Xã hội

Miền hoang sơ

Ghi chép của Đinh Thành Minh 07/03/2024 - 12:01

(TN&MT) - Dọc theo những triền núi phía Tây tỉnh Quảng Bình, giáp ranh nước bạn Lào, có tộc người Ma-Coong sống rải rác tại 18 bản thuộc xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch).

quang-binh-vuong-quoc-hang-dong.jpg

Những tên bản, tên làng, xã chỉ mới nghe thôi cũng đủ để hình dung ra sự heo hút, xa xôi. Nào là những Bản Ban, Bản But, Bản Troi, Bản Aky, Bản Khe Rum, những Tuộc, Me Lỳ, Chăm Pu, Nịu, Cóc, Cu Tồn, Cồn Roàng, Cờ Đỏ,... hết tên rồi đến số, Bản 51, Bản 61, Cà Roòng 1, Cà Roòng 2 Nôồng 1, Nôồng 2,...

Tôi may mắn đã từng được đến công tác ở đây và phần nào thấu hiểu những nỗi khó khăn vất vả của con người trên vùng đất nắng gió này.

Những làn da cháy sạm vì cái nắng hắt vào đá phả ra sức nóng kinh khủng, những khe nước mùa mưa thì đổ dồn hung dữ như những con thuồng luồng muốn nuốt chửng tất cả vào bụng, còn mùa khô thì cạn kiệt tận đáy, người dân phải hứng từng giọt nước rỉ ra từ rễ cây rừng để uống, nhiều ngày liền không có nước để tắm. Ở đây chỉ thấy rõ hai mùa là mùa khô và mùa mưa chứ không có bốn mùa như ở đồng bằng. Mùa mưa từ tháng Tám đến tháng Mười hai, còn lại là mùa khô. Mùa mưa, đêm lạnh đến thấu xương, hơi lạnh từ núi đá phả ra, giữa đêm phải đốt củi để sưởi ấm. Mùa mưa là vậy, mùa nắng còn kinh khủng hơn. Người ta biết đến Quảng Bình với cái từ tựu chung (cát trắng, gió Lào) thì chính nơi đây là vùng gió Lào thổi qua khốc liệt nhất, gió Lào hanh khô khó chịu, chỉ qua một đêm, sáng ngủ dậy đã thấy khô rạc người, tóc tai dựng đứng xơ xác. Gió Lào thổi phờ phạc cả cây rừng. Hồi đầu mới lên đây công tác, tôi cứ nghĩ mình không sống nổi vì nắng thốc vào mặt mũi làm đầu choáng váng, tưởng như chực chờ bóp nghẹt ngực mình. Vậy mà những người dân nơi đây, họ vẫn hiên ngang chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt. Những nương rẫy vẫn xanh màu ngô lúa.

Trước đây, khi vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng chưa được công nhận là quần thể sinh học cần được bảo tồn gìn giữ, người dân săn bắn, hái lượm như những thổ dân, ăn những thứ kiếm được, trồng lúa rẫy, đời sống tự cung tự cấp rất kham khổ. Sau này, người dưới xuôi lên buôn bán giao thương, dân bản mới biết đến những hàng hóa từ miền xuôi mang lên. Hằng đêm, trong những ngôi nhà sàn tối mịt, người đồng bào chỉ biết đốt bếp lửa lên vừa sưởi ấm vừa lấy ánh sáng.

Giờ đây, ánh sáng của Đảng đã soi rọi và chính sách quan tâm của Nhà nước đã đến với từng ngôi nhà, điện đã về với các bản làng, ấm no đã về với các bản làng.

Đặc biệt, khi Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, vùng miền núi xã Thượng Trạch thuộc vùng đệm của Vườn Quốc gia đã thực sự thay đổi, bà con không còn săn bắt động vật quý hiếm và khai thác cây rừng bừa bãi như trước đây. Nhà nước hỗ trợ làm nhà cho dân bản, bộ đội xây những chốt đồn kiên cố, trạm kiểm lâm được xây dựng khang trang, các lớp học trên các bản làng được đầu tư xây dựng, thầy cô giáo tăng cường dạy chữ trồng người trên các bản làng. Cuộc sống từng ngày thay da đổi thịt và thay đổi trong từng nếp nghĩ. Năm 2012, có một học sinh người địa phương trúng tuyển Trường Sư phạm, sau khi tốt nghiệp đã tình nguyện trở về quê hương, dạy học ở Trường Nội trú Bố Trạch (trường đóng tại xã Thượng Trạch, dạy học sinh từ 18 điểm bản trong xã).

Người Thượng Trạch sống hòa đồng với thiên nhiên. Trong đời sống văn hóa, tâm linh, họ có một số lễ hội và phong tục cúng tế thần linh, trời đất rất khác biệt. Có những bài thuốc quý mang về từ rừng mà họ xem như là thuốc tiên thổi lành các bệnh thông thường. Được sống trong môi trường trong lành do rừng mang lại, lại được tận dụng nguồn dược liệu quý hiếm từ rừng nên người dân Thượng Trạch nói chung, đồng bào Ma-Coong nói riêng rất ít khi phải đi bệnh viện. Tôi đã từng chứng kiến có lần, có thầy giáo đánh bóng chuyền sơ ý ngã bong gân, bàn chân sưng tấy không nhắc nổi để đi, vậy mà già làng ở bản chỉ có ngậm rượu thuốc thổi vào chân, một lát thì thấy giảm dần sưng tấy rồi sau đó ngúc ngoắc đi lại được và không còn thấy đau. Lại có người thái rau chẳng may tay bị dính dao chảy máu, vậy mà già làng cũng chỉ dùng thuốc thổi cầm máu, một lát là chỗ đứt khép liền miệng lại, máu ngừng chảy. Chỉ có điều, trước khi thổi, già làng có lẩm nhẩm những lời rất nhỏ nghe không rõ. Hẳn là Già xin thần rừng, thần cây thuốc cho phước để tăng sức mạnh của vị thuốc chăng? Có nhiều điều huyền bí riêng có của tộc người này mà không phải tất cả mọi người đều làm được, thổi thuốc cũng vậy, chỉ người trong dòng họ mới được truyền lại, từ đời này qua đời khác.

Mùa Xuân ở đây có lễ hội đập trống Ma-Coong, lễ hội mừng mùa trăng mới đầu năm âm lịch tổ chức vào ngày 16 tháng Giêng. Từ trước ngày 14 tháng Giêng, đồng bào từ 18 bản trong xã Thượng Trạch đã vượt những con suối ngoằn ngoèo, những con đường đá cheo leo khúc khuỷu để về trung tâm bản Cà Roòng 1 - bản được hình thành, phát triển đầu tiên của vùng). Họ chung tay làm trống, chuẩn bị mâm cỗ cúng thần linh cầu mưa thuận gió hòa để sản xuất chăn nuôi nhiều thuận lợi, lúa đầy rẫy, gà lợn đầy vườn.

z5223845343342_6c4f17e6d2c77436ac3c88dab7fa26bd.jpg
Mặt trống được bịt bởi da của một con trâu to khỏe. Ảnh: Ngô Huyền

Sau khi chuẩn bị xong xuôi thì họ lập đàn làm lễ cúng tế Giàng. Theo quan niệm của người Ma-Coong, Giàng là trời, vị thần linh tối cao, ban xuống cho bản làng cuộc sống bình yên. Già làng khấn bằng tiếng dân tộc của đồng bào Ma-Coong (đồng bào Ma-Coong, giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ của riêng mình, khi nói chuyện với người Kinh thì nói tiếng phổ thông).

z5223845334595_770bd7df06affd94a55b27e75a8c64a4.jpg
Mặt trống được bịt bởi da của một con trâu to khỏe. Ảnh: Ngô HuyềnGià làng cúng cầu trời, đất cho mưa thuận gió hòa, nương rẫy được tươi tốt, bản làng được ấm no, khỏe mạnh, gia súc không bị dịch bệnh... Ảnh: Ngô Huyền

Cúng tế xong, các thiếu nữ đi vòng quanh trống múa điệu múa truyền thống của dân tộc mình. Già làng cử ra những chàng trai khỏe mạnh nhất, cầm những cái dùi trống bằng gỗ hoặc bằng dây mây đã chuẩn bị sẵn để đánh vào trống. Điệu múa kết thúc cũng là lúc tiếng trống vang vọng khắp núi rừng, các chàng trai vừa đánh trống vừa hô “Rõa lữ Giàng ơi” (câu này người Ma-Coong dịch ra tiếng Kinh có nghĩa là sung sướng hoặc vui thích lắm trời ơi). Trống đánh phải càng mạnh càng tốt, đồng bào Ma-Coong quan niệm, nếu năm nào trống vỡ thì năm đó được mùa và cuộc sống thuận lợi, trời cho mưa thuận gió hòa, ít dịch bệnh.

z5223845350340_897592975c0e796907ffc32b39854d9a.jpg
Đập cho tới khi tang trống vỡ, mặt trống thủng mới là may mắn. Ảnh: Ngô Huyền

Bên những ché rượu cần ủ bằng lá rừng - một đặc sản riêng có của vùng đất này, những trai thanh nữ tú có tình ý riêng tư liếc mắt đưa tình, khi rượu làm ngà ngà ánh mắt, họ quyến luyến nắm tay tìm chỗ vắng tự tình thâu đêm. Từ lễ hội đập trống Ma-Coong, gái trai hẹn hò trong mùa yêu và nhiều đôi thành vợ thành chồng, sinh con đẻ cái và xây dựng bản làng.

Lễ hội đập trống Ma-Coong rất độc đáo và đã trở thành nét đẹp văn hóa trong cộng đồng làng bản của người Ma-Coong và được Nhà nước công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào mùa đập trống tháng Giêng năm 2019. Giờ đây, mặc dù cuộc sống ngày càng đổi thay tích cực nhưng những nét văn hóa vẫn được đồng bào

Ma-Coong giữ gìn, bảo tồn và phát huy trong các lễ hội mùa xuân. Nhớ lại những năm tháng trước đây, tôi cho rằng, Nhà nước ta đã làm được một điều rất tốt đó là vừa phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhưng vẫn đảm bảo giữ được bản sắc văn hóa vùng miền mà Lễ hội đập trống Ma-Coong là một điển hình. Tôi mong, theo thời gian, nhiều lễ hội như thế được khôi phục, bảo tồn để dưới ánh sáng của Đảng và sự quan tâm của Nhà nước, cuộc sống của người dân trên mọi miền đất nước nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng ngày càng ấm no và ý nghĩa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Miền hoang sơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO