Mai Sơn (Sơn La): Tuyên truyền bảo vệ môi trường trong sơ chế cà phê

Nguyễn Nga | 09/09/2021, 20:55

(TN&MT) - Từ ngày 7 - 10/9, Đoàn liên ngành của UBND huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường, hướng dẫn công tác bảo vệ môi trường cho các hộ sơ chế cà phê trên địa bàn các xã Chiềng Mung, Chiềng Ban, Chiềng Chung, Chiềng Kheo, Chiềng Dong…

Để đảm bảo các quy định phòng chống dịch Covid-19, năm nay, huyện Mai Sơn không tổ chức Hội nghị tuyên truyền quy mô cụm xã mà trực tiếp tuyên truyền tới người dân tại từng bản thuộc các xã có hoạt động sơ chế cà phê, đảm bảo khoảng cách, không tập trung đông người.

Tuyên truyền pháp luật bảo vệ môi trường trong sơ chế cà phê tại xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn.

Tại các buổi tuyên truyền, ông Phạm Duy Hùng, Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Mai Sơn đã phổ biến tới các hộ dân một số nội dung của Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định 55/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Hướng dẫn số 204/HD-STNMT về quy trình ủ vỏ cà phê làm phân hữu cơ và xử lý nước thải sơ chế cà phê theo hướng tái sử dụng chất thải với cơ sở sơ chế cà phê quy mô hộ gia đình….

Qua đó, yêu cầu các hộ sơ chế chỉ được phép hoạt động sơ chế cà phê khi có các công trình thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải đảm bảo xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường để không gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước.

Kiểm tra việc xử lý nước thải cà phê tại xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn.

Tại các buổi tuyên truyền, đại diện Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện cũng đã thông tin về việc xử lý vi phạm điện nước với các trường hợp không đảm bảo về môi trường; Phòng Tài chính kế hoạch huyện thông tin về việc cấp phép kinh doanh với các hộ sơ chế cà phê.

Ông Lò Văn Sâm, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn cho biết: Niên vụ 2021 - 2022, dự kiến, sản lượng cà phê tại xã Chiềng Ban đạt trên 3.000 tấn quả tươi. Để đảm bảo công tác môi trường, ngay từ tháng 4/2021, xã đã triển khai cho các hộ đăng ký hoạt động sơ chế cà phê. Tới nay, có 43 cơ sở lớn thu mua, sơ chế cà phê (10 - 15 tấn) và 295 hộ gia đình nhỏ lẻ tự sơ chế. Các hộ đăng ký sơ chế cơ bản đã đào hố, lót bạt HDPE đảm bảo chống thấm. Xã đang tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt công tác đảm bảo môi trường; kiện toàn tổ kiểm tra của xã thường xuyên kiểm tra đôn đốc; tổ chức cho các hộ nhỏ lẻ ký cam kết thực hiện đảm bảo vệ sinh môi trường trong niên vụ cà phê năm nay.

Các hộ sơ chế cà phê tại xã Chiềng Ban thực hiện ký cam kết về bảo vệ môi trường niên vụ cà phê 2021 - 2022.

Những năm qua, việc sơ chế, chế biến cà phê quy mô nhỏ lẻ là nhân tố chính gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Sơn La và huyện Mai Sơn. Do đó, việc tổ chức tuyên truyền là hoạt động rất thiết thực, quan trọng, góp phần giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường cho các hộ gia đình, cá nhân sơ chế, chế biến nông sản trên địa bàn.

Sau mỗi buổi tuyên truyền, các hộ có hoạt động sơ chế cà phê đã ký cam kết với UBND cấp xã về đảm bảo công tác môi trường trong niên vụ cà phê năm nay.

Bài liên quan
  • Gia Lai: Đồng bào Ba Na làm du lịch
    (TN&MT) - Là vùng đất còn lưu giữ được những nét văn hóa mang đậm bản sắc của người  Ba Na, tại một số địa phương của huyện Kbang (tỉnh Gia Lai), đồng bào Ba Na đã biết tận dụng thế mạnh của mình để làm du lịch, phát triển kinh tế song song với bảo vệ môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Ủy ban Dân tộc tuyên dương 143 học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS xuất sắc năm 2023
(TN&MT) - Tối 26/12/2023, tại Hà Nội, Uỷ Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp cùng Bộ GD&ĐT, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tổ chức Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu lần thứ 10 năm 2023.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO