Mặt đất thương bàn chân cuốc bộ

Nhà thơ Anh Ngọc| 01/02/2022 07:12

(TN&MT) - Đã từ lâu tôi có thói quen đi bộ dọc con đường Phan Đình Phùng, lên phía đại lộ Hùng Vương - một công việc tôi vẫn làm một cách cần mẫn vào mỗi khoảng thời gian nhàn rỗi, sau buổi làm việc chiều và trước bữa cơm tối.

Có ai đó đã nói đi bộ là hành vi cao thượng của con người. Tôi không biết có đúng thế không, chỉ biết rằng đi bộ là một việc làm rất thích thú, ấy là khi ta gần như được giải phóng hoàn toàn khỏi các ràng buộc của công việc, của xung quanh, ta được từ tốn và nhẩn nha nhấm nháp thiên nhiên, cảnh vật, ta được sống trọn vẹn với thế giới riêng tư, cả ý nghĩ và tâm hồn ta đều như con ngựa không cương, mặc sức rong ruổi đến cùng trời cuối đất. Khi bàn chân ta ướm trên mặt đất, ta mới cảm nghe được bao điều thẳm sâu mà đất vẫn hằng giấu kín.

Câu chuyện đầu tiên của những người đi bộ là lắng nghe và trò chuyện với những hàng cây. Chao ôi là những hàng cây Hà Nội. Chúng nào phải là những cái cây, chúng là một mảnh đời ta đó. Có con người Hà Nội nào không lớn lên bên một thân cây? Và tuổi thơ ta chính là gửi vào trong những lớp vỏ cây già, để mặc cho ta lớn lên, già đi, những hàng cây vẫn mãi cứ trẻ trung, mãi cứ ngây thơ chơi trò trốn bắt với lũ chim trời. Tôi đã hiểu ra rồi, vì sao mà Hà Nội có nhiều bài hát hay đến thế. Chính là nhờ những hàng cây. Này nhé: “Nhớ phố Khâm Thiên rợp bóng cây, tiếng ve ru những trưa hè…”, và đây nữa: “Ta còn em mùi hoàng lan, ta còn em mùi hoa sữa…”, và chưa hết: “Hà Nội mùa thu cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ nằm kề bên nhau…”. Đố bạn tìm thấy một bài hát thật hay nào về Hà Nội mà thiếu nói đến một loài cây. Nhà thơ đằm thắm bậc nhất, chàng trai Hà Nội hào hoa và bạc mệnh Lưu Quang Vũ đã đặt tên cho tập thơ đầu của mình là “Hương cây” chẳng phải là một hàm ý thâm trầm lắm đó sao.

Còn với tôi, chính nhờ những buổi chiều đi bộ như vậy mà tôi đã có được một bài thơ thú vị, mà thú vị nhất chính là hai câu:

Mặt đất thương bàn chân cuốc bộ

Mọc hàng cây để trò chuyện cùng người

Hai câu thơ ấy tôi làm là để ghi lại những cuộc chuyện trò của tôi với những hàng cây Hà Nội. Những cuộc trò chuyện với cây rốt cuộc lại là trò chuyện với người, về người. Như trong những bài thơ Đường kinh điển, thoạt đầu bao giờ cũng là cảnh, liền sau đó lại là tình. Cảnh và tình cứ đan cài, cứ đưa đẩy nhau đi. Tôi cũng thế, tôi bị lẫn giữa người và cảnh. Người Hà Nội thanh lịch và cởi mở, duyên dáng nhưng không kiêu kỳ. Lại còn thêm cái giọng nói ngân nga và thanh thoát, mà cái dấu sắc đặc thù của người Hà Nội gốc thì bao giờ cũng võng xuống rồi mới uốn lên, nghe không nhẹ bẫng mà lại chìm, như nhấn vào thính giác của người nghe đa cảm và nhạy cảm. Tôi đã bắt gặp những cô gái Hà Nội vừa nói vừa như tự thưởng thức giọng nói của mình, một điều thật hiếm thấy và cũng thật thú vị.

Còn cảnh ư? Tôi đã qua lại dễ thường đến cả ngàn lần cái cổng thành Cửa Bắc rêu phong, với hai vết đạn pháo của quân Pháp vẫn phơi ra đấy đến hơn trăm năm nay. Tất cả ngỡ như đã chai lì, đã mòn trơ ra cả. Ấy thế mà vẫn còn bao điều phải nghĩ, phải nói. Đã nhắc đến thơ Đường, thì lại xin mượn thơ Đường để ví cái cổng thành “Chính Bắc môn” quay ra con đường Phan Đình Phùng người xe như nước ấy có cái gì như thể một bài thơ Đường cổ kính vừa nghiêm ngắn về niêm luật, vừa thăm thẳm một nỗi cảm hoài của lớp lớp rêu xanh trên đá xanh.

nd-55.jpg
Ảnh: Hoàng Minh

Lịch sử là bất di bất dịch. Suy nghĩ và cảm xúc của con người có thể thay đổi theo hoàn cảnh, nhưng lịch sử thì không. Và lịch sử, từ trên cái cổng thành Cửa Bắc ấy vẫn hàng ngày nhìn tôi, nhắc nhở tôi bằng những lời uy nghiêm của đá.

Bàn chân thả bộ của tôi chợt như sững lại, hình như tôi đang ở đâu giữa chừng quá khứ và hiện tại. Mắt tôi bỗng nhòa đi, hay do chính lớp mưa bụi đầu xuân vừa từ trời cao buông xuống. Tôi vừa nói đến cái gì nhỉ? Mưa bụi! Lại thêm một nét quyến rũ đặc thù của Hà Nội. Mưa bụi là nằm giữa của hai hiện tượng “mù” và “mưa”. Những ai đã một lần, vào những ngày đầu xuân, đi qua đường Thanh Niên, con đường lồng giữa Hồ Tây và hồ Trúc Bạch, có thể sẽ mục kích cái cảnh sương khói dày đặc đến nỗi cách xa chừng hai mươi mét là không nhìn thấy gì, đến nỗi giữa ban ngày mà xe cộ phải bật đèn pha lên để tránh gây tai nạn. Mưa không ướt đất, mưa mà như không, những hạt nước li ti không rơi xuống, mà bay ngang, bay là là, có khi lại còn bay ngược trở lên… Thực không bút nào diễn đạt nổi vẻ đẹp đến nao lòng của những làn mưa bụi Hà Nội. Vạn vật bị phủ lên một lớp voan mỏng ẩm ướt, màu xám nhạt, khiến tất cả như trôi trong một giấc mơ. Ấy là cái thời khắc mà theo cách diễn đạt của nhà thơ xứ Đaghextan, Raxun Gamdatốp: Anh không còn thấy phố, thấy nhà, không còn thấy cây, thấy lá, anh chỉ còn nhìn thấy cuộc đời đã qua đang hiện lên trước mắt… Cảnh trí ấy, thời khắc ấy giục con người trở về cùng hồi ức, sống lại cùng hoài niệm, mà có hoài niệm nào là không đẹp, không bồi hồi xao xuyến ở trên đời…

Chao ôi mưa bụi, ơi mưa bụi

Bút mực vô duyên lỡ hẹn rồi

Ước gì trở lại xuân năm cũ

Để được “làm mưa tan giữa trời”

(Tạ lỗi cùng mưa bụi - A.N.)

Tôi đã viết một bài tùy bút mùa xuân chẳng đâu vào với đâu. Có lẽ đó là lỗi của mùa xuân Hà Nội - Chính vẻ đẹp huy hoàng và không sao diễn tả nổi của mùa xuân Hà Nội đã phá vỡ mọi ý đồ cấu trúc chặt chẽ, những bố cục mạch lạc mà tôi đã tỉnh táo đề ra từ khi chưa cầm bút. Không phải tôi đang nói, mà chính mùa xuân đang mượn tay tôi, miệng tôi nói hộ Người. Tôi, con ong bé nhỏ và tham lam, làm sao cưỡng nổi muôn ngàn sắc hương, muôn ngàn mật ngọt từ triệu, triệu đóa hoa xuân.

Chỉ biết rằng, giữa một ngày xuân mới, được sống trọn vẹn với cảnh và người Hà Nội, được trò chuyện với một hàng cây, một con phố cổ, được nhìn vạn vật sau lớp mưa bụi bay… thực là sung sướng biết bao. Và đó chính là hạnh phúc. Bởi vì hạnh phúc không bao giờ ở ngoài chúng ta, hạnh phúc chỉ có ở trong lòng ta, cái mà ta gọi là tâm hồn ấy.

Tôi biết, Hà Nội của chúng ta đang từng ngày từng giờ đổi thịt thay da. Cuộc sống đã bắt đầu đầy đủ lên từ cơm ăn, áo mặc, nhà ở, những tiện nghi hiện đại… Thật đáng mừng và thật tràn trề hy vọng. Vâng, cuộc sống vật chất vô cùng quan trọng, nhưng không bao giờ là tất cả. Bởi con người là một sinh vật có ý thức và tâm hồn, những thứ khiến nó đứng cao hơn tất cả muôn loài. Mà thức ăn cho tâm hồn thì như bạn biết đấy, có thể giản dị chỉ là một bờ cây đầy tiếng ve ran mỗi kỳ vào hạ, có thể chỉ là một mùi hương hoa sữa, cái loài hoa có thể khiến những đôi tình nhân thêm da diết yêu nhau và khi xa cách thì không sao quên nổi, và cũng có thể chỉ là một làn mưa bụi, như tôi đã tả ở trên kia.

Hãy trồng thêm một cái cây vào buổi sáng xuân này, mùa xuân sau bạn sẽ được trả ơn bằng một bông hoa tươi rói, một làn hương ngan ngát, hoặc đơn giản hơn, một màu xanh đủ sức làm cho ban mai náo động của phố phường thời công nghiệp hóa yên tĩnh trở lại. Rồi tiếp đó sẽ là một tiếng chim…

Mùa xuân đang nhẹ bước tới kia. Mùa xuân khoác áo của cành sấu cuối đường vừa thay lá, dấu hài xinh in trên những luống hoa e ấp ở trong vườn. Mùa xuân chớp chớp hàng mi làm bằng mưa bụi, mùa xuân đang gõ vào cánh cửa của nhà bạn, nhà tôi, không phải bằng những ngón tay mà bằng một nụ hôn.

Xin chào em, mùa xuân!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mặt đất thương bàn chân cuốc bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO