Trăng hiện nay đang tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn thông qua Đề án “tái cơ cấu ngành nông nghiệp”; hướng dẫn nông dân cải tạo, chăm sóc vườn cây có giá trị kinh tế cao phù hợp với tình hình sản xuất địa phương và thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, tỉnh Sóc Trăng cũng tạo liên kết giữa doanh nghiệp và nhà vườn nhằm tìm đầu ra lâu dài cho các loại trái cây đặc sản trên địa bàn tỉnh.

Còn huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ vốn nổi tiếng với hệ thống kênh rạch chằng chịt uốn lượn quanh những vườn cây ăn trái rộng lớn là điều kiện thuận lợi để trở thành lá “phổi xanh” của thành phố hiện đang tập trung quy hoạch phát triển hạ tầng theo hướng ít xâm phạm đến môi trường tự nhiên, tăng diện tích không gian xanh và mặt nước; phân chia khu vực phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, dã ngoại miệt vườn.

Men theo Quốc lộ 1A về miệt vườn Hậu Giang, trên các tuyến đường tỉnh lộ, huyện lộ,.. ở khu vực nông thôn đều hiện diện các bảng pa nô, áp phích tuyên truyền về bảo vệ môi trường, nói không với chất thải nhựa. Trong mỗi cơ quan, đơn vị, trường học, khu thương mại, hộ gia đình đang từng bước giảm dần việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần. Phong trào vệ sinh môi trường, khơi thông kênh mương, xử lý chất thải đang được các cấp chính quyền và người dân quan tâm thực hiện, góp phần xây dựng quê hương Hậu Giang ngày càng khởi sắc.

Với hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng được đầu tư hoàn chỉnh, cảnh quan xanh - sạch - đẹp, kinh tế hộ gia đình phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân địa phương được nâng lên. Bức tranh nông thôn với nhiều gam màu tươi sáng là minh chứng “sống” cho sự phát triển không ngừng của miền quê ĐBSCL. Đó là kết quả tất yếu của các chương trình, chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở vùng ĐBSCL trong những năm vừa qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Miền quê khởi sắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO