Mạn đàm về hình tượng rắn trong kiến trúc Phật giáo Việt Nam

Phạm Văn| 27/01/2020 10:26

(TN&MT) - Ngay từ những câu chuyện Phật giáo đầu tiên, rắn đã trở thành một con vật linh thiêng, là biểu tượng của sự che chở, bảo vệ. Bởi vậy loài vật này không chỉ xuất hiện trong những Phật thoại mà còn xuất hiện rất nhiều trong các kiến trúc, điêu khắc chùa Phật giáo Nam tông (Phật giáo tiểu thừa).

Từ một biểu tượng trong Phật giáo

Rắn là một trong những biểu tượng lớn nhất của Phật giáo. Trong quá trình truyền bá đạo Phật, ở mỗi quốc gia hình tượng rắn lại được sáng tạo thêm và có những sự thay đổi. Theo những tài liệu Phật giáo còn lại đến ngày nay thì rắn có mối quan hệ rất đặc biệt với Phật giáo. Trong suốt cuộc đời đức Phật, từ khi sinh ra cho đến khi tịch diệt Ngài đều có liên quan đến hình tượng này.

Chuyện kể rằng khi đức Phật đang ngồi tu ở dưới gốc cây bồ đề thì một cơn mưa to gió lớn kéo đến. Lúc ấy mãng xà vương Naga Mucalinda từ ổ chui ra, uốn mình quấn quanh Đức Phật bảy vòng rồi nâng Ngài lên khỏi dòng nước đang chảy xiết. Sau đó rắn Naga dùng bảy chiếc đầu của mình làm thành một chiếc tán che chở cho Đức Phật. Sau này Naga được coi như là một biểu tượng của sự bảo vệ, che chở mọi người khỏi tai họa.

Chùa Monivongsa Bopharam của người Khmer ở TP. Cà Mau

Cũng từ đó hình tượng rắn thần Naga chiếm vị trí quan trọng không chỉ trong kinh sách mà còn ảnh hưởng lớn đến kiến trúc, điêu khắc Phật giáo mà Việt Nam cũng không nằm ngoại lệ. Trong các ngôi chùa Việt, đặc biệt là chùa Phật giáo Nam tông thì rắn trở thành một biểu tượng không thể thiếu trong các họa tiết, hoa văn trang trí.

Trong ngữ cảnh văn hóa Hán, Naga được phiên âm là Na-già và được đồng nhất với rồng. Bởi vậy trong kiến trúc các ngôi chùa Phật giáo Bắc tông (Phật giáo đại thừa) thì rồng chiếm chủ đạo mà không phải là hình tượng rắn. Tuy vậy điều này hoàn toàn ngược lại đối với kiến trúc chùa Phật giáo Nam tông.

Tổng quan về nghệ thuật tạo hình Naga trong Phật giáo, chúng ta thấy đó là hình ảnh một con rắn mang bành lớn, thường xuất hiện với một đầu hay nhiều đầu. Trong kiến trúc chùa của người Khmer Nam Bộ hay của người Chăm cổ chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những hình ảnh này.

Hình tượng thần rắn Naga trong kiến trúc chùa của người Khmer được biểu hiện rất phong phú, đa dạng, dưới nhiều hình dạng khác nhau như: rắn trượt trên diềm mái chùa; rắn quấn từ dưới mái hiên đến rầm mái; rắn bao quanh khung cửa; rắn trượt trên mặt tiền của các cột đỡ và lượn sóng dọc theo lan can chánh điện; rắn cong vút ở những mái chùa ... Trong mỗi trường hợp, đầu rắn Naga thường được dựng đứng như che chở ai đó. Miệng chúng mở to, thè lưỡi với những hàng răng sắc nhọn. Từ phần cổ, rắn thần thường được thể hiện bằng dải uốn cong đều đặn, làm dịu bớt tính dữ tợn của phần đầu rắn bên trên.

Naga có thể xuất hiện đơn lẻ hay trong dạng nhiều đầu (thông thường là số lẻ như 3 đầu, 7 đầu hoặc 9 đầu). Trong tạo hình đó thì chiếc đầu ở giữa bao giờ cũng vươn cao còn những chiếc khác thì nhỏ hơn và nằm ở vị trí thấp hơn. Trong dạng nhiều đầu, những cái đầu thường đội mũ miện, tạo nền cho bố cục ba mặt. Chúng ta có thể bắt gặp lối kiến trúc này trong các ngôi chùa ở phía bắc Thái Lan và các chùa tháp của Phật giáo Nam tông ở các nước khác như: Camphuchia, Myanmar ...

Đối với kiến trúc chùa của người Chăm cổ, hình tượng rắn cũng rất được ưa chuộng. Trong những họa tiết của tháp Dương Long (Một trong những công trình Chăm cổ còn sót lại) thì hình tượng rắn được điêu khắc rất tỉ mỉ, cầu kỳ từ xung quanh chân tháp lên đến các ô cửa, các viền xung quanh tầng mái với những kích cỡ, bố cục khác nhau. Trong những đợt khảo cổ xung quanh tháp Dương Long năm 2006, các nhà khảo cổ đã thống kê có rất nhiều bức tượng chạm hình rắn. Trong các tác phẩm điêu khắc có giá trị tìm được thì hình tượng rắn cũng chiếm đa số.

Đến hình tượng gây tranh cãi trong dân gian

Theo Thạc sĩ Phan Anh Tú (ĐHQG TP.HCM) thì rắn Naga được coi là vị thần dẫn dắt tín đồ ngoan đạo lên cõi Niết Bàn. Trong các ngôi đền cổ, các kiến trúc sư dân gian luôn xây dựng nhiều chiếc cầu vồng có hình rắn Naga, tượng trưng cho chiếc cầu nối liền giữa cõi trần gian và Niết Bàn. Rắn Naga nhiều đầu còn tượng trưng cho chiếc cầu trải dài dưới chân những ngôi đền (thế giới con người) đến đỉnh của nó (thế giới thần linh). Cũng theo tác giả này, rắn Naga chỉ xuất hiện như một linh vật bảo vệ cho tôn giáo. Nó tượng trưng cho sự sáng tạo, hủy diệt và tái sinh.

Rắn trong kiến trúc và điêu khắc ở chùa của người Khmer

Chính bởi sức ảnh hưởng to lớn (dù là trực tiếp hay gián tiếp) từ hình tượng rắn trong Phật giáo, rắn trong đời sống hàng ngày là một loài vật được mọi người kính trọng, sợ hãi. Nhiều huyền thoại, lời đồn về loài vật này đã được thêu dệt, xây dựng khiến cho dư luận xa gần xôn xao. Báo chí, thậm chí cả các nhà khoa học cũng tốn không ít giấy mực để đi lí giải những hiện tượng kì bí xung quanh những câu chuyện được người dân xây dựng nên.

Trong đời sống dân gian, câu chuyện về rắn thần hay rắn báo thù có ở khắp nơi và xuất hiện trên mặt báo “như cơm bữa”. Thỉnh thoảng một vài tờ báo lại đăng những bài viết dài kỳ về những cái chết khó lí giải có liên quan đến động vật này. Thậm chí rắn còn được gắn cho số phận bi thảm của một nhân vật lỗi lạc trong lịch sử Việt Nam là Nguyễn Trãi ...

Nhìn chung tâm lí của người dân đối với rắn rất trái chiều, khác nhau. Chuyện đáng sợ đều liên quan đến rắn mà những chuyện tâm linh cũng liên quan đến nó nốt. Bởi thế hình tượng này có một sức sống rất phức tạp trong suy nghĩ của nhiều người dân. Có thể nói trong số những loài động vật thì rắn chính là loài được thờ phụng nhiều nhất trên thế giới.

Về mặt tâm lí thì khoảng 1/3 con người trên thế giới này mắc hội chứng sợ rắn. Điều lạ lùng này cho đến bây giờ giới khoa học vẫn chưa giải đáp được. Còn về mặt tâm linh, rắn là một linh vật biểu tượng cho tôn giáo, nhất là với những nước theo đạo Phật thì chuyện này càng quan trọng. Chính bởi thế, nếu rắn tự nhiên xuất hiện quanh khu vực chùa thì một liên tưởng mang tính tôn giáo lập tức khiến cho người ta gắn vào nó những hơi thở của thần thánh.

Nhưng điều đặc biệt là những câu chuyện li kì về rắn thần lại xảy ra chủ yếu ở những vùng miền mà rắn không phải là một biểu tượng tôn giáo cụ thể. Đối với Phật giáo Nam tông thì rắn là một biểu tượng tôn giáo và họ tin rắn có sức mạnh bảo vệ cuộc sống chứ không gắn với biểu tượng cái ác và sự kì bí. Trong các công trình kiến trúc của người Khmer và Chăm – Pa, điều này đã được chứng mình là rất đúng đắn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mạn đàm về hình tượng rắn trong kiến trúc Phật giáo Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO